Huệ Ninh - Tác giả của những kịch bản về đề tài lịch sử

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyễn Thị Huệ Ninh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, không chỉ là một cây bút văn xuôi đầy triển vọng mà còn là một biên kịch, một tác giả sân khấu và cũng đóng góp nhiều công trình nghiên cứu về điện ảnh.
Huệ Ninh - Tác giả của những kịch bản về đề tài lịch sử
Nguyễn Thị Huệ Ninh đã và đang thành công trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Sinh năm 1982, trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật, Huệ Ninh xuất hiện rất sớm trên văn đàn Quảng Ninh với truyện ngắn “Kho báu” khi mới 20 tuổi. Bằng cách nhìn cuộc sống độc đáo, giàu kịch tính, truyện ngắn đã gây ấn tượng với người đọc và giành giải Ba cuộc thi sáng tác do Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh tổ chức năm 2003. Sau đó Huệ Ninh theo học Đại học Sân khấu- Điện ảnh và tiếp tục viết rất hăng say, truyện ngắn của chị xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

Năm 2005, tập truyện ngắn đầu tay “Kho báu” của Huệ Ninh do NXB Báo ấn hành, đã tạo được dấu ấn với bạn đọc. Truyện ngắn Kho báu đạt giải cuộc thi “Truyện ngắn, ký và thơ” của Báo Văn nghệ Hạ Long và Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh, năm 2004. Truyện “Nước mắt của mẹ” đạt giải trong cuộc thi “Viết về mẹ” của báo Phụ nữ thủ đô, năm 2006. Truyện ngắn “Cuộc hội ngộ bất ngờ” đạt giải trong cuộc thi “Sáng tác văn học trẻ báo Hạ Long 2006 – 2007”. Truyện ngắn “À ơi mẹ ngủ cho ngoan” đạt giải trong cuộc vận động sáng tác truyện, ký và thơ về HIV/AIDS năm 2006 của Hội chữ thập đỏ và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức.

Tiếp đó là các tập sách của chị đã nối tiếp nhau ra đời, như: Tập truyện ngắn “Huyền thoại biển” NXB Lao động năm 2006; tập truyện ngắn “Hạnh phúc giản đơn” NXB Văn học năm 2008; tiểu thuyết “Cây nước mắt” – NXB Hội Nhà văn, năm 2015, tập truyện ngắn “Duyên nợ” NXB Hội Nhà văn năm 2016. Chị cũng chính là người chắp bút cho cuốn hồi ký “Thời xuân sắc” của mẹ mình được NXB Thế giới xuất bản, vừa ra mắt bạn đọc.

Biên kịch Huệ Ninh trong buổi ra mắt phim "Cây nước mắt".

Ngoài viết văn, Huệ Ninh còn từng tham gia viết nhiều kịch bản phim như “Viên ngọc quý” viết về làng chài Cửa Vạn năm 2004; 35 tập kịch bản “Cây nước mắt” do Hãng phim Cửu Long sản xuất năm 2014; 30 tập “Cuộc vượt ngục thần kỳ” do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2010. Chị cũng là tác giả các kịch bản sân khấu “Táo cười đón xuân” (2016) và “Ngược chiều gió” (2019) đều được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Chị hiện là nghiên cứu viên của viện nghiên cứu Sân khấu - Điện ảnh - Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội và đang học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; từng làm việc tại Công ty Nghe - Nhìn Hà Nội, làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu Điện ảnh. Tập sách chuyên luận nghiên cứu “Tiếp thu giá trị văn học dân gian để viết kịch bản phim truyện truyền hình Việt Nam” đã đạt giải “Cánh diều bạc” của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2013.

Trong số sáng tác của Huệ Ninh, đáng chú ý nhất là cuốn tiểu thuyết “Cây nước mắt”. Sách dày 718 trang, được chuyển thể từ kịch bản phim “Mùa lá đỏ” của Huệ Ninh. Đây là tác phẩm từng đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011 và dựng thành phim truyện truyền hình 35 tập do Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Hãng phim Cửu Long hợp tác sản xuất, đã bắt đầu được phát sóng trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2020.

Tiểu thuyết “Cây nước mắt” đã dựng lên một bức tranh hiện thực sinh động, thấm đẫm máu, nước mắt, kể về nỗi thống khổ của những phu cao su thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chế độ lao động hà khắc, bị bó‌c lộ‌t tàn bạo, con người không khác gì con vật, có khi chỉ là thứ đồ chơi trong tay những tên chủ đồn điền tàn bạo. Nhưng nổi lên vẫn là tinh thần yêu nước, gắn kết với nhau để chiến đấu cho chính nghĩa của những phu phen trong hoàn cảnh khốn cùng ấy. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để hướng đến tương lai tươi sáng.

Khai thác đề tài lịch sử là một sự thể nghiệm, dấn thân của một tác giả trẻ như Huệ Ninh. Chị chia sẻ: Quá khứ là cả một quặng vàng bất tận, nên khai thác đề tài lịch sử hay chiến tranh cách mạng là một sự hào hứng với tôi. Miễn sao tôi đặt được vào đấy một cách hấp dẫn, thuyết phục, với cách nhìn tươi mới. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật