Quốc tế nhất quán lập trường về Biển Đông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vừa qua, vấn đề Biển Đông tiếp tục là một trong những chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của các tổ chức khu vực và quốc tế. Trong đó, cộng đồng quốc tế đều thống nhất quan điểm kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng và hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Quốc tế nhất quán lập trường về Biển Đông
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10. Ảnh: TTXVN

Thống nhất tiếng nói chung

Tại phiên họp của Ủy ban Chính trị với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN” trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) vào tuần trước, các nghị viện thành viên AIPA đều đồng tình với việc tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Đồng thời, các thành viên AIPA cùng đề cao tinh thần thượng tôn Pháp Luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Đại diện các nghị viện cũng khẳng định sự ủng hộ, tăng cường năng lực của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức an ninh, lấy người dân làm trung tâm.

Cũng trong tuần trước, tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53), ngoài 10 nước ASEAN còn có sự tham dự của các Đối tác EAS gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zeand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Tổng Thư ký ASEAN. Tại đây, các nước cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và hoàn tất xây dựng COC.

Các nước đều nhấn mạnh rằng, lợi ích chung của tất cả các nước là hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đồng thời bày tỏ quan ngại về diễn biến có ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và thượng tôn Pháp Luật trong khu vực. Cộng đồng quốc tế cũng nhấn mạnh việc cần thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne bày tỏ, Canada cam kết cùng ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới, ủng hộ hòa bình và an ninh, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Cũng tại hội nghị này, ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada khẳng định, Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã lãnh đạo đúng nguyên tắc, kiên quyết và tạo bước tiến trong việc giải quyết các vấn đề khó liên quan đến biển Đông.

Trật tự phải dựa trên luật pháp

Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 diễn ra trong tuần qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đánh giá, việc duy trì hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á thể hiện khát vọng mạnh mẽ về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định. Campuchia là quốc gia không đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, song Campuchia ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực bảo vệ luật pháp quốc tế với mong muốn Biển Đông được duy trì là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông, cũng tại ARF lần thứ 27, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegu‌n - Trưởng đoàn đại biểu Mỹ dự ARF khẳng định, Mỹ cùng các nước đề cao tầm quan trọng của trật tự quốc tế phải dựa trên luật pháp trong việc giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Đức - Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào đầu tuần này, giới chức cấp cao của EU đã kêu gọi Trung Quốc không hành động đơn phương ở Biển Đông. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất việc tuân thủ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, cởi mở, hợp tác và đa phương, cũng như tăng cường đối thoại và tham vấn nhằm đảm bảo quan hệ song phương phát triển tích cực và ổn định.

Theo phân tích của giới quan sát quốc tế, tình hình trên Biển Đông hiện có rất nhiều vụ việc đang diễn ra có thể tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực. Một số vấn đề nổi cộm vốn đã âm ỉ trong một thời gian dài và đột nhiên có những diễn biến mới làm cho tình hình căng thẳng hơn trong thời gian gần đây. Những diễn biến tiêu cực có thể gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích của nhiều quốc gia tại khu vực.

Giới chuyên gia quốc tế khẳng định, UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết những bất đồng hiện hữu. Trong đó, Việt Nam - thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn cho thấy chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Theo ông Alexander Molotnikov - giảng viên Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Moscow (Nga), có nhiều cách văn minh để giải quyết những vấn đề tranh cãi trên Biển Đông và cần sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế. Những tranh cãi sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và công lý, thay vì dựa trên sức mạnh của các quốc gia.

Đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở đó, quan điểm thống nhất của các quốc gia và tổ chức quốc tế được tái khẳng định vừa qua đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực, thể hiện rõ nét qua những lời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tất cả các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982.

Mặt khác, cộng đồng quốc tế hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc cam kết thực hiện đầy đủ DOC. Đặc biệt, ASEAN và Trung Quốc cùng nhau cam kết hướng tới COC có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 sẽ là công cụ để các bên có thể tiến hành đối thoại và hợp tác, phù hợp với tinh thần xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa rủi ro.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật