Hai con bị truyền máu có HIV, mẹ phát hiện nhờ tờ giấy trên tủ lạnh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các con trai của Elisabeth Buggins mắc bệnh máu khó đông nghiêm trọng. Họ đều nhiễm HIV sau khi được điều trị bằng các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh vào cuối những năm 1970.
Hai con bị truyền máu có HIV, mẹ phát hiện nhờ tờ giấy trên tủ lạnh
Chỉ vài ngày sau khi con nhập viện, bà mẹ người Anh sốc vì cả hai con trai đều đã nhiễm HIV chỉ vì sai sót của bệnh viện. Ảnh: Freepik.

Các con trai của Elisabeth Buggins là Richard và Jonathan. Bà mẹ này chỉ tình cờ biết được con đã nhiễm HIV sau khi đọc được tờ danh sách dán trên tủ lạnh của bệnh viện. Sự thật đó khiến Elisabeth bàng hoàng. Sự việc này trở thành vụ án kinh điển vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.

Câu chuyện của bà mẹ này gây chú ý khi bà cung cấp bằng chứng cho cuộc Điều tra máu bị nhiễm trùng vào ngày 6/10. Cuộc điều tra do ông Brian Langstaff, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao, dẫn đầu và đang xem xét những gì được miêu tả là thảm họa điều trị tồi tệ nhất trong lịch sử ngành y tế.

Tờ danh sách ghim bên ngoài tủ lạnh

Theo Telegraph, bà Buggins bày tỏ sự thất vọng khi biết con mình mắc căn bệnh mang tên HIV. Điều khiến bà sốc hơn nữa là tình cờ biết được tin này khi nhìn thấy tên của hai con trai trong tờ danh sách được ghim vào tủ lạnh trong một phòng điều trị của bệnh viện Nhi đồng Birmingham, Vương quốc Anh.

Vào những năm 1970 và 1980, hàng nghìn bệnh nhân đã bị nhiễm HIV và viêm gan C do các sản phẩm máu bị ô nhiễm, và hơn 2.000 người đã t‌ử von‌g.

Ông Brian Langstaff, Chủ tịch cuộc điều tra về máu bị nhiễm trùng tại Anh. Ảnh: Telegraph.

Theo lời bà Buggins, bệnh viện Nhi đồng Birmingham đã tổ chức cuộc họp với các cha mẹ nạn nhân. Đây là nơi họ được thông báo con của họ có nguy cơ lây nhiễm HIV qua các sản phẩm máu được sử dụng để điều trị.

Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện lại không khuyến khích phụ huynh hỏi bác sĩ xem con họ có bị nhiễm bệnh hay không. Phía bệnh viện cho rằng điều này có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa bệnh nhân - người nhà - bác sĩ khi không có cách chữa trị.

Mô tả về khoảnh khắc phát hiện ra chẩn đoán của con trai mình sau đó vài ngày, bà Buggins nói: "Có một danh sách được ghim bên ngoài cửa tủ lạnh và tên của các con trai tôi trên đó. Tôi đã dành nhiều thời gian chăm con ở viện nên tôi biết rõ ai là người phải truyền yếu tố VIII nhiều, ai không".

Yếu tố VIII là một sản phẩm máu được sử dụng để điều trị bệnh máu khó đông.

Gục ngã vì hai con đều qua đời vô lý

Bà Buggins cho biết bản thân nghi ngờ Richard có thể đã nhiễm virus HIV sau khi nhận một lượng đáng kể các sản phẩm máu trong bệnh viện trước khi chết vì HIV ở tuổi 8 vào năm 1986. Tuy nhiên, điều khiến bà mẹ này đau khổ hơn nữa là khi biết Jonathan cũng nhiễm virus.

Giọng bà mẹ vỡ ra khi nói với điều tra viên: "Sau đó, tôi nhìn thấy tên của Jonathan. Điều đó hoàn toàn bất ngờ".

Bà Buggins cũng nhớ lại một sự việc đau buồn trước khi Richard qua đời. Đó là, con trai thứ 3 của bà, Edward, người bị nhiễm bệnh viêm gan C, cũng phát hiện anh trai mình dương tính với HIV.

"Chúng tôi đến bệnh viện St Thomas để điều trị sau khi bị bệnh viện Nhi đuổi về. Đây không phải là phòng khám đầu tiên của chúng tôi. Vài tháng trước tình huống tương tự cũng xảy ra. Một bác sĩ mới xuất hiện và ông ta bước vào phòng với cả hai tập giấy ghi chú. Ông ta nói với tôi ’để tôi nói thẳng chuyện này - Jonathan bị HIV và Edward bị viêm gan C’, ngay trước mặt Edward", bà mẹ nói.

Bà Buggins đã phải nói với bác sĩ là Edward không hề biết về kết quả chẩn đoán HIV của anh trai. Ông ta chỉ có thể để lại câu "rất xin lỗi".

Bà Elisabeth Buggins kể về cảm giác sau khi con trai nhiễm HIV và qua đời ở tuổi lên 8. Ảnh: Infected Blood Inquiry.

Một phụ huynh khác, Brenda Haddock, nói với các nhà điều tra rằng mình cũng tình cờ phát hiện ra rằng con trai mình, Andrew, nhiễm HIV vì truyền các sản phẩm máu.

Andrew, người bị nhiễm HIV khi đang điều trị bệnh máu khó đông, đã chết ở tuổi 24 tại bệnh viện Nhi Birmingham vào năm 1996.

Bà Haddock cho biết con trai đã được thông báo về chẩn đoán nhiễm HIV trong cuộc họp riêng với bác sĩ. Nhưng bà chỉ phát hiện con nhiễm bệnh khi đang xem tờ ghi chú của bệnh nhân. "Tôi nghĩ điều đó thật kinh tởm. Andrew trở nên rất chán nản, con tôi mất hứng thú với mọi thứ", bà Haddock tâm sự.

Người mẹ này nói thêm: "Khi con tôi bắt đầu học cấp hai, chúng tôi biết con là một một cậu bé rất thông minh với một tương lai học tập sáng lạn. Sau đó, đột nhiên, con tôi không còn thiết tha chăm chỉ ở trường vì nghĩ mình sắp chết. Bạn không bao giờ tưởng tượng được những gì chúng tôi đã trải qua. Tôi đã sắp xếp ngăn nắp và tiếp tục với mọi thứ xảy ra. Bởi tôi luôn sợ nếu nghĩ về nó quá nhiều, mọi thứ sẽ sụp đổ và không bao giờ ngừng lại".

Vụ bê bối này vẫn đang được tiếp tục điều tra.

Theo The Haemophilia Society, trong những năm 1970 và 1980, 4.689 người mắc bệnh máu khó đông và các rối loạn chảy máu khác bị nhiễm HIV và viêm gan. Nguyên nhân là bệnh viện sử dụng các yếu tố đông máu bị ô nhiễm. Một số người trong số họ vô tình lây nhiễm cho bạ‌n tìn‌h, thường là do họ không biết chính mình đã mắc bệnh. Kể từ đó, hơn 3.000 người đã chết và trong số 1.243 người nhiễm HIV, dưới 250 người vẫn còn sống.

Nhiều người không bị rối loạn chảy máu đã bị nhiễm viêm gan C do truyền máu trong giai đoạn này. Đa số bệnh nhân không biết bị nhiễm virus trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Không có số thống kê bao nhiêu người bị ảnh hưởng.

Do sự thiếu hiểu biết về virus HIV và cách thức lây truyền của nó, nhiều người cho rằng bất kỳ ai mắc bệnh máu khó đông đều bị nhiễm AIDS. Điều này khiến bệnh nhân mắc máu khó đông buộc phải giấu giếm vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Những người bị nhiễm HIV thường được chuyên gia tư vấn khuyên không nên tiết lộ cho bất kỳ ai về kết quả chẩn đoán. Đó là khoảng thời gian sợ hãi và bị cô lập với nhiều người mắc bệnh máu khó đông. Một số gia đình đã bị lạ‌m dụn‌g kinh hoàng, dẫn đến việc họ bị buộc thôi việc hoặc phải bỏ chỗ ở. Do đó, nhiều người bị lây nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối vẫn tiếp tục giữ bí mật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật