Ngọn núi lửa hiếm thấy phun ra vàng thật

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực không chỉ phun trào vật chất như những ngọn núi lửa khác, mà phun cả bụi vàng vào khí quyển mỗi ngày, theo IFL Science.
Ngọn núi lửa hiếm thấy phun ra vàng thật
Núi Erebus đã hoạt động hơn 50 năm. Ảnh: Adobe Stock.

Erebus là ngọn núi lửa đang hoạt động ở châu Nam Cực, nằm bên bờ biển phía Đông của đảo Ross và có độ cao 3.794 m so với mực nước biển.

Các nhà khoa học phát hiện khí do núi lửa phun ra mỗi ngày chứa khoảng 80 g vàng kết tinh - đều là những tinh thể nhỏ hơn 20 micromet - và có trị giá khoảng 6.000 USD, theo trang khoa học IFL Science.

Sự hiện diện của loại bụi đắt tiền này được ghi nhận cách xa ngọn núi lửa gần 1.000 km.

Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA cho biết bụi vàng chỉ là một trong nhiều thứ phun ra từ Erebus bởi nó thường xuyên thải khí và hơi nước, thỉnh thoảng còn phun cả đá.

Núi lửa Erebus được biết đến với việc bắn ra các hạt vàng ẩm ướt. Ảnh: Planet Observer/UIG/Shutterstock.

Qua đây, nhà nghiên cứu núi lửa người Anh Tamsin Mather giải thích với trang Metro rằng magma (đá nóng chảy) của núi Erebus có “phản ứng hóa học khác thường”.

“Erebus là một trong số ít những núi lửa có hồ dung nham hoạt động liên tục bên trong miệng núi và phun khí 24/24. Các loại khí mà nó phun ra có những hạt kim loại nhỏ, bao gồm vàng, chứ không chỉ là vàng. Mỗi ngọn núi lửa có đặc tính/phản ứng hóa học khác nhau. Một số ít núi lửa ngoài Erebus cũng phun ra (bụi) vàng”, bà chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Conor Bacon thuộc Đài thiên văn Trái đất Lamont-Doherty (Đại học Columbia, New York) nói với Live Science: “Những điều này thực sự khá hiếm, vì nó đòi hỏi một số điều kiện rất cụ thể để đảm bảo bề mặt núi lửa không bao giờ bị đóng băng".

Trong bối cảnh Nam Cực bị cô lập về mặt địa lý và thiếu công cụ giám sát, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu hình dạng núi lửa nơi đây và sự kiện có thể kích hoạt những ngọn núi lửa đang "ngủ yên".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật