Về nơi “gõ ra tiền” đặc biệt ở Hà Nội: “Cứ còn gõ là còn tiền”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, nghề “gõ ra tiền“ tại ngôi làng Phú Thứ (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn tồn tại bền bỉ và nuôi sống biết bao nhiêu gia đình...
Về nơi “gõ ra tiền” đặc biệt ở Hà Nội: “Cứ còn gõ là còn tiền”
Xưởng làm tôn thiếc của gia đình ông Dương Ngọc Cương ở làng Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Nơi "Cứ còn gõ là còn tiền" đặc biệt ở Hà Nội

Đều đặn sáng sớm mỗi ngày khi bước chân vào làng Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ai nấy đều dễ dàng nghe thấy tiếng "bốp bốp chát chát" phát ra từ nhiều hộ dân nơi đây. 

Theo người dân địa phương, chính những tiếng động thân thuộc phát ra từ các gia đình đang lao động, gò hàn tôn thiếc tạo thành làn sóng âm đặc biệt, gắn liền với cuộc sống của nhiều thế hệ nên từ lâu đời các tiền nhân gọi vui là "làng gõ ra tiền". Nếu ngày nào tại ngôi làng này còn nghe thấy tiếng "gõ" thì người dân coi đây là chuyện bình thường và nếu còn nghe thấy tiếng "gõ" là còn làng nghề truyền thống và có tiền. 

Chia sẻ với PV Báo , ông Dương Ngọc Cương (51 tuổi) cho biết, đã gắn bó với công việc gò hàn tôn thiếc đến nay hơn 30 năm. Ông Cương giới thiệu, hiện nay gia đình ông là đời thứ 3 sinh sống bằng nghề truyền thống truyền thống này. 

Ngồi gõ gia công thùng tôn cho khách, ông Cương cho hay, hiện gia đình ông đang nhận đơn hàng là những chiếc thùng tôn (dành cho khách hàng đựng các món đồ cá nhân, tiền bạc, trầu cau…). Đây cũng chính là sản phẩm hàng ngày được chuyển lên phố Hàng Thiếc trong phố cổ Hà Nội. 

Ông Cương đã gắn bó với công việc gò hàn tôn thiếc đến nay hơn 30 năm. Ảnh: Gia Khiêm

"Thuộc thế hệ thứ 3 của làng, chúng tôi vẫn yêu nghề sản xuất. Hầu hết các sản phẩm dân sinh tại đây đều bằng thủ công là chủ yếu. Chúng tôi gia công cho khách, lấy công làm lãi là chính và nguyên liệu thì thường do khách mang đến", ông Cương chia sẻ. 

Chủ cơ sở chia sẻ thêm về nghề, với thời đại công nghệ phát triển hiện nay, máy móc giúp con người nâng cao năng suất sản lượng nhưng nhiều chi tiết sản phẩm sẽ không thể thay thế bàn tay thủ công. Như việc làm những góc mép sản phẩm... đều phải tự tay làm ra. Gia đình ông đánh giá xu hướng phát triển và vẫn quyết định gắn bó với nghề gò hàn, tôn. 

Cắt sản phẩm sắc nhọn không ít lần ông Cương gặp thương tích ở tay, chân. Ảnh: Gia Khiêm

"Chúng tôi vẫn hướng cho các con cháu học về kiến thức để đi ra xã hội phát triển, nhưng những ai ở lại với nghề này thì vẫn tiếp tục phát huy, thu nhập ổn định. Cũng từ làm nghề này mà tôi cùng nhiều hộ gia đình trong làng nuôi các con ăn học nên người. Công việc này cũng không quá vất vả khi làm việc trong nhà, chỉ có mùa hè hơi vất một chút", ông Cương nói. 

Sản phẩm theo ông Cương được làm thủ công để chuẩn xác các đường mép. Ảnh: Gia Khiêm

Một trong những sản phẩm khách hàng đặt ông Cương làm ra. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng chính vì làm tôn thiếc ông Cương cũng như thợ làm cùng không tránh được những lúc chân tay gặp thương tích. "Do làm việc này phải dùng tay không mới cảm nhận được chính xác đường nét của sản phẩm. Do vậy việc chúng tôi tiếp xúc với kim loại mỏng này không tránh khỏi thương tích. Ấy vậy như tôi yêu nghề nên quyết tâm làm đến già. Tôi hay nói vui với những người dân trong làng là cứ còn gõ  là còn tiền", ông Cương cười nói.

Gõ cả tháng mới ra những sản phẩm đặc biệt

Tiếp tục đi bộ về phía sâu trong làng đến với ngôi nhà đang phát ra tiếng cành cạch của cỗ máy dây chuyền dập khuôn các chi tiết nhỏ của sản phẩm, ông Nguyễn Phú Thà cũng đang ngồi kẻ vẽ rồi dùng kéo cắt những tấn tôn. Còn bà Nguyễn Thị Thúy (63 tuổi) đang luôn tay vận hành chiếc máy đang dập mép hộp tôn, cứ mỗi phút đều đặn cho ra hàng chục sản phẩm đẹp mắt. Đây được coi là hộ gia đình sản xuất thùng tôn chuyên hóa vàng lớn nhất của làng. 

Bà Nguyễn Thị Thúy (63 tuổi) đang luôn tay vận hành chiếc máy đang dập mép hộp tôn, cứ mỗi phút đều đặn cho ra hàng chục sản phẩm đẹp mắt. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thúy chia sẻ, từ thuở con gái ngoài đôi mươi bà đã làm thuê cho nghề này và chính những hộ dân ở Hàng Nón, Hàng Thiếc đều bắt nguồn từ thôn Phú Thứ. Riêng bà Thúy cũng gắn liền với nghề truyền thống này từ khi mới hơn chục tuổi, duyên này khiến bà Thúy không thể từ bỏ vì cái nghề đang giúp gia đình người phụ nữ có thu nhập và cuộc sống ổn định. 

Ông Đỗ Quang Tạo cầm chiếc búa nặng gần 2kg tán mạnh, liên tục lên những lá đồng thô. Ảnh: Gia Khiêm

Mướt mồ hôi cầm búa nặng gần 2kg tán mạnh lên những lá đồng, ông Đỗ Quang Tạo (57 tuổi) cho biết, việc làm những lá đồng mỏng tang tạo ra các sản phẩm trên phố Hàng Mã đòi hỏi phải rất kỳ công, tỉ mỉ.

"Tôi mua đồng ở phố Hàng Đồng sau đó về tán thật mạnh. Ngày nào cũng đập đập, chát chát từ sáng tới tối. Tán mỏng lá đồng xong lại cho vào bếp củi đun. Đun nóng lên để nguội lại tiếp tục đập. Lá đồng ban đầu dày thế này nhưng trải qua bàn tay người thợ nơi đây có khi mất nửa tháng hoặc cả tháng mới ra được những lá đồng mỏng tang mang ra phơi thành sản phẩm rồi mới có người nhập", ông Tạo chia sẻ.

Từ lá đồng thô như thế này trải qua đập đập, qua nhiệt độ tạo ra những lá đồng mỏng tang. Ảnh: Gia Khiêm

Những lá đồng thành phẩm trải qua nửa tháng, thậm chí cả tháng mới tạo ra được. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Tạo, nếu trước đây hầu như trong làng đều làm nghề làm lá đồng thì hiện tại trong làng chỉ còn 3,4 người duy trì. 

"Việc làm này rất vất vả, người thợ phải căn chuẩn đập đều tay. Do cầm búa nặng, vất vả trong khi thu nhập cũng không cao nên nhiều người chuyển sang công việc khác. Tôi thì yêu nghề nên còn sức khoẻ tôi còn làm công việc gắn bó cả cuộc đời với mình và dân làng Phú Thứ", ông Tạo nói thêm.  

Một lãnh đạo UBND phường Tây Mỗ chia sẻ, việc phát triển nghề gò hàn tôn thiếc vừa giúp làm kinh tế hộ gia đình, lại tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi lao động mất đất nông nghiệp. Ước tính, nghề gõ tôn, thiếc đã giúp khoảng 50% số thanh niên đang độ tuổi lao động cả nam, lẫn nữ của Phú Thứ có việc làm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật