Những ‘nghĩa trang’ xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc giờ ra sao?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bong bóng chia sẻ xe đạp vỡ tung để lại cho Trung Quốc những “nghĩa địa“ xe đạp với hàng triệu chiếc, khiến các nhà chức trách phải đau đầu dọn dẹp.
Những ‘nghĩa trang’ xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc giờ ra sao?
Những “nghĩa trang“ xe đạp sót lại sau cơn sốt chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

5 năm trước, cơn sốt chia sẻ xe đạp Trung Quốc thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư, các startup đua nhau mua hàng triệu xe đạp mới để giành thị phần. Tuy nhiên, khi thị trường tăng trưởng quá nóng này sụp đổ, hầu hết công ty rơi vào cảnh phá sản, để lại những "nghĩa trang" xe đạp khổng lồ khiến giới chức các thành phố phải đau đầu. 

Số liệu ước tính của chính phủ Trung Quốc cho thấy năm 2017 có khoảng 20 triệu xe đạp được đưa vào sử dụng trên thị trường chia sẻ. Trong đó, chỉ riêng Xiaoming, một trong 60 startup chia sẻ xe đạp đã phá sản, để lại tới 430.000 xe đạp tại hơn 10 thành phố. Theo Tân Hoa Xã, một trong những “nghĩa địa” xe đạp lớn nhất Trung Quốc nằm ở trung tâm thành phố Thượng Hải với khoảng 30.000 chiếc. Hiện tại, chỉ còn 3 startup chia sẻ xe đạp còn sót lại và hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn. 

“Thị trường màu mỡ khiến ai cũng muốn nhảy vào tìm kiếm miếng bánh cho mình", Yang Tengfei, phó giám đốc công ty tái chế China Recycling Resources Co, cho biết. "Khi đó, vốn đầu tư ồ ạt đổ vào ngành này nhưng trình độ quản lý lại không theo kịp, khiến hàng loạt vấn đề nảy sinh". 

Yang cho biết kể từ năm 2017, China Recycling của Yang đã tái chế khoảng 4 triệu xe đạp chia sẻ. Mỗi tháng, công ty này chi khoảng 10 triệu nhân dân tệ để mua xe đạp đã qua sử dụng để tái chế sắt, thép và nhựa. 

Việc tái chế xe đạp gặp nhiều khó khăn bởi không nhiều người muốn trả tiền cho chúng. Khi bong bóng chia sẻ xe đạp vỡ tung, các công ty phá sản biến mất và thậm chí không trả tiền đã thanh toán trước cho khách hàng. Các khoản đầu tư cũng mất hút. Do đó, chính quyền các thành phố phải lấy tiền ngân sách để dọn dẹp núi xe đạp ngổn ngang.

Chính quyền thành phố Hàng Châu cho biết chi phí để dọn một chiếc xe đạp như vậy trên đường phố là 9,6 nhân tệ (1,4 USD). Một vấn đề nữa là các công ty còn hoạt động không được tái sử dụng xe cũ mà cứ vài năm phải thay thế xe mới một lần để đảm bảo an toàn. Điều đó khiến số lượng xe chờ tái chế liên tục tăng mạnh.

Cho đến năm 2020, dịch bệnh Covid-19 gây cản trở kết nối xã hội dường như đang mở ra hy vọng cho ngành này tại Trung Quốc khi người dân có xu hướng dùng xe đạp nhiều hơn vì e ngại sử dụng phương tiện công cộng. 

Đèn và ghế được làm từ khung xe đạp cũ. Ảnh: Bloomberg.

Bên cạnh đó, các công ty còn sót lại cũng tỏ ra có trách nhiệm hơn với "vòng đời" xe đạp của mình. Các công ty này có nhiều cách sáng tạo để tái sử dụng xe đạp cũ.

Ví dụ, Mobike và YUUE tận dụng khung và các bộ phận của xe để làm ghế và đèn. Còn Mobike tận dụng cao su từ 7.800 lốp xe cũ để làm đường chạy bộ tại một thị trấn ở tỉnh Thiểm Tây. Trong khi đó, Hellobike dùng xe đạp cũ để làm nhà cho mèo. 

Gần đây, một nhà từ thiện người Myanmar cũng mua lại xe đạp cũ của Ofo và Obike (Singapore) để tặng cho học sinh sử dụng tới trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật