Cty Huy Hoàng định di dời 5000 tấn phế liệu về Nam Sách: Huyện phản ứng?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Công ty Huy Hoàng lên phương án thuê kho bãi, di dời 5000 tấn phế liệu từ TP Hải Dương về thị trấn Nam Sách nhưng huyện này không chấp thuận.
Cty Huy Hoàng định di dời 5000 tấn phế liệu về Nam Sách: Huyện phản ứng?
5000 tấn phế liệu của Công ty Huy Hoàng tập kết tại khu vực ven đê sông Thái Bình, phường Hải Tân, TP Hải Dương.

Thông tin mới nhất về “núi” phế liệu 5.000 tấn (chủ yếu là nilon) của Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương, mới đây, đơn vị này đã thuê 5.000 m2 kho bãi của Công ty TNHH Ngọc Vũ ở thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) để làm nơi tập kết nilon với thời hạn thuê 1 năm.

Đây được cho là phương án tạm thời trong thời gian chờ các cơ quan chức năng của tỉnh chấp thuận phương án xử lý. Theo đó, Công ty TNHH Huy Hoàng sẽ vận chuyển khoảng 5000 tấn nilon tại bãi Soi Nam thuộc một dự án khu đô thị sinh thái trên địa bàn thành phố Hải Dương đến địa điểm mới thuê tại thị trấn Nam Sách.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại diện Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương cho biết đang chờ tỉnh quyết định.

“Bây giờ làm gì phải được phép của chính quyền. Việc di dời lượng phế liệu trên, công ty đang làm văn bản đề xuất nên chưa di chuyển. Bao giờ có văn bản trả lời của tỉnh có bố trí cho đất hay không hay như thế nào thì đơn vị mới thực hiện còn hiện đơn vị vẫn đang thực hiện bảo quản tại chỗ (vị trí tại tại bãi Soi Nam, phường Hải Tân, TP Hải Dương). Đây mới đang là phương án đề xuất.”, đại diện Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Sách cho biết, ngày 20/4, Công an thị trấn cùng Công an huyện Nam Sách đã lập biên bản xử lý và yêu cầu trong ngày 21/4 phải chuyển đi hết lượng phế liệu đã được vận chuyển đến Công ty Ngọc Vũ.

“Khi họ mới chuyển vài kiện đến, chúng tôi phát hiện ra và cùng Công an thị trấn và Công an huyện Nam Sách lập biên bản, yêu cầu phải di chuyển đi”, ông Hùng nói.

Ông Vương Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách khi trao đổi với PV cho biết, UBND huyện đã giao cho bên Công an huyện làm việc cụ thể.

“Bên công an báo cáo đã lập biên bản xử phạt, yêu cầu phải vận chuyển toàn bộ số rác phế liệu đã tập kết tại đây đi nơi khác, ông Thủy cho biết.

Ghi nhận của PV sáng 21/4, một lượng lớn rác phế liệu vẫn đang được tập kết tại khu vực bãi rác Soi Nam, vị trí ven đê sông Thái Bình thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương. Lượng phế liệu này được Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương bảo quản, che phủ.

Hiện, lượng phế liệu này phần lớn được bảo quản tại chỗ.

Trước đó, ngày 16/3, tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến xử lý rác thải tại bãi rác Soi Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu chủ dự án khẩn trương vận chuyển toàn bộ khối lượng nilon đã qua giặt, rửa ra khỏi khu vực dự án đến nơi tập kết theo quy định, thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/5/2022. Quá trình vận chuyển, tập kết chủ đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có biện pháp che phủ, hạn chế tối đa các tạp chất rửa trôi, thẩm thấu ra môi trường xung quanh.

UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TP Hải Dương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển toàn bộ khối lượng nilon ra khỏi dự án đến nơi tập kết, xử lý theo quy định. Sau thời hạn trên, nếu nhà đầu tư không thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phải tham mưu cho UBND tỉnh xử lý vi phạm theo quy định.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương về 5.000 tấn phế liệu (chủ yếu là nilon) được Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương tập kết tại khu vực ven đê sông Thái Bình (phường Hải Tân, TP Hải Dương) trong thời gian dài gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết, theo phương án công nghệ và biện pháp thi công hạng mục xử lý bãi rác Soi Nam, rác thải sau khi được sàng lọc, phân loại, tùy theo tính chất mà có biện pháp xử lý cho phù hợp, trong đó nilon sau phân loại sẽ được làm sạch, ép kiện đem đi tái chế.

Từ tháng 7/2019, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương lắp đặt thêm các máy sàng và dây chuyền tạo hạt 2 nhựa để tái chế nilon. Tuy nhiên, 6 tháng sau, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương đã dừng hoạt động tái chế nilon tại khu vực dự án do lo ngại hoạt động tái chế làm ảnh hưởng đến khu dân cư, dẫn đến tình trạng tập kết nilon sau khi giặt, rửa tại khu vực dự án.

Đến nay, trong khu vực dự án còn khoảng 5.000 tấn nilon (đã qua giặt, rửa, đóng kiện) chờ chuyển đi xử lý. Các kiện nilon sau khi giặt, rửa về cơ bản không phát sinh mùi ảnh hưởng đến môi trường nhưng lại gây mất mỹ quan đô thị, về lâu dài nếu không được che phủ, bảo quản tốt sẽ dễ gây phát tán ra môi trường xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương đề xuất 2 phương án để xử lý lượng nilon hiện đang tập kết tại khu vực dự án. Phương án 1: Xem xét, tạo điều kiện cho công ty thuê lại 10.000 m2 đất trong khu quy hoạch xử lý chất thải tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để công ty xây dựng xưởng tạm để sản xuất hạt nhựa. Thời gian thuê đất để thực hiện xử lý toàn bộ lượng nilon là 20 tháng. Phương án 2: Cho phép công ty thực hiện xử lý lượng rác đã chôn lấp tại bãi rác Đồng Vọng, KCN Cộng Hòa, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh (Hải Dương). Khi đó, công ty sẽ di chuyển toàn bộ lượng nilon hiện đang tập kết trên để xử lý cùng với lượng rác chôn lấp tại bãi rác Đồng Vọng. Thời gian hoàn thành việc xử lý lượng nilon và lượng rác đã chôn lấp tại bãi rác Đồng Vọng là 20-24 tháng; kinh phí xử lý bãi rác Đồng Vọng, công ty đề nghị được hỗ trợ 30% so với đơn giá xử lý trên mỗi tấn rác được phê duyệt.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng, phương án 1 không có cơ sở pháp lý để tham mưu cho UBND tỉnh đồng ý với đề nghị của Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương. Về phương án 2, Công ty Huy Hoàng cần làm rõ phương án đầu tư, công nghệ xử lý báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TP Chí Linh thẩm định, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng, việc tập kết nilon sau giặt, rửa tại khu vực dự án là không đúng với phương án xử lý đã cam kết (nilon sau giặt, rửa được đem đi tái chế), gây mất mỹ quan đô thị, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường giao thanh tra Sở tiếp tục rà soát, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định của Pháp Luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu chủ đầu tư dự án phối hợp với Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương khẩn trương lựa chọn giải pháp xử lý, vận chuyển toàn bộ các kiện nilon đang tập kết trong khu vực dự án đến nơi xử lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật