Mô hình “Biến rác thải thành tiền” ở Kiến Xương

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với ý tưởng nhen nhóm ban đầu đi thu gom phế thải, rác thải bán lấy kinh phí làm từ thiện, chỉ sau hơn 6 tháng qua, chị em phụ nữ ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) đã thu được nguồn quỹ hơn 200 triệu đồng để hỗ trợ những cảnh đời éo le, cơ cực.
Mô hình “Biến rác thải thành tiền” ở Kiến Xương
Ảnh minh họa

Để có kinh phí gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn, thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiến Xương phát động các chi hội tổ chức thực hiện mô hình “Thu gom phân loại và xử lý rác thải tái chế xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Đây là mô hình mới, khá phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, dễ thực hiện, dễ thu hút để lan tỏa thành phong trào rộng khắp.

Chị Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh Tân cho biết: Trong quá trình triển khai, ban đầu cũng có một số cán bộ hội e ngại bởi làm như vậy khác gì đi thu mua đồng nát. Lãnh đạo Hội đã tập trung phân tích, đồng thời phân công các chị trong ban thường vụ xuống trực tiếp đi vận động, tuyên truyền các hộ gia đình.

Theo chị Thu, mô hình có tác dụng kép. Thứ nhất, chung tay làm sạch môi trường và bên cạnh đó có kinh phí để làm từ thiện. Trong thời gian đầu, Hội chỉ lựa chọn những gia đình có lòng hảo tâm để tạo khí thế. Các đợt tiếp theo, mở rộng tới các hội viên trong thôn.

Hội không giao chỉ tiêu cụ thể, mà luôn động viên các chi hội cố gắng thực hiện. Dù được một vài trăm nghìn mỗi đợt trong một tháng cũng quý, bởi với số tiền đó đã có thể giúp đỡ được một hội viên đơn thân, bệnh tật số gạo gần 15kg/tháng để duy trì cuộc sống.

Sau nhiều đợt tổ chức triển khai theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mô hình không chỉ thành công ở 6 chi hội trong xã, mà lan tỏa đến trường học, Quỹ tín dụng nhân dân và ngay trong cán bộ, công chức xã Thanh Tân.

Những phụ nữ tật nguyền, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Kiến Xương đã được hỗ trợ kinh phí từ mô hình “Biến rác thải thành tiền”.

Đến tháng 6 vừa qua, Hội phụ nữ xã Thanh Tân đã vận động được hơn 1.400 hộ dân đóng góp gần 5 tấn phế thải, thu được tổng số tiền 23 triệu đồng. Với số kinh phí này, đã tặng 26 suất quà ( 200.000 đồng/suất) cho hội viên phụ nữ nghèo; đồng thời trao 3 "cặp lá yêu thương" cho 6 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 3,6 triệu đồng.

Chị Lương Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kiến Xương cho hay: Mô hình “Biến rác thải thành tiền” không chỉ lan tỏa tại Thanh Tân, mà được nhân rộng ra toàn địa bàn. Số tiền thu được tính từ đầu năm đến nay đã đạt con số ấn tượng 265 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn để kịp thời hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Để biến rác thành tiền, chị em phụ nữ ở các xã như Bình Định, Vũ Hòa, Vũ Ninh... thực hiện thu gom rác thải, phế thải vào ngày 14 hằng tháng, gắn với vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, chị em viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức quyên góp ngay tại các buổi tập dân vũ ở hội trường thôn. Thậm chí, chị em cất công đến tận những gia đình có việc hiếu, hỉ đặt vấn đề xin thu gom lon bia, chai nước, bìa cát tông... để bán gây quỹ làm từ thiện nhân đạo.

Chúng tôi trực tiếp đến các điểm thu gom phế thải tại Chi hội phụ nữ Tiền Tuyến, thị trấn Thanh Nê; chi hội thôn 2, xã Vũ Thắng hay như chi hội thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên đều cảm nhận rõ sự nhiệt huyết của đông đảo chị em. Những nụ cười, sự tự tin hiển hiện trên khuôn mặt bởi đã góp phần san sẻ yêu thương theo đúng tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thời gian đầu, người thân trong gia đình những hội viên phụ nữ tỏ ra khó chịu bởi công việc thu gom đồ đồng nát khá mất công, mất sức, nhặt nhạnh đủ thứ phế thải người dân bỏ đi. Rồi lại phải phân loại, liên hệ với các điểm thu mua để bán lấy kinh phí, mỗi đợt không được là bao. Nhưng rồi như những con ong chăm chỉ làm mật, những người phụ nữ khắp miền quê Kiến Xương từ những hành động nhỏ đã nhân lên thành nghĩa cử lớn, tích cóp được hằng trăm triệu đồng để san sẻ yêu thương, cho đi những món quà ý nghĩa sưởi ấm những phận đời thiếu thốn, khó khăn. Tình cảm ấy, công sức ấy không thể đo đếm được.

Với nung nấu xây dựng một môi trường đáng sống ở các vùng quê, Hội Phụ nữ huyện Kiến Xương đang chuẩn bị ra mắt thêm mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học. Đây là ý tưởng hay, góp phần xử lý khép kín, bảo đảm vệ sinh và giảm lượng rác thải rất lớn phát sinh ra cộng đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật