Hậu phương vững chắc của người lính Biên phòng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giữa thời bình, nhưng người vợ lính Biên phòng vẫn phải chịu cảnh xa chồng, bởi các anh thực hiện nhiệm vụ ở nơi biên cương, hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Vắng các anh, các chị vừa làm mẹ, vừa làm cha chăm sóc con cái, vừa là người con hiếu thảo thay chồng lo chu toàn nội ngoại hai bên gia đình.
Hậu phương vững chắc của người lính Biên phòng
Gia đình Trung úy Hồ Văn Chinh. Ảnh: Trần Hoài

Làm vợ bộ đội đã hơn 4 năm qua, cũng là ngần ấy thời gian, chị Trần Thị Hoài, sinh năm 1994, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phải một mình tần tảo sớm khuya, lo toan công việc của gia đình và chăm sóc hai con nhỏ đang lứa tuổi mầm non. Chồng chị, Trung úy Hồ Văn Chinh, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình do đặc thù công việc, phải công tác xa nhà, nên mọi việc trong gia đình đều một tay chị thu vén.

Guồng quay của cuộc sống với những bận rộn và vất vả của “cơm áo gạo tiền”, khiến chị Hoài cũng có những lúc tủi thân vì không có chồng bên cạnh. Đó là lần chị sinh con thứ hai vào năm 2021. Lúc này, Trung úy Hồ Văn Chinh đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới trong vùng không phủ sóng điện thoại, nên không biết được thông tin chị sinh con. Do cơ địa khó sinh nên chị Hoài được bác sĩ chỉ định sinh mổ. Chị còn nhớ, cảm giác lúc từ phòng hậu phẫu hồi sức về phòng bệnh nằm, tất cả sản phụ khác đều có chồng đón, riêng chị chỉ có một mình.

Chị chia sẻ: “Năm 2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, mỗi sản phụ chỉ được một người nhà vào chăm. Chồng tôi công tác ở biên giới, vào viện chỉ có mẹ đẻ. Mẹ tôi đã ở bên phòng sơ sinh để chăm cháu, nên còn mình tôi ở phòng sản phụ, phải tự túc mọi việc. Các bác sĩ thấy tôi lủi thủi một mình liền hỏi: Chồng của chị đâu? Lúc đó, tôi chỉ chực khóc, nhưng tự trấn an bản thân và đáp lời các bác sĩ rằng: Chồng em là BĐBP, đang làm nhiệm vụ ở biên giới. Nghe xong, các y, bác sĩ và mọi người đã thay nhau giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi chợt hiểu, chồng tôi bảo vệ biên giới chính là bảo vệ sự bình an để nhiều gia đình khác được ở bên nhau. Vậy là thay vì tủi thân, tôi thấy rất đỗi tự hào, hãnh diện vì điều đó”.

Thương nhớ và tự hào là những cảm xúc tôi cảm nhận ở chị Hoài khi kể về người chồng mang quân hàm xanh của mình. Chị nói: “Những đêm mưa gió, ngoài kia anh vẫn làm nhiệm vụ, tôi ở nhà mới xót xa làm sao, nhưng anh càng chịu vất vả bao nhiêu, tôi càng thương anh bấy nhiêu. Gia đình tôi mỗi người một nơi, dành phần hạnh phúc cho nhiều gia đình khác được sum vầy. Tôi vô cùng trân trọng công việc của anh và luôn cố gắng thu vén gia đình, chăm sóc con cái thật tốt, làm hậu phương vững chắc để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Cũng như chị Hoài, Thượng úy Trịnh Thị Thanh Hòa, nhân viên quân y, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Học viện Biên phòng, là người cán bộ khá bận rộn, ít ai biết được chị cũng có chồng là BĐBP và công tác xa nhà. Chồng chị là Thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An. Là một cán bộ quân y xông xáo, nhiệt tình, giỏi chuyên môn, giàu trách nhiệm, Thượng úy Trịnh Thị Thanh Hòa luôn làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, chăm sóc tốt sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ tại Tổ quân y có giường lưu. Chị còn nhiệt tình tham gia các công tác phong trào, đoàn hội khác. Công việc ở đơn vị bận rộn là vậy, nhưng chị vẫn đảm đang, chu toàn công việc gia đình.

Thượng úy Trịnh Thị Thanh Hòa và chồng - Thượng tá Phạm Thành Trung. Ảnh: NVCC

Chị chia sẻ: “Cưới nhau từ năm 2008, ngần ấy năm trôi qua, sau mỗi ngày, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan và trở về nhà, chăm sóc cho gia đình của mình. Do nhiệm vụ mà chồng tôi công tác xa nhà, tôi luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc con cái, bố mẹ hai bên nội, ngoại để chồng yên tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ trên tuyến đầu”.

Đặc biệt là trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta. Chồng chị trực tiếp chỉ huy lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, không về nhà. Thời điểm đó, chị Hòa cũng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại Học viện Biên phòng, có những đợt 2-3 tháng không được về nhà, nên mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình đều do một mình chị sắp xếp, lo toan từ xa. Tất cả từ việc con cái, gia đình nội, ngoại đều chia sẻ thông tin qua chiếc điện thoại, bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung của cả nhà cũng chỉ gói ghém qua những tin nhắn vội giữa lúc làm nhiệm vụ. “Hai năm Covid-19, cũng giống nhiều người, đó là thời điểm khó khăn, vất vả và khó quên nhất với gia đình tôi” - chị Hòa chia sẻ.

Vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả khi chồng công tác xa nhà, là niềm tự hào được mang trên mình màu áo xanh BĐBP, Thượng úy Trịnh Thị Thanh Hòa cho biết: “Bố tôi cũng là người lính Biên phòng, ngay từ bé, tôi đã yêu màu áo xanh lính Biên phòng và bản thân mong muốn gắn bó với lực lượng Biên phòng. Tôi tự hào vì được nối tiếp thế hệ của bố tôi. Đồng thời, tự hào vì được góp sức mình vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chính điều đó càng tạo động lực cho tôi không ngừng cố gắng, chăm lo việc gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng tôi yên tâm công tác nơi tuyến đầu, bảo vệ bình yên nơi biên giới”.

Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, BĐBP Bình Phước tặng quà, hỗ trợ cho gia đình cán bộ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại đơn vị, tháng 2/2021. Ảnh: Hồng Ánh

Lòng yêu thương, sự tự hào, trân trọng công việc của chồng của những người vợ lính đã vượt lên trên hết những thiếu thốn tình cảm, vất vả, thiệt thòi thường nhật. Không chỉ chị Hoài, chị Hòa, mà còn rất nhiều người phụ nữ khác là vợ BĐBP giữa thời bình cũng lặng lẽ hy sinh để làm hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng xả thân, hết mình vì biên cương

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật