Không để dịch chồng dịch mùa hè

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Qua hệ thống giám sát của ngành y tế, những tháng gần đây có sự gia tăng lượng bệnh nhân tới khám, tư vấn và điều trị một số bệnh truyền nhiễm mùa hè, nhất là bệnh tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa. Để bảo vệ sức khỏe, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chú ý sức khỏe trẻ nhỏ, người cao tuổi trong những đợt nắng nóng gay gắt.
Không để dịch chồng dịch mùa hè
bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại bệnh viện Nhi Thái Bình.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hệ thống giám sát của ngành y tế Việt Nam hiện đang theo dõi hơn 40 bệnh truyền nhiễm gồm các bệnh truyền nhiễm nhóm A và nhóm B. Tại Thái Bình, ngành y tế từ tỉnh tới cơ sở cũng thường xuyên giám sát, theo dõi các bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch Covid-19. Covid-19 có thể gây ra tình trạng bệnh nặng, thậm chí t‌ử von‌g với người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và những người chưa tiêm đủ liều vắc-xin. Dù hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, t‌ử von‌g giảm song với tốc độ lây lan cao, dịch có thể bùng phát trở lại. Ngoài Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết..., ngành y tế cũng đang giám sát nhằm phát hiện sớm một số bệnh truyền nhiễm mới có dấu hiệu gia tăng, bùng phát tại khu vực châu Âu mà WHO đang cảnh báo như: đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.

Với khí hậu nóng ẩm cộng thêm sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Các bệnh: tiêu chảy do virus Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não... thường có số mắc cao, nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể bùng phát thành dịch lớn nếu không được kiểm soát. Tác nhân gây bệnh thường gặp phần lớn là các virus, vi khuẩn. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 5 tháng đầu năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, số ca mắc sốt xuất huyết 5 tháng đầu năm 2022 là 17 ca, tăng 12 ca; số ca mắc tay chân miệng là 147 ca, tăng 95 ca so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài các ca mắc sốt xuất huyết ngoại sinh cũng đã ghi nhận các ca nội sinh. 

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát cũng ghi nhận một số bệnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: hội chứng cúm, ho gà, thủy đậu, quai bị... Trước bối cảnh bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, không để dịch chồng dịch, Sở Y tế đã có văn bản gửi các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, đơn vị về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Cụ thể, Sở Y tế đề nghị các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; chủ động nhu cầu về thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hó‌a chấ‌t, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch...

Bác sĩ Đặng Quang Huy cho biết thêm: Dù các bệnh dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch song nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và có sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị thì dịch bệnh có thể không xảy ra hoặc chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ. Để nâng cao sức khỏe, người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tạo tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; giữ gìn vệ sinh cá nhân, duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người; vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh mình, lật úp các vật dụng không cần thiết, dọn sạch rác thải, phế thải, hạn chế nơi sinh sản của muỗi. Đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin, người dân cần chủ động tiêm đúng, đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng bệnh.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật