Bà Nguyễn Thị Hồng: Người phụ nữ “nặng nợ” với những mảnh đời bất hạnh

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà Nguyễn Thị Hồng (ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) là hội viên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang, năm nay đã gần 70 tuổi. Ở tuổi này, nhiều người đã yên phận tuổi già, vui vẻ sum vầy cùng con cháu, nhưng với bà, mỗi năm thêm một tuổi bà lại càng thấy mình phải tích cực cống hiến, tranh thủ mọi thời gian, sức lực để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn
Bà Nguyễn Thị Hồng: Người phụ nữ “nặng nợ” với những mảnh đời bất hạnh
Bà Nguyễn Thị Hồng (bìa phải) tại buổi lễ bàn giao Mái ấm khuyến học.

Chồng mất sớm, bà Hồng một mình nuôi 3 con thơ trong cảnh túng thiếu. Bươn chải với nghề buôn bán vải vụn, bà nuôi các con khôn lớn, thành đạt và cuộc sống gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả, nên bà thấu hiểu nỗi cơ cực, lo toan của người nghèo. Với tấm lòng nhân ái và cảm thông trước nhiều hoàn cảnh bệnh tật khó khăn trong cuộc sống, năm 2006, bà Hồng ngưng việc sản xuất, kinh doanh để chuyển sang làm công tác từ thiện xã hội. Trước đó, một người bạn Việt kiều ngỏ ý với bà muốn xây bệnh viện mắt để chữa bệnh cho người nghèo, nhưng bà khuyên người bạn đừng xây bệnh viện sẽ rất tốn kém, nếu trực tiếp hỗ trợ người bệnh sẽ giúp được nhiều người hơn.

Được sự đồng tình của bạn, bà Hồng nhờ người quen thông báo cho những người nghèo bị bệnh mắt trong tỉnh đăng ký, rồi tổ chức đưa các bệnh nhân lên TP. Hồ Chí Minh điều trị. Năm 2007, bà đưa lượt bệnh nhân đầu tiên gồm 200 người đi mổ mắt ở bệnh viện 115 - TP. Hồ Chí Minh. Mọi chi phí đi lại, ăn uống, viện phí được bạn của bà và người thân trong gia đình hỗ trợ. Từ đó, bà Hồng đã trực tiếp làm cầu nối với các tổ chức nhân đạo xã hội và các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đưa các bệnh nhân nghèo đi phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim miễn phí. Đối với các bệnh về mắt, đến nay bà đã làm trung gian đưa hàng ngàn ca đi điều trị bệnh; riêng bệnh tim cũng có đến vài trăm ca. Chỉ riêng năm 2019, bà đã đưa 633 người đi mổ mắt đục thủy tinh thể; 10 người đi mổ tim với chi phí trên 1 tỷ đồng.

Bà Hồng cho biết: "Bản thân tôi chỉ là cầu nối giữa bệnh nhân và các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi hoàn toàn không nhận một khoản chi phí nào từ bệnh nhân và bệnh viện. Công việc xét chọn, đưa bệnh nhân đi đến bệnh viện trị bệnh, nhất là bệnh tim rất công khai minh bạch. Có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không có sổ hộ nghèo, trong khi một ca mổ mắt tốn kém hàng trăm triệu, tôi phải trực tiếp đến gặp lãnh đạo xã để xin cấp sổ hộ nghèo hoặc chứng nhận hoàn cảnh đó khó khăn. Đồng thời, các thủ tục ở bệnh viện tôi đều trực tiếp làm dùm bệnh nhân".

Mỗi một trường hợp, hoàn cảnh, ngày giờ phẫu thuật… bà Hồng đều cẩn thận ghi vào sổ. Bà còn nhớ như in trường hợp của cháu Tô Gia Thịnh (9 tuổi), ấp Phú Lợi A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. "Tôi biết bệnh tình của Thịnh vào năm 2011, khi Thịnh mới 1 tuổi, cháu bị tim bẩm sinh, nhà lại nghèo. Khi đó, tôi liền liên hệ bệnh viện TP. Hồ Chí Minh tiến hành khám và phẫu thuật tim cho cháu. Đến năm 2014, cháu lại tiếp tục phẫu thuật một lần nữa. Gần đây vào tháng 8/2019, cháu phải nhập viện thông tim với chi phí 30 triệu đồng. Khi ổn định vào đầu tháng 12/2019, Thịnh lại nhập viện phẫu thuật tim lần thứ 3. 1 lần thông tim, 3 lần Thịnh phẫu thuật tim đều hoàn toàn miễn phí. Rất mừng là đến nay, tình hình bệnh của cháu đã dần ổn định" - bà Hồng chia sẻ.

Hơn 13 năm gắn bó với công tác từ thiện xã hội, dù trải qua bao vất vả nhưng gương mặt của bà Hồng luôn rạng rỡ nụ cười, nhất là khi chứng kiến bệnh nhân lành bệnh. Bà Hồng tâm sự: "Còn sức khỏe, tôi còn làm. Có những hoàn cảnh khó khăn mình phải đi đến nhà, đưa đón người ta. Bản thân và các y, bác sĩ khi thấy bệnh nhân lành bệnh còn vui mừng hơn cả người nhà bệnh nhân. Tôi còn nhớ, có một trường hợp ở huyện Tân Phú Đông. Người này do thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật mà không bảo vệ mắt, từ đó dẫn đến mù 2 mắt. Qua giới thiệu, tôi biết được và đưa đi mổ mắt, nhưng gia đình không đồng ý vì không biết mổ rồi có sáng mắt không. Qua quá trình vận động, thuyết phục, có thể nói tôi và người đó "lén" gia đình đi mổ mắt. Nhà lại quá nghèo, không người nhà chăm sóc, tôi vận động người nhà của những người đi mổ mắt chung chăm sóc giúp. 5 năm sống trong mù lòa, sau khi mổ thấy được ánh sáng, bản thân người đó và tôi đều rất hạnh phúc. Chính những đều đó là động lực để tôi tiếp tục làm việc thiện".

Nhiều khi rất giận gia đình bệnh nhân, cũng như bà Hồng còn nhớ có một trường hợp cần giúp đỡ nhưng gia đình người bệnh lại không tin tưởng, vì họ cho rằng bà làm việc kiểu "3 không": Không giấy tờ, không văn phòng, không chi phí thì liệu có tốt không (?!). Nhưng bà Hồng bày tỏ: "Tôi không vì một vài người không hiểu công việc này mà bỏ mặc hết những bệnh nhân khác đang cần giúp đỡ. Những việc làm này giống như "cái nghiệp" rồi, tôi không thể bỏ được". Không dừng lại ở đó, bà Hồng còn vận động các tổ chức, nhà hảo tâm xây tặng nhà tình thương, mái ấm khuyến học, cầu giao thông nông thôn, trao xe lăn và hàng ngàn món quà cho người nghèo. Ngoài các bệnh nhân nghèo ở tỉnh Tiền Giang, bà Hồng cũng đã giúp đỡ cho rất nhiều trường hợp ở các tỉnh khác như Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai… Gần đây, bà còn đảm nhận làm "cầu nối" giới thiệu giúp cho nhiều phụ nữ nghèo đi bệnh viện điều trị miễn phí các chứng bệnh phụ khoa. Nhiều hoàn cảnh khó khăn, bà bỏ tiền túi hoặc vận động thêm các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Bà Hồng luôn tranh thủ làm từ thiện từng ngày. Có tháng bà đưa 3, 4 đợt, mỗi đợt bà đưa từ 50 - 60 người đi mổ mắt. Bà Hồng bộc bạch: "Mổ mắt chi phí trên dưới 1 triệu đồng/trường hợp nên không cần phải xác minh, khi có bệnh nhân liên hệ, tôi tập hợp và đưa đi bệnh viện mổ ngay. Đối với mổ tim vì chi phí cao, trên dưới cả trăm triệu đồng, do yêu cầu của đơn vị hỗ trợ nên phải xác minh gia đình khó khăn và bản thân người bệnh có đủ sức khỏe mới mổ được". Tuổi mỗi ngày một cao, mỗi chuyến đi từ thiện lại khiến các con, các cháu của bà lo lắng, song bà vẫn vui vẻ với công việc của mình. Điều mà bà luôn đau đáu và lo lắng là: "Tôi rất muốn sau này có người thay tôi làm những việc này, nhưng có lẽ hơi khó, có người chỉ tham gia đi một, hai lần, vì một công việc này là công việc không lương mà còn phải bỏ tiền túi lo chi phí và để giúp đỡ người bệnh"...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật