Nam Định: Nghị lực phi thường của anh nông dân khuyết tật vươn lên trở thành tỷ phú

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở xã Giao Xuân (Giao Thủy), nhiều người khâm phục anh Đinh Văn Phượng dù không còn đôi chân, phải nằm sấp để di chuyển nhưng bằng nghị lực phi thường đã vươn lên trở thành tỷ phú.
Nam Định: Nghị lực phi thường của anh nông dân khuyết tật vươn lên trở thành tỷ phú
Ảnh minh họa

Năm 1982, chàng thanh niên khỏe mạnh Đinh Văn Phượng tạm biệt gia đình, tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên. Đến năm 1987, thượng sĩ Đinh Văn Phượng được phục viên về quê hương lao động, sản xuất. Sau đó anh trở lại đơn vị cũ để làm thủ tục đổi từ phục viên sang chuyển ngành, khi đi ô tô về quê qua huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn thì tai nạn thảm khốc. Anh Đinh Văn Phượng bị xe đè lên người làm gãy cột sống, đập hai bên xương chậu và gãy 3 dẻ xương sườn. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, anh Phượng được chuyển xuống bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng vết thương quánặng và được bác sĩ chẩn đoán khó qua khỏi, nếu duy trì cũng chỉ có thể sống thêm được 2-3 tháng.

Với tâm niệm "còn nước còn tát", sau đó gia đình đưa anh vào bệnh viện Giao Thủy, kết hợp mọi phác đồ điều trị để anh giảm bớt được cơn đau hành hạ mỗi ngày. Được sự động viên của các bác sĩ và gia đình, Phượng chỉ biết ôm mặt khóc, cố gắng vượt quanỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Từ một thanh niên khỏe mạnh, phơi phới nhiều ước mơ do nằm lâungày, hai chân anh bắt đầu lở loét và hoại tử, phải cắt bỏ toàn bộ, khuyết tật tới 91% sức khỏe. Nhưng trong hoàn cảnh đó, Phượng đã đã tạo dựng cho mình lòng quyết tâm và niềm tin vào cuộc sống. Anh dần trở lên vui vẻ hơn, hàng ngày chỉ dạy những đứa trẻ trong gia đình học bài, rồi dạy cả những học sinh trong xóm. Anh nhờ chị, nhờ mẹ mua chỉ để tập thêu và bắt đầu với công việc thêu gối cưới, rồi lại tự học để sửa chữa đài catset. Với sự thông minh sẵn có, anh học khánhanh và dần dần đã kiếm được tiền từ nghề thêu và sửa chữa đài. Cũng từ đây, anh kết nối được với bạn bè và xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt. 

Cuộc đời anh Phượng thực sự mở ra trang mới khi năm 2006, với sự tích luỹ kiến thức của bản thân cùng sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh quyết định thành lập Công ty cổ phần Đinh Phương chuyên trục vớt tàu biển, bản thân trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng quản trị trước sự ngỡ ngàng của bao người. Với sự nỗ lực của bản thân, từ điều hành, tính toán kinh tế, công ty của anh mỗi ngày một phát triển, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Khi nghề nuôi vạng phát triển tại nhiều địa phương ven biển, anh tìm hiểu và thuê bãi rộng hơn chục ha ở xã Hải Đông (Hải Hậu) để nuôi trồng. Anh từ bỏ nghề trục vớt tàu biển, bỏ hết vốn hiện có cùng với vay mượn thêm để đầu tư cho khu nuôi trồng thủy sản. Thời điểm đó, 1 ha đầm nuôi vạng anh bỏ ra 100 triệu đồng, chỉ sau một năm đã có thể thu về gấp 10 lần và dần dần anh có nguồn vốn lớn để tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi trồng thủy hải sản tại xã Hải Đông và Giao Xuân (Giao Thủy). Tại xã Hải Đông, hiện tại anh có trang trại rộng hơn 7 ha, ở xã Giao Xuân có 2,26 ha đấu thầu từ diện tích đất bỏ hoang để sản xuất giống ngao, hàu, vạng, sau khi thu hoạch xong lại chuyển sang nuôi tôm thịt. Bên cạnh đó, anh còn trồng được 5ha phi lao dài 1,5km ven bờ biển. Khu đầm nuôi con giống thủy sản được anh thuê người vệ sinh, xử lý đúng kỹ thuật, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, mỗi năm mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều hội viên người khuyết tật và lao động tại địa phương.

Từ nhiều năm nay trên chiếc xe lăn điện dành riêng cho người khuyết tật được tháo bỏ ghế ngồi thay bằng chỗ nằm, anh Đinh Văn Phượng tự di chuyển, trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo nuôi trồng thủy sản tại các trang trại. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, hiện tại anh đã có cơ ngơi hàng tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều hội viên người khuyết tật và người dân địa phương gặp hoàn cảnh khó khăn trong đó cưu mang một gia đình người dân tộc Khơ Mú, tạo công ăn việc làm lâu dài cho họ. Tấm gương vượt khó vươn lên của anh Phượng được các hội viên Hội Người khuyết tật huyện Giao Thủy tín nhiệm bầu làm chủ tịch Hội. Bằng sự tâm huyết của mình, anh đã trực tiếp lo toan, xây dựng một cơ sở sản xuất tập trung cho Hội Người khuyết tật trị giá gần 2 tỷ đồng tại xã Giao Xuân để sản xuất chiếu gỗ, áo ghế xe ô tô xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho 40 hội viên khuyết tật nuôi cá chạch sụn tại cơ sở sản xuất tập trung của Hội với thu nhập ổn định. Hiện tại, Hội Người Khuyết tật huyện Giao Thủy là đơn vị vững mạnh tiêu biểu của Hội Người khuyết tật tỉnh.

Thành quả mà anh Đinh Văn Phượng đạt được ngày hôm nay đã thể hiện nỗ lực cố gắng không ngừng của người khuyết tật "tàn nhưng không phế" luôn nỗ lực vươn lên, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật