Đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh: Vẫn vướng thủ tục hành chính

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay việc giải quyết các thủ tục đầu tư dự án tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh còn chậm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh: Vẫn vướng thủ tục hành chính
Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Tại hội nghị “Xúc tiến Đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh” ngày 27/6, các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn TP. Hồ Chí Minh có những hướng dẫn cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh tiến độ những dự án đang thực hiện.

Cụ thể, ông Võ Sỹ Nhân - Tổng Giám đốc Onehub Saigon Bund nêu ý kiến: Mặc dù Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nói chung, Onehub Saigon Bund nói riêng nhưng hiện nay việc triển khai dự án của doanh nghiệp này vẫn còn chậm.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nhân cho biết, Dự án của Onehub Saigon Bund được cấp phép đầu tư vào năm 2014 song đến nay vẫn chưa được cấp phép toàn phần. Điều này xuất phát từ quá trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 chậm do việc chuyển giao thẩm quyền giữa Ban quản lý Khu công nghệ cao - Ủy ban nhân dân quận 9 - Ủy ban nhân dân quận TP. Thủ Đức, có khả năng tiếp tục kéo dài do phải đợi điều chỉnh quy hoach 1/2000 của Khu công nghệ cao. Thêm vào đó, dự án Tuyến Metro số 1 triển khai rất chậm so với dự kiến, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội kinh doanh của dự án. Ngoài ra, hợp đồng thuê đất của dự án đã hết hạn từ tháng 12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa ký được phụ lục gia hạn do phải chờ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP về việc bổ sung Quyết định giao đất.

Ông Nhân kiến nghị, Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoach 1/2000 của Khu công nghệ cao và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 để công ty có thể tiếp tục triển khai dự án. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố sớm phê duyệt chủ trương cho dự án OneHub Saigon được kết nối vào cầu bộ hành nhà ga Metro số 12 của Tuyến Metro số 1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa Tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động. Đặc biệt kiến nghị thành phố phê duyệt cho Ban quản lý Khu công nghệ cao ban hành bổ sung Quyết định thuê đất và ký kết phụ lục Hợp đồng thuê đất cho dự án.

Ngoài vướng mắc về thủ tục đầu tư, một số doanh nghiệp cũng nêu ý kiến được hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đầu tư cũng như thời gian hoạt động của dự án.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp tại hội nghị “Xúc tiến Đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh” ngày 27/6.

Chia sẻ với những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh thừa nhận: Việc giải quyết các thủ tục đầu tư trong thời gian qua còn chậm. Thời gian tới lãnh đạo thành phố cam kết tập trung hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cụ thể là cập nhật quy hoạch nhanh chóng hơn, từ đó, gắn trách nhiệm của các sở, ngành để giải quyết các thủ tục đầu tư. Ông Mãi cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền thành phố giải quyết các điểm nghẽn để việc tập trung giải quyết các thủ tục nhanh hơn.

Về phía Khu công nghệ cao, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ là đầu mối tiếp nhận và có cơ chế phối hợp với TP. Thủ Đức (thuộc quy hoạch 1/500) để giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh hơn. Đặc biệt Ban quản lý khu Khu công nghệ cao sẽ đẩy mạnh một cửa liên thông với TP. Thủ Đức.

Tại hội nghị, bà Lê Bích Loan - Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng đã nêu một số dự án mà thành phố đang kêu gọi đầu tư gồm: Dự án nghiên cứu phát triển - ươm tạo - đào tạo; Dự án sản xuất công nghệ cao - ứng dụng công nghệ cao; Dự án dịch vụ công nghệ cao; Trung tâm quản lý điều hành dịch vụ công nghệ cao; Dự án nhà xưởng thông minh phục vụ các ngành công nghệ 4.0…

Về tiêu chí lựa chọn và chính sách ưu đãi, theo bà Loan, doanh nghiệp phải có năng lực quản lý và kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực ứng dụng công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Về chính sách, thành phố sẽ miễn giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm đối với dự án đầu tư mới; Miễn, giảm thuế suất 10% không quá 30 năm; Miễn toàn bộ tiền thuê đất, hoặc miễn từ 18-22 năm, giảm tiền thuê đất từ 55-75% tuỳ theo quy mô, tính chất của từng dự án; Giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (từ 1-3% tổng vốn đầu tư)…

Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 2002, cách đây đúng 20 năm với sứ mạng là xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung và tầm nhìn trở thành tiểu Khu đô thị khoa học và công nghệ. Đến nay, Khu Công nghệ cao đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu Công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố.

Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD, và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD (xuất siêu: 6,725 tỷ USD). Lũy kế tổng thu ngân sách ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng nhanh trong những năm gần đây do một số dự án đầu tư đã hết thời gian được hưởng ưu đãi.

Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao không ngừng được nâng cao, đạt 117,92 triệu USD năm 2021. Bước đầu hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao như Nanogen, USM Healthcare, BSB... Bước đầu tại Khu Công nghệ cao thành phố hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực Điện tử - công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học - dược phẩm, Cơ khí chính xác và tự động hóa và Công nghệ vật liệu mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật