Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thúc đẩy đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn ĐTC, qua đó góp phần kích cầu, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm.
Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thi công cầu Vĩnh Tuy 2, một trong những công trình hạ tầng quan trọng của Hà Nội. Ảnh: BẢO LINH 

Các công trình hoàn thành sẽ là điều kiện quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả giải ngân vốn ĐTC của Hà Nội còn thấp, đến ngày 9-9, mới đạt tỷ lệ giải ngân là 30% so với kế hoạch. Hà Nội đang tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành các công trình, bảo đảm về thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC.

Gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng

Đến hết ngày 9-9-2022, tỷ lệ giải ngân của TP Hà Nội là 15.334,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, trong đó, cấp thành phố đạt 23,5%, cấp huyện đạt 34,9%. Việc giải ngân chậm nguồn vốn ĐTC ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của thành phố trong bối cảnh cả nước đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác do các phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng đôn đốc giải ngân, kiểm tra thực tế, xác định điểm nghẽn và nguyên nhân của việc chậm giải ngân ĐTC, đặt trọng tâm, trọng điểm để giải quyết; đề xuất hình thức khen thưởng đối với công tác giải ngân...

Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân trong đó có vấn đề chất lượng của công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên giao vốn gặp vướng mắc hoặc không giải ngân được theo kế hoạch; nguồn vốn ODA giải ngân thấp do một số thủ tục gia hạn vốn vay, điều chỉnh hợp đồng và vận dụng Pháp Luật áp dụng đối với dự án ODA còn chậm; vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, công tác tổ chức thực hiện đầu tư các dự án, công trình còn nhiều hạn chế. “Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư... Cùng với đó, có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ.

Phấn đấu năm 2022 tỷ lệ giải ngân đạt hơn 90%

Giải ngân ĐTC có tính đặc thù là giải ngân các tháng đầu năm thường thấp và tăng mạnh vào các tháng cuối năm vì cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng và tạm ứng.

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu TP Hà Nội kiên quyết tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có khả năng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (không vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục); rà soát những dự án đã ghi vốn trong năm 2022 nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu để điều chuyển, phân bổ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến ngày 31-12 hoặc cho những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Những dự án đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giao các tổ công tác xuống làm việc với địa phương, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương giải phóng mặt bằng sớm để triển khai thực hiện dự án. “Từ nay đến cuối năm phải hoàn thành một số công trình, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân và tạo động lực mới cho địa phương phát triển, phấn đấu đến ngày 31-12-2022, giải ngân đạt hơn 90%”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành, từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư phải nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn theo kế hoạch; nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn ĐTC. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn, giải quyết nhanh, kịp thời các đề xuất kiến nghị của từng chủ đầu tư, tại từng dự án. Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, tính tới ngày 10-9, trong số 39 đơn vị được giao kế hoạch vốn năm 2022, có 8 đơn vị cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn; 21 đơn vị cam kết giải ngân 90-95%; có 7 đơn vị cam kết giải ngân 95,1-99,6%. Chỉ có 3 đơn vị cam kết giải ngân dưới 90%. Như vậy, theo văn bản cam kết của các đơn vị, toàn thành phố dự kiến sẽ giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2022 đạt 93,2% kế hoạch vốn. Việc giao chỉ tiêu giải ngân vốn ĐTC tới từng chủ đầu tư được kỳ vọng là giải pháp đột phá giải quyết các “điểm nghẽn”, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC của thành phố trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật