Cảnh giác với thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dùng tiền giả mua những mặt hàng giá trị thấp để nhận lại tiền thật là thủ đoạn mà tội phạm mua bán, tiêu thụ tiền giả sử dụng. nạn nhân của các đối tượng phạm tội này là những người già, buôn bán nhỏ... ở vùng nông thôn.
Cảnh giác với thủ đoạn tiêu thụ tiền giả
Công an xã Đức Tân lấy thông tin vụ việc mua hàng bằng tiền giả tại tiệm tạp hóa của vợ chồng ông Hiến, bà Loan.

Cuối tháng 11-2021, hai đối tượng lạ mặt đến quầy tạp hóa nhỏ của vợ chồng ông Ưng Văn Hiến (75 tuổi) và bà Phạm Thị Tố Loan (72 tuổi, ở xã Đức Tân, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) mua đồ. Đối tượng đưa tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng mua 1 lon nước ngọt. Do không đủ tiền thối nên bà Loan không bán thì 2 người khách nói mua thêm mấy gói thuốc là để đủ số tiền thối lại khoảng 400.000 đồng. Khi các thanh niên trên rời đi, thấy khả nghi, vợ chồng ông Hiến, bà Loan đưa tờ tiền cho người hàng xóm xem thì phát hiện đó là tờ tiền giả. Ông Hiến cầm tờ tiền đến Công an xã Đức Tân trình báo vụ việc. Khẩn trương xác minh, điều tra thông tin trình báo của bị hại, Công an xã Đức Tân và Công an huyện Mộ Đức đã và làm rõ các đối tượng có hành vi: “Tiêu thụ tiền giả” là Lưu Gia Bảo (15 tuổi), Bùi Thương Tín (1‌8 tuổ‌i) và Đỗ Tấn Lưu (19 tuổi, đều trú H. Mộ Đức).

Tại cơ quan Công an, Bảo khai nhận, vào giữa tháng 11-2021, trong lúc sử dụng mạng xã hội Facebook, thì thấy có người rao bán tiền giả với tỷ lệ quy đổi 1 triệu đồng tiền thật mua được 6 triệu đồng tiền giả (loại mệnh giá 500.000 đồng), Bảo đã đặt mua 2 triệu đồng tiền thật để lấy 12 triệu đồng tiền giả. Vài ngày sau, Bảo đã nhận được số tiền giả trên. Bảo liên hệ với Tín, Lưu để cùng nhau tiêu thụ số tiền giả với hình thức dùng tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng vào các tiệm tạp hóa trên địa bàn huyện mua thu‌ốc l‌á, nước giải khát... để được thối lại tiền thừa bằng tiền thật. Theo lời khai của Bảo, để tiêu thụ tiền giả trót lọt, Bảo và đồng phạm đã chọn người bán hàng đang bận rộn, thiếu cảnh giác hoặc những người già, thị lực kém... để mua hàng bằng tiền giả. Còn đối tượng Bùi Thương Tín khai nhận, Bảo gọi điện đến gặp bàn chuyện “làm ăn” và đưa cho Tín 5 triệu đồng tiền giả để đi đổi tiền thật, nếu đổi được 1 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng thì Tín được hưởng 100 nghìn đồng. Vì thấy dễ kiếm tiền, nên Tín nhận lời đi tiêu thụ tiền giả.

Đại tá Võ Văn Đãi - Trưởng Công an huyện Mộ Đức cho biết, thủ đoạn của các đối tượng thường thực hiện vào lúc rạng sáng, gần tối, những nơi vắng người qua lại hay nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra tờ tiền. Chúng thường nhắm vào những người buôn bán nhỏ, người già, người bán hàng đang bận rộn, mất cảnh giác, các điểm bán tạp hóa, hàng rong nhỏ lẻ ven đường...

Để người dân chủ động phát hiện, không thu nhầm tiền giả, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phổ biến rộng rãi đặc điểm của các đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trên phương tiện thông tin đại chúng. Công an các địa phương cũng đã phổ biến, hướng dẫn cách nhận biết những đặc điểm khác nhau cơ bản giữa tiền thật và tiền giả. Tuy nhiên, vẫn không ít người bị lừa nhận phải tiền giả.

“Người dân cần kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận tiền từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả hoặc nghi tiền giả. Đối với các cơ sở kinh doanh, khi thấy người mua hàng có các dấu hiệu khả nghi như dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng hóa giá trị rất nhỏ thì cần cảnh giác, kiểm tra cẩn thận tiền trước khi nhận tiền, bán hàng. Nếu có nghi ngờ về tiền giả, mọi người phải từ chối nhận, khi phát hiện đối tượng sử dụng tiền giả phải nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý”, Đại tá Đãi khuyến cáo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật