Năm 2021, dự kiến sản lượng thịt các loại đạt 5,7 triệu tấn

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 23-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị về tình hình chăn nuôi và kế hoạch triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Năm 2021, dự kiến sản lượng thịt các loại đạt 5,7 triệu tấn
Quang cảnh hội nghị.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến hết tháng 1-2021, đàn lợn tiếp đà phục hồi, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước với tổng đàn 27,3 triệu con, bằng 88,7% so với trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dự kiến đến cuối quý I-2021, công tác tái đàn đạt 5,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 73,6% so với thời điểm chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số lợn phải tiêu hủy khoảng 2.000 con; chăn nuôi gia cầm, trâu, bò phát triển ổn định...

Trong năm 2021, dự kiến tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt khoảng 5-6%; sản lượng thịt các loại đạt 5,7 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn đạt 3,67 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2020; thịt gia cầm đạt 1,5 triệu tấn, tăng 5,8%; thịt bò đạt 395.000 tấn, tăng 6%.

Về nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu, chọn lọc được chủng vi rút để sản xuất vắc xin, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y cùng các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Navetco) chủ động hợp tác chặt chẽ với đối tác Hoa Kỳ để tổ chức nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu lực của vắc xin.

Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin; tổ chức đánh giá vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo tinh thần khẩn trương, tích cực nhất để sớm có vắc xin phục vụ sản xuất, nhưng phải đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ theo quy định.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong năm 2021, chăn nuôi được coi là dư địa lớn nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng đối mặt nhiều thách thức. Do đó, thời gian tới, các đơn vị tập trung triển khai Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và hoàn thiện hệ thống quản lý; thúc đẩy tái cơ cấu ngành hàng, chuỗi liên kết. Doanh nghiệp phải là hạt nhân từ việc cung cấp thức ăn đến giống, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn; mở rộng thị trường xuất khẩu chăn nuôi; đẩy mạnh việc đánh giá kết quả nghiên cứu vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi để cuối quý II, đầu quý III-2021 đưa vào sản xuất thương mại...  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật