Chu‌yện tìn‌h dưới gốc táo mèo của vợ chồng giáo viên cắm bản

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Yêu nghề, thương trẻ, họ gặp nhau nơi góc trời Tây Bắc rồi viết lên những chu‌yện tìn‌h cảm động.
Chu‌yện tìn‌h dưới gốc táo mèo của vợ chồng giáo viên cắm bản
Nhiều giáo viên vùng cao đã nên duyên vợ chồng, tình nguyện ở lại cắm bản để xây dựng mái ấm, cùng nhau gieo chữ cho bao thế hệ học trò.

chu‌yện tìn‌h… dưới gốc táo mèo

Trong những ngày len lỏi giữa đại ngàn xã Chiềng Công, PV Báo Lao Động được nghe kể những câu chu‌yện tìn‌h cảm động của nhiều cặp vợ chồng giáo viên vùng cao nơi đây.

Cô Quàng Thị Xuân (25 tuổi) - Trường mầm non Chiềng Công - Người dân tộc Thái, ở mãi vùng Chiềng Xôm (TP Sơn La) tình nguyện lên xã vùng 3 đặc biệt khó khăn này giảng dạy gần 2 năm nay.

Khi mới chân ướt, chân ráo lên đây, cô Xuân đã lọt vào mắt xanh của thầy Quàng Văn Miển (28 tuổi) – Người huyện Mường La – Giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú – THCS Chiềng Công.

Cô Xuân vẫn cần mẫn bám lớp dù đang mang bầu, phải xa chồng do điều kiện đi lại khó khăn...

Cô Xuân sắc mặt thoáng phớt hồng, vui vẻ kể, thời gian đầu do không quen đường xá, địa hình lại hiểm trở, toàn rừng rú…, thầy Miển thường xuyên nhận lời đưa đón.

Nhất là lúc đi các điểm bản ở xa như Hán Cá Thệnh, 2 người đèo nhau trên chiếc xe máy cũ kĩ nên không ít lần bị ngã lấm lem hết quần áo.

“Những hôm phải ngủ lại điểm bản, ở nơi heo hút không có nổi sóng điện thoại, 2 người chỉ biết ra gốc cây táo mèo để trò chuyện, tâm sự… động viên nhau vượt qua khó khăn. Dần dà, nảy sinh tình cảm yêu đương và kết hôn vào đầu năm 2022” – cô Xuân ngượng ngùng nói.

Niềm vui nhân đôi khi hiện tại, cô Xuân đang mang thai đứa con đầu lòng, dẫu phải xa chồng vì thầy Miển cắm bản ở điểm Khao Lao Chêng. Tự lo mọi sinh hoạt thường ngày, cô vẫn động viên chồng cố gắng bám lớp, yên tâm giảng dạy.

Một câu chuyện cảm động khác là vợ chồng thầy Lò Văn Huỳnh (35 tuổi) – Trường Tiểu học Chiềng Công và cô Đinh Thị Định (37 tuổi) – Trường mầm non Chiềng Công. Họ gặp nhau nơi vùng cao này và nên duyên vợ chồng đã hơn 10 năm.

Con đường đá gập ghềnh mà các thầy cô cắm bản phải vượt qua để đến các điểm trường.

Suốt 13 năm nay, họ gửi 2 đứa con thơ cho ông bà dưới miền quê Phù Yên (Sơn La), cần mẫn giảng dạy tại điểm bản Khao Lao. Dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, 2 vợ chồng vẫn quyết tâm gắn bó để gieo chữ cho con trẻ vùng cao.

Cô Định nói, làm giáo viên cắm bản, cả tháng mới về thăm nhà 1 lần, con cái xa bố mẹ, cũng nhiều thiệt thòi lắm. Nhưng nhìn bao thế hệ học trò nơi đây, lại không nỡ rời bỏ… bởi trót coi các em như chính con đẻ của mình.

Cô giáo theo chồng về vùng cao

Vốn theo học chuyên ngành sư phạm tại Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La), cô Lường Thị Nghiệp (29 tuổi) tình nguyện xin về xã Chiềng Công để “cắm bản” cùng chồng là thầy Hoàng Văn Nhân (38 tuổi) - Trường Tiểu học Chiềng Công.

Dẫu biết trước sự khó khăn, khắc nghiệt nơi vùng cao, cô Nghiệp vẫn quyết tâm lên đây để hỗ trợ chồng trong việc giảng dạy cũng như cuộc sống thường ngày. Là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác.

Thầy Nhân trong giờ lên lớp truyền đạt kiến thức, thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao Tây Bắc.

Thầy Nhân chia sẻ, do mới lên, chưa quen môi trường sống ở vùng cao, vợ thường hay đau ốm nên cũng xót lắm. Nhưng thấy vợ quyết tâm như vậy, lại thương trò, mến trẻ thì rất ủng hộ.

“Vợ chồng mình mong muốn góp một chút công sức nhỏ bé cho sự nghiệp giáo dục, truyền đạt kiến thức cho học trò ở Chiềng Công. Mong sao các em trở thành những công dân có ích, sau này cống hiến cho bản làng, quê hương” - thầy Nhân bộc bạch.

Hiện vợ chồng thầy Nhân – cô Nghiệp đang cùng công tác và sinh hoạt trực tiếp tại điểm bản Nậm Hồng - 1 trong những điểm trường cực kì khó khăn, trình độ dân trí thấp của xã Chiềng Công.

Thầy Bùi Đình Quân - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Công cho biết, Chiềng Công là một trong những xã khó khăn, xa trung tâm nên đa phần các thầy cô đều ở lại trường. Nhiều cặp vợ chồng “cắm bản” phải đôi tháng mới về thăm nhà 1 lần.

"Hiểu và cảm thông trước hoàn cảnh cùng sự thiếu thốn của cán bộ giáo viên nên nhà trường luôn ghi nhận những cống hiến của thầy cô. Để các thầy cô yên tâm công tác, nhà trường cũng tạo điều kiện trong việc sắp xếp, bố trí chỗ ăn ở cho giáo viên cắm bản" - thầy Quân nhấn mạnh.

Ông Sùng A Di - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Công (huyện Mường La) rất mong các nhà hảo tâm, cơ quan đơn vị… quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho học sinh vùng cao xã Chiềng Công.

Nhất là đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường còn nhiều khó khăn như Kéo Hỏm, Nậm Hồng, Hán Cá Thệnh... tài trợ thêm sách vở, quần áo, dụng cụ học tập… để học sinh nghèo nơi đây vững bước tới trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật