“Bóng ma” đẩy Nhật lại phía sau trong cuộc đua vaccine

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ Nhật Bản thận trọng phê duyệt và phân phối vaccine Covid-19 bởi các vụ bê bối trong quá khứ khiến người dân mất niềm tin vào tiêm chủng.
“Bóng ma” đẩy Nhật lại phía sau trong cuộc đua vaccine
Buổi diễn tập tiêm chủng tại Kawasaki, Nhật Bản, tháng 1/2021. Ảnh: AFP

Khi thế vận hội Olympic Tokyo được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 7, Nhật Bản có đủ lý do để đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine Covid-19 và bắt đầu tiêm chủng. Tuy nhiên quốc gia mới chỉ khởi động chủng ngừa vào tuần trước, sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech, hơn hai tháng sau khi sản phẩm được phê duyệt ở các nước lớn khác, gồm Mỹ và Anh.

Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã tiêm hơn 68 triệu liều vaccine kể từ tháng 12. Tại Nhật Bản, đến nay chỉ khoảng 18.000 liều được sử dụng. Tỷ lệ mắc Covid-19 của nước này không cao bằng các nước phương Tây. Song trong những tháng gần đây, hệ thống y tế đã bị quá tải bởi làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch khởi phát. Hàng trăm ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày. Thủ tướng Yoshihide Suga chịu áp lực dập dịch cấp tốc trước khi tổ chức Thế vận hội vào mùa hè năm nay.

Giống với Mỹ, Nhật Bản sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech cho chương trình tiêm chủng. Song chính phủ tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Sau hàng loạt vụ bê bối kéo dài 50 năm, Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tin tưởng vào vaccine thấp nhất thế giới. Vì vậy, gạt bỏ sự hoài nghi của công chúng là rất quan trọng.

Nhưng những bước đi có phần chậm chạp của giới chức bị nhiều chuyên gia y tế chỉ trích. Kenji Shibuya, giáo sư tại Đại học King London, nhận định điều này có thể khiến đất nước phải trả giá bằng nhiều mạng sống.

Quy trình phê duyệt thận trọng

Pfizer-BioNTech đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trong những tháng cuối năm 2020 tại khoảng 150 địa điểm ở Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Argentina. Ngày 19/11, công ty tuyên bố vaccine hiệu quả 95%. Hai tuần sau, Anh trở thành nước phương Tây đầu tiên phê duyệt sử dụng sản phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Mỹ có động thái tương tự ngày 11/12. Đến 21/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chấp thuận vaccine.

Phải 6 tuần sau đó, đến 14/2, Nhật Bản mới "bật đèn xanh" với sản phẩm. Theo tiêu chuẩn trong nước, việc phê duyệt diễn ra nhanh chóng. Thông thường, quá trình này có thể mất từ một đến hai năm. Song những người chỉ trích cho rằng sự chậm trễ khiến chính phủ mất nhiều thời gian quý báu.

Nhật Bản đã tiến hành độc lập một thử nghiệm lâm sàng trong nước đối với vaccine Pfizer-BioNTech, có khoảng 160 người tham gia. Giáo sư Shibuya cho rằng quy mô nhỏ như vậy không cung cấp thêm bất cứ bằng chứng khoa học nào về độ hiệu quả của sản phẩm.

Theo Taro Kono, Bộ trưởng phụ trách triển khai vaccine Covid-19, cuộc thử nghiệm chủ yếu nhằm xây dựng lòng tin của công chúng với chương trình tiêm chủng.

"Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là phải cho người dân thấy rằng chính phủ Nhật Bản đã làm mọi điều có thể để chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả, từ đó khuyến khích họ chủng ngừa. Về lâu dài, có thể chúng tôi bắt đầu chậm hơn, nhưng hiệu quả hơn", ông nói.

Bóng ma vaccine và sự hoài nghi

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet, dưới 30% người Nhật tin tưởng vaccine an toàn, hiệu quả và cần thiết. Con số này ở Mỹ là 50%. Tình trạng phản đối bắt đầu từ những năm 1970, sau vụ việc hai trẻ sơ sinh t‌ử von‌g trong vòng 24 giờ kể từ khi tiêm phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà. Loại vaccine bị đình chỉ sử dụng, song niềm tin đã lung lay. Trong vài năm, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm, số ca nhiễm ho gà gia tăng.

Cuối những năm 1980, các phiên bản đầu tiên của vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) do Nhật Bản sản xuất gây bệnh viêm màng não vô khuẩn hoặc sưng màng quanh não và tủy sống. Sự việc dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài và khoản bồi thường thiệt hại nặng nề. viện Khoa học Y tế Quốc gia đã ngừng tiêm vaccine kết hợp vào năm 1993, thay bằng các liều riêng lẻ.

Sau bê bối MMR, chính phủ đã nhận thức được rủi ro của, sửa đổi quy định và để người dân tự nguyện tiêm phòng. Tiến sĩ Yuho Horikoshi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết các vụ kiện đã dẫn đến "lỗ hổng tiêm chủng". Trong suốt 15 năm, không loại vaccine nào được chấp thuận ở Nhật Bản.

Gần đây hơn, vào năm 2013, nước này đã bổ sung vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, các video về người dùng nữ gặp phản ứng phụ bắt đầu lan truyền trên mạng. Giới chức lại loại bỏ vaccine khỏi chương trình.

Tủ siêu lạnh để bảo quản vaccine Covid-19 tại Sagamihara, Nhật Bản. Ảnh: AP

Ủy ban Xem xét Phản ứng không mong muốn sau đó đã điều tra vụ việc và kết luận vaccine HPV không gây tác dụng phụ nghiêm trọng ở người dùng. Song số trẻ em gái được tiêm phòng đã giảm mạnh, từ hơn 70% trong năm 2010 xuống gòn dưới 1%.

Giáo sư Shoji Tsuchida, chuyên gia tâm lý học xã hội của Đại học Kansai, cho biết dù người Nhật thiếu lòng tin vào vaccine, nước này không có phong trào bài xích tiêm chủng (anti-vaxx).

"Hầu hết người dân không muốn tiêm vaccine vì sợ phản ứng phụ có thể xảy ra, chứ không phải vì tin vào những lập luận kiểu ngụy khoa học. Họ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các sự việc trong quá khứ, đặc biệt vụ HPV", ông giải thích.

Nỗ lực trấn an một cộng đồng hoài nghi

Sự hoài nghi của cộng đồng là trở ngại lớn khi chính phủ khởi động chương trình tiêm chủng Covid-19. Các mũi vaccine đầu tiên dành cho nhân viên y tế tuyến đầu. Mục tiêu tiếp theo là tiêm cho người già trong tháng 4. Giới chức yêu cầu một nửa số bác sĩ và y tá trong đợt đầu ghi "nhật ký quan sát" để theo dõi tác dụng trong vòng 7 tuần.

Để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng, một nhóm bác sĩ đã khởi động chiến dịch truyền thông, khuyến khích người dân chủ động đăng ký nhận vaccine. Linh vật của chương trình là chú chó Shiba Corowa-kun, đóng vai trò như chatbott (hệ thống trả lời tự động), giải đáp tất cả câu hỏi của công chúng liên quan đến tiêm phòng.

Đến nay, hơn 55.000 đã đăng ký ứng dụng hỗ trợ, 70% trong đó là phụ nữ. Bộ trưởng Kono ủng hộ ứng dụng này, song chính phủ chưa đưa ra thông điệp của riêng mình. Theo giáo sư Shibuya, trong quá trình tổ chức Thế vận hội, chính phủ cần tập trung tuyên truyền cho công chúng về độ an toàn, hiệu quả và sự cần thiết của vaccine.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật