Bánh Chưng Hiệp Hòa, Bắc Giang

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được nhiều người biết đến với món bánh truyền thống của Việt Nam là bánh chưng. Bánh Chưng huyện Hiệp Hòa độc đáo bởi dùng lá chít thay vì lá dong để gói bánh, bánh có hình dạng dài như bánh Tét ở miền Nam.
Bánh Chưng Hiệp Hòa, Bắc Giang
Ảnh minh họa

Hiệp Hòa cũng như một số địa phương  vùng trung du và miền núi phía Bắc, không thịnh hành gói bánh chưng hình vuông mà chủ yếu bánh chưng hình vuông chỉ dùng trong cúng lễ, phong tục địa phương chủ yếu gói và ăn dạng tròn dài, gọi là “bánh chưng dài”, hay “bánh tày”  được sử dụng chủ yếu ở trung du và tại nhiều vùng dân tộc thiểu số miền Bắc.

Hai xã nổi tiếng gói bánh chưng của huyện Hiệp Hòa là xã Hoàng Vân, Hoàng An. Bánh làm bằng gạo nếp cái hoa vàng, nhân bánh được làm bằng mỡ khổ thái nhỏ trộn ít hạt tiêu, đỗ xanh. Mỗi chiếc bánh chưng sử dụng khoảng 700g gạo nếp, 200g đỗ và một dải thịt ba chỉ nhiều mỡ.

Bánh chưng Hiệp Hòa có màu trắng vì gói bằng lá chít, bánh mềm dẻo, thơm mùi gạo nếp và đỗ xanh, hạt gạo còn nguyên hình… Khi ăn bánh thơm ngon, bùi ngậy.

Nguyên liệu làm bánh chưng tại nơi đây là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, lá chít, các gia vị… Thế nhưng gạo gói bánh là loại nếp cái hoa vàng được gieo cấy trên đồng đất xã Thái Sơn cùng huyện. Đây là loại gạo thơm dẻo có vị đặc trưng riêng. Gạo gói bánh cũng được chọn cầu kỳ, toàn bộ là nếp cái hoa vàng. Hạt gạo trắng, mẩy được ngâm nước 5 tiếng đồng hồ. Nếp thơm sau khi vo sạch trộn với ít muối, giúp bánh không ôi thiu, vị thêm đậm đà.

Lá bánh là loại lá chít do nhân dân tự trồng. Sau khi cắt bỏ phần ngọn và cuống, lá được rửa sạch bằng nước rồi đem luộc đến khi nước chớm sôi thì vớt ra để lá mềm và giữ nguyên mùi vị. Thịt lợn nhân bánh được tuyển chọn từ những trang trại nuôi lợn sạch trên địa bàn. Hạt đậu xanh đều, không sâu mọt.

Cách gói cũng rất quan trọng, phải vừa tay vì chặt quá làm bánh nhanh lại gạo, còn lỏng bánh sẽ nhão. Các hộ đều dùng củi luộc. Bánh được đưa lên bếp luộc 2 lần trong thời gian khoảng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ rồi vớt ra, rửa sạch, sau đó dùng tay lăn đến khi rền và dẻo mới quấn lại.

Ngoài việc mỗi gia đình ở Hiệp Hòa thường gói bánh chưng  trong dịp tết còn có nhiều hộ dân  tập trung nhiều ở hai xã Hoàng An và Hoàng Vân. Xã Hoàng Vân có hơn 50 gia đình, xã Hoàng An có hơn 40 gia đình nhận gói bánh chưng mỗi dịp cỗ, lễ, tết với số lượng lớn và hiện nay nhận làm bánh quanh năm để phục vụ nhu cầu của khách hàng thập phương.

Nhà thơ Trần Thịnh đã chắp bút viết bài thơ “Tấm bánh thần kỳ” như sau:

Lang Liêu gói ghém gọn gàng

Lá dong xanh buộc lạt giang nhuộm hồng

Vua Hùng nâng bánh bằng lòng

Vuông tròn trời đất càng trông càng mừng

Bóc ra thêm những lạ lùng

Nếp thơm đỗ mịn nhưng chung thịt hành

Thần dân cũng nếm ngon lành

Xưa nay ai dễ đạt thành thế đâu

Vua truyền giữ lại mai sau

Cháu con đi tiếp nhịp cầu ông cha

Lộc xuân chia khắp mọi nhà

Muôn đời không hết đậm đà thơm ngon

Cánh đồng lúa mới xanh rờn

Bánh chưng, bánh tét  vẫn còn đến nay

Lang Liêu một thoáng về đây

Bàn tay nhân ái, bàn tay thần kỳ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật