Bất cập cung cấp nước sạch nông thôn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới được triển khai tại Quảng Ninh từ năm 2013, đã góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe trong cộng đồng.
Bất cập cung cấp nước sạch nông thôn
Người dân thôn 6, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà vẫn phải xách nước từ giếng về sử dụng nhưng nguồn nước cũng không đảm bảo.

Xem Video: THVL | Bất cập trong quản lý nước sạch nông thôn

//

Tuy nhiên, bên cạnh những công trình đưa vào khai thác, vận hành hiệu quả, cũng còn không ít khu vực dân cư vẫn chưa có nước sạch sinh hoạt; vấn đề quản lý các công trình này cũng đang bộc lộ những bất cập cần được khắc phục. Đây là vấn đề mà cử tri, nhất là người dân nông thôn quan tâm và phản ánh trong thời gian qua.

Công trình cấp nước xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, là một trong 10 công trình của tỉnh Quảng Ninh được triển khai xây dựng theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước cho 7 thôn của xã Quảng Minh. Nhưng hiện nay, tại nhiều khu vực của dự án, sau khi Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông tiếp nhận bàn giao từ đơn vị thi công vẫn đang phải khắc phục những tồn tại, như đường ống, mặt bằng... mới có thể đưa vào sử dụng.

Tại nhiều khu vực dân sinh, đường ống, đồng hồ đã được dẫn đến từng nhà, nhưng nhiều hộ do thói quen dùng nước mưa và nước giếng khoan từ lâu nay, nên vẫn thờ ơ với việc đấu nước sau công tơ để lấy nước sử dụng. Chị Đào Thị Dư (thôn 4, xã Quảng Minh) cho biết: Gia đình tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan, chưa có nhu cầu sử dụng nước máy, vì nếu dùng phải trả tiền.

Ngược lại, cũng có hộ gia đình sử dụng song song cả 2 nguồn nước (nước máy và nước giếng khoan) nên lượng nước tiêu thụ rất ít, mỗi tháng chỉ 1-2m3. Anh Trần Văn Trung (thôn 4, xã Quảng Minh) chia sẻ: Nhà tôi đã đấu nối đường nước máy, nhưng chỉ sử dụng nấu ăn, còn tắm giặt thì sử dụng nước giếng khoan.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước của Trạm cấp nước sạch nông thôn xã Quảng Minh rất thấp, chỉ trên 10%. Trong tổng số 630 hộ dân có hợp đồng cấp nước, mới có 143 hộ đấu nối, nhưng thực sự sử dụng nước mới có 103 hộ. Điều này cũng gây khó khăn cho đơn vị cấp nước.

Một bất cập nữa, hiện nay một số nơi được lắp đặt và sử dụng nước máy, nhưng nguồn nước chưa được đảm bảo, nên nhiều hộ dân vẫn còn lo lắng, như ở xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Đã có nhiều kiến nghị của cử tri ở những nơi này. Chị Đặng Thị Lai (thôn Thống Nhất, xã Hải Lạng) cho biết: Lo sợ nguồn nước không đảm bảo, gia đình tôi sử dụng máy lọc nước. Theo quy định, từ 4-6 tháng mới thay quả lọc một lần, nhưng chỉ 3 tháng, quả lọc đã bám đầy cặn đen, phải thay quả lọc mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay dân số sống tại nông thôn có hơn 474.000 người, chiếm 35,9%. Theo đó, nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn. Toàn bộ các công trình nước sạch nông thôn khu vực miền Đông đã được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tạm bàn giao về Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, vận hành, cũng đang tồn tại những bất cập nêu trên. Đối với khu vực miền Tây của tỉnh, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý 5 công trình trên địa bàn Đông Triều và Quảng Yên. Do mật độ dân cư đông, nên tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch nhiều hơn. Song do nhân lực quản lý, vận hành hệ thống mỏng, nên việc bố trí lực lượng tuần tra, bảo vệ hệ thống tuyến ống, đồng hồ khách hàng, cũng như trong việc phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố cũng khá bất cập.

Tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà hệ thống đường ống được dẫn đến các hộ nhưng nhiều hộ lại không có nhu cầu sử dụng nước máy mà vẫn sử dụng nước giếng khoan.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước còn thấp hơn so với nhu cầu thực tế, người dân vẫn sử dụng kết hợp nước giếng khoan và nước máy. Đối với khu vực miền Đông thời gian tới chúng tôi tiếp tục khắc phục những tồn tại, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông; đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị có năng lực để quản lý trạm cấp nước có hiệu quả hơn.

Vẫn biết việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn nói riêng là rất khó khăn và tốn kém. Trong khi người dân ở vùng sâu, vùng xa có nơi vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt hàng ngày, thì các công trình cung cấp nước sạch do Nhà nước đầu tư xây dựng lại chưa phát huy hết tác dụng, hiệu quả. Ðây là một nghịch lý mà cử tri nhiều địa phương kiến nghị. Mong rằng các cấp, ngành hữu quan sớm triển khai biện pháp khắc phục tình trạng này để cung cấp nước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật