NSND Đặng Thái Sơn: “Bố dạy tôi phải kiêu hãnh”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghệ sĩ dương cầm kể những kỷ niệm về người cha của mình trong buổi tọa đàm quanh cuốn sách “Đặng Đình Hưng - một bến lạ”.
NSND Đặng Thái Sơn: “Bố dạy tôi phải kiêu hãnh”
NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tưởng niệm cha tối 20/1 tại Hà Nội. Ảnh: Duy Anh.

Tối 20/1, hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) không còn chỗ trống. Khán giả là người yêu thơ, hội họa, giới nghiên cứu phê bình văn học, âm nhạc… đứng kín lối đi của hội trường.

Tất cả cùng chia sẻ tình yêu thơ, nhạc, họa nhân tọa đàm ra mắt sách Đặng Đình Hưng - một bến lạ. Cuốn sách được thực hiện để tưởng niệm 30 năm ngày mất nghệ sĩ Đặng Đình Hưng. Sách do NSND Đặng Thái Sơn (con trai nghệ sĩ), họa sĩ Lê Thiết Cương cùng thực hiện.

Chương trình có sự tham dự của ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh…

Chọn làm con ngoan của bố

Đặng Đình Hưng (1924-1990) là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Ông nổi tiếng do sáng tạo khác lạ, độc đáo, nhất là thơ. Tài năng và tính cách của Đặng Đình Hưng để lại dấu ấn lên cuộc đời và sự nghiệp nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.

Trong buổi tọa đàm, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ những kỷ niệm về cha mình. “Khi tôi chưa lọt lòng, bố đã đặt cho tên Đặng Thái Sơn. Nghe cụm từ ấy, ta liên tưởng tới câu ’Công cha như núi thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’, nhưng chữ ’Thái’ ở đây còn là họ mẹ tôi, Thái Thị Liên”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nói.

Ngày nhỏ, gia đình nghệ sĩ sống yên ả trong căn nhà thuê trên phố Tống Duy Tân, Hà Nội, với đầy đủ “con anh, con tôi, con chúng ta”.

“Mấy anh em ai cũng học đàn, bố là nhạc sĩ, má là giáo viên dạy đàn nên nói ai cũng học đàn. Bố, má nói nhà ầm ĩ lắm rồi, dự định không cho con út học nhạc nữa. Mà thói đời bố mẹ càng ngăn, con càng ‘ứ ừ’”, nghệ sĩ kể.

Trong số các anh em, NSND Đặng Thái Sơn thường lân la cây đàn nhiều hơn cả, và được bố, má chú ý. Sau một phép thử năng khiếu thẩm âm, Đặng Thái Sơn thấy bố, má mình bàn bạc với nhau và quyết định cho cậu út học nhạc.

Đặng Thái Sơn kể cha là người đã cặm cụi kẻ từng khuông nhạc cho con học. Ông cũng uốn nắn con cần có phong thái đĩnh đạc.

“Bố uốn tôi từ dáng ngồi, cách đi thẳng, ông dạy tôi phải có sự kiêu hãnh”, NSND Đặng Thái Sơn nói.

Nhưng cuộc đời có lúc thăng, trầm, có cao trào và cũng có những giai đoạn bi thương.

“Giữa những năm 1980, bố, má tôi ly hôn. Cả hai đều suy sụp. Người sáng tác như bố tôi rất cần hậu phương nâng khăn sửa túi. Má tôi cũng cần ’cái đầu’ của bố tôi, vì giao tiếp xã hội của má tôi không tốt. Sau khi ly hôn, má tôi về lại phương Nam, một mình. Bố tôi đổ bệnh”, NSND Đặng Thái Sơn kể.

Đúng lúc ấy, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được giải thưởng Chopin tại Ba Lan. “Giải thưởng đã cứu cả nhà tôi”, nghệ sĩ nói.

Khi về nước, Đặng Thái Sơn đã xin đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh, và đưa má đi cùng. Tuy nhiên, bố ông ở lại và được các bác sĩ đầu ngành chữa trị. Nhờ đó, thi sĩ Đặng Đình Hưng sống thêm được 10 năm.

Sách Đặng Đình Hưng - một bến lạ. Ảnh: Duy Anh.

Những thử nghiệm trong thơ ca của Đặng Đình Hưng

Tại chương trình, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về quá trình làm cuốn sách Đặng Đình Hưng - một bến lạ. Cuốn sách gồm 6 tác phẩm thơ, trên 20 tác phẩm hội hoạ, những bài bình luận về thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nói trước Đặng Đình Hưng, các nhà thơ thường đi theo mô hình tác phẩm có ý tưởng, có nghĩa rồi mới chọn chữ diễn đạt ý nghĩa ấy. Nhưng Đặng Đình Hưng cùng Trần Dần, Lê Đạt lại đảo lộn công thức ấy: Chữ đi trước nghĩa.

Bố uốn tôi từ dáng ngồi, cách đi thẳng, ông dạy tôi phải có sự kiêu hãnh.

NSND Đặng Thái Sơn

Lê Đạt nhận là phu chữ, Trần Dần nói làm thơ là gây sự với chữ. Họ đặt chữ là trước nhất. Các nhà thơ theo cách thức này đều muốn ép một con chữ phải đẻ ra nghĩa mới. Đôi khi họ trình bày, xếp đặt chữ trong không gian, trên trang giấy.

Là nhạc sĩ, âm nhạc mang lại sự độc đáo cho thơ ca Đặng Đình Hưng. Theo nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, đối với thơ tự do, quan trọng nhất là nhịp điệu chứ không phải vần điệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi từng nói: “Vần điệu là âm nhạc bên ngoài, nhịp điệu là âm nhạc bên trong”. Đặng Đình Hưng là nhạc sĩ nên bắt được nhịp điệu, đưa nhịp điệu vào thơ.

Kết cấu tác phẩm của Đặng Đình Hưng chịu chi phối bởi âm nhạc. Các tác phẩm như Ô, Bến lạ đều có kết cấu theo hình thức âm nhạc. Ô (hay có chỗ ghi là Cửa ô) giống bài thơ về một bản nhạc, một hồi ký về thơ, đồng thời là bản nhạc. Bến lạ giống bản giao hưởng, có nhiều bè, nhiều chủ đề vừa song song vừa xoắn luyến vào nhau. Ô mai giống tiểu thuyết bằng thơ, cũng giống vở nhạc kịch.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy tại tọa đàm. Ảnh: Duy Anh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hạnh nói tác phẩm Đặng Đình Hưng thuộc dòng thơ thể nghiệm, đề cao tinh thần phá cách trong tạo chữ. Ông luôn tìm cách cưỡng lại thói quen biểu đạt đã cũ mòn. Bài Lyzik là tiêu biểu cho lối thơ thử nghiệm theo trường phái tối giản.

“Cuộc đời ông để lại cho chúng ta một bài học về cách sống, cống hiến, sáng tạo cho nghệ thuật”, nhà nghiên cứu Thúy Hạnh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật