Thầy Nguyễn Ngọc Ký học đan bằng chân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi chú ý vót rất cẩn thận. Chân trái giữ tre, chân phải cầm dao, khe khẽ đưa nhẹ lưỡi dao vót từng tí một“, trích tự truyện của Nguyễn Ngọc Ký.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký học đan bằng chân
Ảnh minh họa

Trong tất cả môn học từ lớp một đến lớp bốn, có lẽ thủ công là môn tôi thấy đáng gờm nhất. Ấy thế nhưng tôi rất mê nó đấy.

Hôm ấy có giờ thủ công. Vâng lời thầy Mộc dặn hôm trước, tôi cũng mang đầy đủ dao, tre đến lớp để đan vỉ ruồi. Mấy thanh tre này bố tôi chẻ sẵn từ trước định đưa cho ông ngoại tôi khoáy mấy chiếc hom giỏ. Thấy tôi hỏi xin, bố đã buộc chặt lại đeo vào túi dết cho tôi mang đến lớp.

Sau khi hướng dẫn chung trước lớp, thầy Mộc xuống từng bàn, chỉ bảo tỉ mỉ cho chúng tôi từ cách vót nan đến cách đan thế nào cho đẹp.

Thầy dừng lại ở chỗ tôi khá lâu.

- Liệu Ký có đan được không em? - Thầy từ từ ngồi xuống bên tôi, khẽ hỏi.

- Dạ, được thầy ạ!

Tôi trả lời có vẻ quả quyết nhưng thực ra trong bụng vẫn chưa tin là mình làm được. Ngồi đã gần nửa giờ mà tôi vẫn chưa vót được nan nào. Ấy là chưa nói gì đến đan đấy. Các bạn cầm dao trông cứ dễ như trò chơi. Vót đến đâu là tre cứ đi tuồn tuột đến đấy. Còn tôi thì hì hục mãi vẫn chưa cầm thế nào cho chắc được con dao nhíp. Vừa cặp lấy thanh tre, mới kịp đụng dao vào là dao đã rời khỏi chân và thanh tre cũng tuột mất.

Mãi sau tôi mới chịu đưa cho Bằng chẻ nan hộ. Còn cái khoản vót thì tôi định cố gắng làm lấy. Nhưng cũng không ổn. Ngón chân ngắn quá, tôi biết tì vào đâu để vót được. Lát sau tôi liền nghĩ cách đặt nan tre xuống chiếu (vì hồi đó sáng nào đi học tôi cũng đeo theo một chiếc chiếu nhỏ trải xuống nền lớp để viết).

Nhưng rồi loay hoay mãi tôi vẫn chưa vót được nan nào. Lưỡi dao trượt trên thanh tre như trêu tức tôi. Hay mình cầm dao không đúng cách? Nghĩ thế tôi liền cặp con dao cho đứng lưỡi lại. Nhưng rủi thay, lần này lưỡi dao lại bặm xuống sâu quá làm đứt đôi cả nan tre. Thấy thế thầy Mộc liền cầm mấy thanh tre vót hộ nan cho tôi.

Có nan rồi tôi bắt đầu tập đan. Chà, đây mới là lúc khó nhất. Chiếc vỉ ruồi đã nhỏ, ngón chân lại to thành ra tôi không thể luồn qua các kẽ nan dọc để đan được. Tôi phải đặt nó xuống chiếu đan như đan rổ. Mỗi khi đến chỗ gập nan là tôi lại thấy lúng túng. Tôi không thể dùng chân để xoắn nan lại mà gập dễ dàng được. Cứ mỗi lần như vậy là chiếc nan bị gãy. Vừa đan được chừng hai nan thì hai chiếc nan dọc ở giữa cũng gãy nốt.

Tôi bần thần cả người, ngồi thừ ra tiếc rẻ. Thầy Mộc lắc đầu khuyên:

- Chẳng đan được đâu em ạ. Thôi thầy miễn cho đấy. Giờ thủ công sau em không phải đem vỉ ruồi đi nộp nữa.

Không chịu thất bại, về nhà tôi mày mò tìm cách đan bằng được chiếc vỉ ruồi.

Tôi nhờ Bằng ra bờ tre sau nhà chặt về một cây tre thưa đốt. Bằng lanh lẹ chẻ nan rồi hì hụi đi mài con dao nhỏ cho tôi. Tôi bắt đầu vót nan và đan. Lần này đã có kinh nghiệm, tôi không tì nan xuống chiếu nữa.

Tôi chồng ba quyển sách cho cao vừa tầm chân, sau đó tôi đặt mảnh bìa cứng lên và để chiếc nan tre lên đó mà vót.

Tôi chú ý vót rất cẩn thận. Chân trái giữ tre, chân phải cầm dao, khe khẽ đưa nhẹ lưỡi dao vót từng tí một.

Tôi không vót to như những nan ở lớp. Nan nào cũng chỉ nhỉnh hơn chiếc tăm một ít, vì nan nhỏ như vậy khi đan đến chỗ gập sẽ không bị gãy. Hơn nữa nhờ nan nhỏ tôi đã dễ dàng luồn được nó qua các nan dọc.

Sáng hôm sau mang chiếc vỉ ruồi đến nộp cho thầy, tôi được điểm bảy. Đó là một trong ba chiếc vỉ ruồi đạt điểm cao nhất được thầy nêu trước lớp.

Sau lần đan vỉ ruồi, tôi nghĩ mình có thể đan được nhiều thứ khác. Hôm đến chơi nhà ông ngoại, tôi mê mải ngắm nhìn ông lúi húi đan một cái rổ. Ông tôi đã gần chín mươi tuổi. Cả mái tóc và chòm râu đều trắng như cước. Lưng ông đã gù, khi đan lại phải cúi xuống. Chắc ông mỏi lắm. Vừa ngồi xem ông đan tôi vừa hỏi ông những chuyện đời xưa. Ông kể ngày xưa làng tôi chỉ là một bãi biển, sau đó biến thành một cánh đồng cói.

Cách đây khoảng vài trăm năm mới có người đến ở. Họ chỉ chuyên làm nghề quay tơ, dệt chiếu. Có lẽ vì thế nên làng tôi có tên là làng Cồn Quay. Sau đấy người ta bắt đầu phá cói trồng lúa. Nhưng vì đất rất nhiều cỏ gấu, phần lớn lại do địa chủ phú nông chiếm giữ nên dân làng phải phiêu bạt đi các nơi sinh sống. Chính ông tôi phải ra tận Xuân Hà làm nghề cất vó kiếm ăn. Sau Cách mạng tháng Tám và nhất là sau khi hòa bình lập lại, dân làng lũ lượt kéo nhau về. Từ đó làng tôi mới trở thành trù phú đông đúc như ngày nay...

Tôi cũng tỉ tê khoe với ông những chuyện học tập của mình. Lát sau tôi mạnh dạn nói:

- Ông ơi, cho cháu đan thử một tí nhé!

Ông tôi cười khà khà, xoa đầu tôi:

- Cháu cũng đan được à?

- Cháu đan được. Ông cứ để cháu thử một tí thôi.

Ông chiều tôi, liền ngồi tránh sang bên và cầm một chiếc nan đưa cho tôi.

- Ừ, thử đan xem nào!

Thật bối rối quá. Tôi để ý ngồi theo dõi ông đan từ nãy và tưởng đã nắm chắc cách đan rồi. Không ngờ đến bây giờ tôi lại quên khuấy mất. Tôi lúng túng không biết cất nan nào đè nan nào. Chỉ sợ ông đòi lại thì nguy mất. Tôi đánh liều cứ bật hết nan này đến nan khác, đan phứa vào, làm ra vẻ ta đây thạo lắm. Chẳng ngờ vừa đan xong một nan, ông đã lắc đầu:

- Cái thằng, đan thế này à!

Ông thong thả chỉ rõ cho tôi cách đan. Đúng rồi, phải cất hai đè hai. Tôi vừa đan vừa lẩm bẩm theo lời ông dặn. Quả thật lúc sau tôi đã đan xong một nan.

- Đúng rồi, cháu cứ đan như thế là được đấy.

Được ông khen, tôi sướng quá ngồi mê mải đan tiếp nan thứ hai rồi thứ ba...

- Như vậy là cháu biết đan rồi. Thôi chạy đi chơi đi, để ông đan cho. - Ông chậm rãi khuyên.

- Cháu không đi chơi đâu mà. Ông cứ để cháu đan cho. Ông lên giường nằm cho đỡ đau lưng ông ạ! – Tôi lên giọng người lớn khẩn khoản nói với ông.

Được ông đồng ý, tôi khoái chí miệt mài ngồi đan một mạch. Vừa đến bữa cơm trưa thì chiếc mê rổ cũng chỉ còn vẻn vẹn mấy nan nữa là xong. Vâng lời ông, tôi đứng dậy chạy về ăn cơm, lòng khấp khởi lạ thường.

Từ đấy rổ rá trong nhà thường không phải mua. Tre sẵn ngoài bờ. Bố tôi chặt về tranh thủ những lúc rỗi việc đồng chẻ nan cho tôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật