Cái giá phải trả khi trì hoãn đám cưới trong dịch Covid-19

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Dẹp đi. Tôi không thể chi thêm một xu nào vào hôn lễ này nữa“, cô dâu người Mỹ Erin Duggan cho biết.
Cái giá phải trả khi trì hoãn đám cưới trong dịch Covid-19
Gần 1/2 cặp ở Mỹ dự định cưới vào năm 2020 phải hoãn lại hôn lễ vì Covid-19. Ảnh: The Foxes Photography.

Frank Stagliano và Erin Duggan, đến từ New Jersey (Mỹ), đã 3 lần đặt lịch tổ chức đám cưới trong năm qua: tháng 3, rồi lùi lại sang tháng 9/2020 và cuối cùng là tháng 7 năm nay, theo Wall Street Journal.

“Dẹp đi. Tôi sẽ chẳng chi thêm một xu nào vào cái ngày mà chúng tôi không thể toàn tâm toàn ý cho nó”, Erin cho biết.

Gần một nửa số đôi uyên ương Mỹ dự định kết hôn vào năm 2020 đã phải hoãn lại ngày vui của họ, theo cuộc khảo sát hồi tháng 2 từ trang web lên kế hoạch đám cưới The Knot.

Hiện rất nhiều người đang xem xét lại bài toán tài chính cho một tiệc cưới lớn và quyết định rằng: “Thôi dẹp đi”.

Thay vào đó, họ dùng số tiền đáng lẽ chi cho tiệc chiêu đãi trong đám cưới để mua nhà hoặc trả các khoản vay.

Phụ phí trì hoãn đắt đỏ

Dữ liệu của The Knot cho thấy chi phí trung bình cho một đám cưới năm 2020, bao gồm phần lễ và tiệc chiêu đãi, là 19.000 USD, thấp hơn 9.000 USD so với năm 2019.

Lauren Kay, tổng biên tập trang The Knot, cho biết lý do bởi các cặp mời ít khách hơn, trả ít tiền cho đồ ăn thức uống hơn, từ đó tiết kiệm được một số chi phí.

Tuy nhiên, con số đó chưa bao gồm phí trì hoãn, dời lịch. Website đám cưới Zola cho thấy năm 2020, 88% trong số 2.000 cặp được hỏi phải trả thêm các phụ phí.

Shannon Mercer và chồng là Marc Mercer đã sắp xếp lại đám cưới 2 lần - một lần dời lịch, lần còn lại chuyển sang địa điểm khác.

Shannon ước tính hai vợ chồng mất khoảng 6.000 USD tiền đặt cọc không hoàn lại từ các nhà cung cấp dịch vụ cho kế hoạch đám cưới ban đầu ở bang Michigan.

Brittney (phải) và chồng Eric Valentine hủy hôn lễ, dùng tiền để mua nhà. Ảnh: Destiny Smith Photography.

Sau đó, họ quyết định tổ chức một hôn lễ nhỏ ở thành phố Charleston (bang South Carolina) vào đầu tháng 4. Người vợ cho biết họ đã rất lo lắng khi đặt bút ký hợp đồng cho kế hoạch đám cưới thứ hai.

“Chúng tôi không muốn bị ràng buộc rồi phải đối mặt với những điều chưa rõ ràng”, Shannon nói.

Mặc dù hầu hết nhà cung cấp dịch vụ đám cưới có xu hướng đáp ứng nhu cầu dời lịch miễn phí, một số dịch vụ lại không thể hoàn tiền cọc, cũng như phải chịu chi phí đổi ngày tổ chức.

Không ít cặp còn gặp áp lực từ phía gia đình. Một số phụ huynh “tài trợ” cho đám cưới với kỳ vọng sẽ có một bữa tiệc chiêu đãi hoành tráng hậu Covid-19.

Tổng biên tập Lauren cho biết chi phí tổ chức đám cưới năm 2021 dự kiến sẽ ngang bằng với năm 2019, một phần bởi các cặp vợ chồng hoãn tiệc cưới để có thể chiêu đãi với số lượng khách lớn hơn.

Phần lớn các cặp tổ chức đám cưới vào mùa hè và mùa thu năm nay dự định sẽ mời hơn 100 khách, đồng nghĩa với việc chi phí của họ sẽ tăng lên. Cách đây 2 năm, trung bình mỗi cặp mời khoảng 130 khách, theo The Knot.

Suy nghĩ thực tế hơn

Đại dịch cũng buộc một số đôi suy nghĩ nhiều về những khía cạnh thực tế hơn của hôn nhân.

Christina Dorizas và chồng Josh Murtha đã hoãn tiệc cưới ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin), vốn dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020. Thay vào đó, họ kết hôn tại một tòa án gần nhà cha mẹ Josh ở bang North Carolina.

Josh và Christina tổ chức phần lễ tại một tòa án ở bang North Carolina. Ảnh: Owen Stevenson.

Ban đầu, Christina dự định chờ đợi đến lúc họ có thể trao lời nguyện thề trước mặt các bạn bè. Tuy nhiên, do Josh lao động tự do, không có bảo hiểm y tế, việc cưới Christina và tham gia chung vào bảo hiểm sức khỏe của cô ấy là điều cần thiết với anh trong thời điểm dịch bệnh này.

Christina và Josh mời bố mẹ hai bên đến tham dự buổi lễ nhỏ tại tòa án, nơi tuyên bố hai người là vợ chồng, nhưng họ không trao nhẫn hay lời thề cá nhân. Họ quyết định thực hiện điều đó khi tổ chức tiệc chiêu đãi vào tháng 5/2022.

“Hôm ấy thực sự là một ngày tốt đẹp với gia đình hai bên, nhưng lại không có giá trị tình cảm mà chúng tôi mong muốn”, Christina nói với Wall Street Journal.

Mặt khác, một số cặp chọn cách hủy hoàn toàn các bữa tiệc chiêu đãi lớn. Thay vào đó, họ chi tiền cho các ưu tiên tài chính khác, chẳng hạn trả nợ hoặc mua nhà.

Brittney và Eric Valentine dự định trao lời thề trước mặt 130 thành viên gia đình và bạn bè vào tháng 5/2020 tại thành phố Louisville (bang Kentucky). Do Covid-19, họ dời lịch sang tháng 8, rồi đến 31/12 cùng năm.

Khoảng 8 tuần trước khi kế hoạch đám cưới thứ 3 diễn ra, Brittney và Eric quyết định rằng hôn lễ trong mơ của họ vẫn chẳng thể thành sự thật. Thay vì dời lịch lần nữa, đôi uyên ương quyết định hủy hẳn đám cưới và tới Las Vegas trao lời thề cho nhau vào tháng 1 vừa qua.

Hai người ước tính đã mất 1.800 USD tiền đặt cọc không thể hoàn lại, bao gồm người quay phim, thợ trang điểm và làm tóc. Tuy nhiên, bên thuê địa điểm đã hoàn lại cho họ 10.000 USD. Brittney và Eric sử dụng số tiền đó để mua một ngôi nhà ở Jeffersonville (bang Indiana).

“Những đám cưới lớn sẽ là kỷ niệm đẹp trường tồn theo thời gian. Nhưng vợ chồng chúng tôi muốn có điều gì khác tồn tại suốt đời xuất phát từ bên trong căn nhà này”, Eric chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật