Dự trữ bình oxy có thể gây khan hiếm hàng hoá, ảnh hưởng đến bệnh nhân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tình trạng người dân tích trữ bình oxy, máy tạo oxy có thể khiến hàng hoá bị khan hiếm, ảnh hưởng đến các bệnh nhân đang điều trị.
Dự trữ bình oxy có thể gây khan hiếm hàng hoá, ảnh hưởng đến bệnh nhân
Tại Hà Nội xuất hiện tình trạng mọi người đổ xô đi mua bình oxy để dự trữ. (Ảnh: VOV)

Tại một số địa phương trên cả nước, số F0 tăng nhanh khiến tâm lý nhiều người bị ảnh hưởng. Không ít gia đình đã dự trữ thiết bị y tế, trong đó có bình oxy để chủ động phòng dịch tại nhà. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến một số hệ luỵ.

Theo VOV, dọc tuyến phố Phương Mai (Q.Đống Đa, Hà Nội), các hộ kinh doanh thiết bị vật tư y tế bày bán nhiều bình oxy với giá thành từ 1 – 3 triệu đồng. Một số đơn vị cung cấp tại khu vực này cho biết, bình oxy được vận chuyển vào TP.HCM nhiều dẫn đến tình trạng khan hiếm. Có một số thời điểm, hàng không có đủ để nhập. Ngoài việc khách hàng tìm mua để hỗ trợ bệnh hen suyễn, viêm phế quản, có khá nhiều người lại mua để phòng trường hợp người thân mắc Covid-19.

Bên cạnh bình oxy, máy tạo oxy cũng là mặt hàng đang “hot” hiện nay. Nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, khiến giá của chúng tăng từ 3 - 4 lần, nhiều nơi rơi vào tình trạng “cháy hàng”.


Máy tạo oxy cũng là mặt hàng khan hiếm hiện nay. (Ảnh: Vietnamnet)

Chia sẻ với VOV, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc dự trữ bình oxy và máy tạo oxy là việc làm không nên và không cần thiết. Bởi việc thiết lập và vận hành các thiết bị này cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đủ trang thiết bị phụ trợ (như hệ thống oxy, khí nén) và được thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) có chuyên môn vận hành. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều người mua máy tạo oxy về dùng sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm hàng cục bộ. Điều này đồng nghĩa với việc, những khu vực cần thiết lại không có, người có nhu cầu sẽ mất cơ hội sử dụng.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, trong quá trình sử dụng máy trợ thở, cần có người nắm rõ chuyên môn kiểm tra, theo dõi thường xuyên và có những chỉ định, xử lý trong trường hợp cần thiết. Không phải muốn dùng bao nhiêu oxy và máy thở cũng được. Thậm chí, nếu không biết cách sử dụng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.


Việc sử dụng máy tạo oxy cần đến sự hướng dẫn, theo dõi liên tục của bác sĩ. (Ảnh: Bộ Y tế)

Theo Báo Điện tử Đảng cộn‌g sả‌n Việt Nam, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi trung ương, cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng này. Cụ thể, vị Giám đốc cho biết, theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, người bệnh chỉ tự điều trị cách ly tại nhà nếu không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Trong trường hợp phải dùng đến máy tạo oxy, tức là bệnh đã trở nặng, họ sẽ phải nhập viện. “Việc người dân đổ xô mua các thiết bị tạo oxy sẽ tạo ra sự phân bố nguồn lực sai lệch, từ đó gây khủng hoảng trên thị trường và xã hội" - ông Nhung nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, việc người dân dự trữ bình oxy và máy tạo oxy khi không có chuyên môn có thể kéo theo một số hệ luỵ. Trong thời điểm dịch đang có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành như hiện nay, điều quan trọng mỗi người dân cần ghi nhớ là tuyệt đối bình tĩnh, suy nghĩ tích cực và tin tưởng vào chính quyền địa phương. Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện quy tắc “5K”, không gây ảnh hưởng đến công tác dập dịch của lực lượng chức năng. Làm được những điều này, dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật