Quên cảm biến vân tay dưới màn hình đi, bây giờ là kỷ nguyên vàng của cảm biến trên phím nguồn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, từ một công nghệ tiên tiến siêu thú vị, cảm biến vân tay dưới màn hình đã trở thành một tính năng không thể thiếu vắng trên hầu hết các smartphone hiện đại. Ngược lại, cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm lại không nhận được sự ưu ái như vậy, dù ít ai nhận ra rằng chúng ta đang sống trong thời đại vàng son của công nghệ tưởng như đã lỗi thời đó.
Quên cảm biến vân tay dưới màn hình đi, bây giờ là kỷ nguyên vàng của cảm biến trên phím nguồn
Ảnh minh họa

Nếu từng dùng qua những thiết bị như Asus Zenfone 9 hay Sony Xperia 1 IV, bạn có lẽ đã phần nào bị thuyết phục rằng cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm bên hông thực sự là một giải pháp ưu việt, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại. Tại sao ư?

Trước hết, chúng có tốc độ phản hồi tốt hơn. Nhanh hơn rất nhiều. Không chỉ về khả năng mở khóa, mà còn khả năng nhận dạng nữa. Cảm biến của Zenfone 9 nhanh đến nỗi bạn có cố ý rút tay thật nhanh để khiến nó quét hụt cũng không kịp! Cảm biến vân tay bên hông của Poco F4 cũng nhanh không kém. Trong khi đó, cảm biến vân tay của Xperia 1 IV dù không nhạy bằng, nhưng vẫn ăn đứt những cảm biến vân tay dưới màn hình trong vài năm trở lại đây về tốc độ và độ chính xác.

So với cảm biến vân tay dưới màn hình của Google Pixel 6, trải nghiệm cảm biến vân tay bên hông ở những thiết bị trên có thể nói là “một trời một vực”. Các cảm biến vân tay dưới màn hình từ lâu đã có một điểm yếu chí mạng: kém hiệu quả với ngón tay ướt (và cả khô nữa), cũng như khi có miếng dán bảo vệ màn hình. Cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm bên hông không gặp vấn đề này.

Chúng còn có những ưu thế khác. Cảm biến ẩn trong nút nguồn mang lại cảm giác kín đáo, nhưng bạn luôn biết nó nằm ở đó. Cảm biến dưới màn hình thì chắc chắn không để lại dấu vết gì, nhưng đoán được chính xác vị trí của nó khi màn hình tắt đi có thể là cả vấn đề. Vùng quét vân tay của cảm biến loại này cũng thường khá nhỏ, bạn phải đặt ngón tay sao cho chính xác để tránh phải quét lại; trong khi đó, nút nguồn là thứ nhìn vào ai cũng thấy. Cuối cùng, các loại cảm biến quang học giá rẻ thường phát ra ánh sáng lập lòe khi đọc vân tay trong bóng tối, và chẳng ai muốn bị lóa mắt chỉ vì cần đọc tin nhắn cả!

Cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm còn thông minh hơn nữa. Lấy ví dụ, Asus Zenfone 9 cho phép người dùng gán cử chỉ để khởi chạy nhanh các ứng dụng, hiển thị vùng thông báo, kích hoạt Google as‌sistant, và nhiều thứ khác. Chạm đôi vào nút bấm, nhấn và giữ, hoặc vuốt lên/xuống sẽ mở bảng truy cập nhanh đến các tính năng bạn dùng nhiều nhất mà không phải mở khóa màn hình hoặc thoát ra màn hình chính. Chỉ một tính năng đơn giản và gọn nhẹ cũng đã mang lại cho chúng ta giá trị sử dụng to lớn, tiếc là không được các nhà sản xuất điện thoại flagship chú ý bởi họ đang quá bận rộn theo đuổi những công nghệ mới nhất.

Tất nhiên, cử chỉ vân tay chẳng có gì mới mẻ. Những cử chỉ này từng phổ biến khi điện thoại còn viền để chứa cảm biến, và khi các nhà sản xuất nghĩ rằng mặt lưng là nơi tốt nhất để đặt cảm biến này. Ví dụ, chiếc Pixel đời đầu cho phép bạn mở vùng hiển thị thông báo với một cú vuốt ở mặt lưng máy. Nhưng nhúng cảm biến vân tay vào trong nút nguồn có sẵn là một giải pháp thực sự thông minh, và về lý thuyết có thể áp dụng trên mọi điện thoại bất kể thiết kế của chúng ra sao. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc khảo sát trên AndroidAuthority về vị trí đặt cảm biến vân tay trên điện thoại, cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm bên hông chiếm ưu thế áp đảo với 48% người bầu chọn!

 

Nói vậy không có nghĩa mọi cảm biến vân tay dưới màn hình đang có trên thị trường đều lởm. Ví dụ rõ ràng nhất là cảm biến siêu âm 3D đỉnh cao của Vivo X80 Pro (ảnh dưới). Với vùng quét khá lớn, khả năng ghi nhận ngón tay chỉ với một chạm, và cho phép thiết lập lối tắt để khởi chạy ứng dụng, giải pháp của Vivo rất trực quan, thông minh, và là một bước tiến đáng kể so với những đối thủ khác, kể cả trong phân khúc flagship cao cấp.

Dù là minh chứng cho thấy tương lai tươi sáng của công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình, X80 Pro vẫn là một ngoại lệ hiếm hoi chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hi vọng chúng ta sẽ được thấy thêm nhiều điện thoại với cảm biến vân tay như vậy trong tương lai gần; nhưng hãy nhớ rằng chi phí, phần không gian bị chiếm dụng bên trong thân máy, và công nghệ màn hình hỗ trợ sẽ tiếp tục là rào cản ngăn cảm biến vân tay dưới màn hình “đổ bộ” lên các điện thoại giá rẻ.

 

Cuối cùng, không phải mọi cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm đều ổn, nhưng công thức đã được vạch ra. Bất kể bạn bỏ ra một số tiền lớn cho Xperia 1 IV, hay tiết kiệm với Poco F4, trải nghiệm nhanh, ổn định, và an toàn là điều hoàn toàn trong tầm tay. Và tính năng cử chỉ vân tay của Zenfone 9 cũng đặc biệt hữu dụng, mọi smartphone nên được trang bị. Nếu buộc phải lựa chọn cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm và chờ đợi thêm vài năm nữa để công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình hoàn thiện hơn, thì tại sao phải lưỡng lự? Cảm biến vân tay tích hợp trong nút bấm đơn giản là sự kết hợp hoàn hảo của hình dáng và chức năng - điều mà người tiêu dùng luôn ưu tiên khi chọn mua một thiết bị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật