Tìm nhà cho người vô gia cư

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi tiếp nhận bệnh nhân vô gia cư, các bệnh viện chữa trị và miễn viện phí hoặc tìm nguồn hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân. Ngoài ra, khi bệnh nhân bình phục, với nhiều trường hợp, bệnh viện lại đi xác minh hoặc tìm chỗ ở cho họ sau khi xuất viện.
Tìm nhà cho người vô gia cư
Một người đàn ông được mạnh thường quân và bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hỗ trợ viện phí và tìm nơi ở sau khi xuất viện. Ảnh: Bích Nhàn

Xem Video: Cắt tóc miễn phí và tặng quà tết cho những người vô gia cư

* Tìm nơi nương tựa cho người vô gia cư

Khi nhắc đến trường hợp đặc biệt nhất về các trẻ bị bỏ rơi điều trị tại Khoa Hồi sức sơ sinh bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các y, bác sĩ không thể quên trường hợp của bé L. (tên do các y, bác sĩ đặt). Bé L. đặc biệt vì có nhiều cái nhất: bé bị nhiễm HIV nhỏ tuổi nhất; ở lại khoa thời gian lâu nhất và khó tìm nơi ở cho bé nhất.

Quay ngược thời gian vào tháng đầu năm 2018, một người dân đã nhặt được bé L. ở ven đường và đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi đó, các y, bác sĩ của bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chỉ ước chừng bé được 2 tuần tuổi và không có bất cứ thông tin gì thêm. Do bị bỏ ở lề đường, bé L. mất nước, người teo tóp do không được bú sữa, nhiễm trùng. Các y, bác sĩ đã tiến hành tiêm kháng sinh, truyền dịch và tầm soát HIV.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Phương, làm việc tại Khoa Hồi sức sơ sinh đã hơn 5 năm, cũng là người chăm sóc bé L. khi bé mới vào viện cho biết: “Suốt 2 tháng đầu, tôi chăm sóc bé liên tục. Sau đó, khoa cắt cử mỗi điều dưỡng chăm bé 1 tháng. Bé rất ngoan và dễ thương”.

Theo thủ tục, các bé bị bỏ rơi, bệnh viện sẽ thông báo về địa phương (nơi bé sinh ra và được người dân đưa vào viện khai). Trong vòng 1 tháng nếu không nhận được sự phản hồi, bệnh viện sẽ chuyển trẻ qua trung tâm bảo trợ trẻ em hay cô nhi viện. Tuy nhiên, khi ấy, bé L. đã hơn 8 tháng tuổi, không có bất cứ thông tin gì nên bệnh viện không thể báo về địa phương. Vì vậy, bệnh viện đã liên hệ với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức. TP.HCM) để nơi này đón nhận bé.

Điều dưỡng Vũ Thị Ơn, Phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, trường hợp như bé L. là khá hiếm gặp. bệnh viện đã làm giấy khai sinh cho bé. Còn việc tìm nơi tiếp nhận bé là cả vấn đề do bé bị nhiễm HIV. “Những bé bị bỏ rơi thường rất “biết phận” nên khá ngoan. Chính vì vậy, các y, bác sĩ lại càng thương các bé hơn. Những trẻ đa dị tật hay nhiễm HIV thường không có hoặc rất hiếm gia đình nhận nuôi bé. Nhưng may mắn, chúng tôi đã tìm được “nhà mới” cho bé L. sau nhiều tháng tìm kiếm” - điều dưỡng Ơn chia sẻ.

Không chỉ có bé L., phòng công tác xã hội của nhiều bệnh viện cũng đã “tìm nhà” cho nhiều người không có nơi ở sau khi nhập viện chữa trị. Cách đây vài tháng, anh Trần Hữu Phát, Phòng Công tác xã hội bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh đã thành công trong việc tìm nơi ở những ngày gần cuối đời cho một bệnh nhân 40 tuổi là cô N.T.T. , một người vô gia cư. Cuối tháng 4-2020, cô T. phải nhập viện trong tình trạng c‌ơ th‌ể suy kiệt, nhiều bệnh như liệt, ung thư và tâm thần nhẹ.

“Thời điểm đó, dịch Covid-19 đang phức tạp nên việc tìm nơi ở cho cô T. không dễ dàng. Hơn nữa, cô T. đã bị yếu liệt nên người nhận nuôi phải chăm sóc hoàn toàn từ việc cho ăn đến vệ sinh cá nhân. Đây là “bài toán khó”. Tôi đã tìm đến Tịnh xá Ngọc Xuân (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) để gửi cô T. Ở đây, tịnh xá luôn có người chăm sóc cho cô T.” - anh Phát cho hay.

Cũng là người vô gia cư và không giấy tờ tùy thân, bà Phan Thị Kim V., 62 tuổi, được bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chuyển qua BVĐK Đồng Nai điều trị viêm phổi. Suốt những ngày nằm viện, bà V. không có bất kỳ người thân nào đến thăm hay chăm sóc. Mọi sinh hoạt của bà đều nhờ vào y, bác sĩ. Sau hơn 1 tháng chữa trị, viện phí của bà lên đến gần 70 triệu đồng. “bệnh nhân chắc chắn là nghèo nên bệnh viện vừa lấy nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo 50 triệu đồng của Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), vừa miễn phí từ quỹ của bệnh viện. Dù vậy, khi được xuất viện, bệnh nhân lại không có nơi để về” - ThS Nguyễn Như Giao, Trưởng phòng Công tác xã hội BVĐK Đồng Nai cho biết. bệnh viện đã phối hợp với UBND P.Tam Hòa để đưa bệnh nhân đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để bà V. tiếp tục cuộc sống.

* Hết lòng với bệnh nhân vô gia cư

Theo anh Trần Hữu Phát, người làm công tác xã hội thường gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo, vô gia cư. Trước tiên, cán bộ công tác xã hội phải bình tĩnh để xác minh thông tin vì không phải ai cũng nói đúng sự thật. Anh Phát thường xác minh thông tin từ những người ở chung hoặc đi theo chăm sóc người bệnh rồi liên hệ công an phường (nơi bệnh nhân đang sống) để tìm hiểu thêm thông tin. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc xác minh thông tin không hề dễ dàng khi bệnh nhân vào viện không có giấy tờ, không người thân. “Những lúc ấy, tôi phải tìm bằng được nơi họ đã từng đến ở trước đây để xác nhận là vô gia cư. Sau đó, chúng tôi mới liên hệ chính quyền địa phương để tiếp nhận rồi tìm nơi ở mới cho bệnh nhân sau khi chữa trị ổn định” - anh Phát cho hay.

Chị Như Giao cho biết, hiện tại BVĐK Đồng Nai có 3 nguồn quỹ chính giúp đỡ bệnh nhân nghèo: quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư; quỹ bệnh nhân nghèo của tỉnh; quỹ của Sonadezi. Các quỹ này đều có tiêu chí và mức hỗ trợ cho mỗi trường hợp cụ thể.

Ngoài các nguồn quỹ trên, bệnh viện vẫn vận động các mạnh thường quân khác hỗ trợ cho bệnh nhân vì lượng bệnh nhân nghèo, lang thang, vô gia cư cần hỗ trợ tại bệnh viện là khá lớn. Khi ước tính được số tiền viện phí lớn, cần huy động nhiều nguồn quỹ, bệnh viện sẽ chủ động vận động từ nhiều nguồn để giúp bệnh nhân. “Không chỉ hỗ trợ viện phí, chúng tôi còn hỗ trợ cả tiền ăn (suất ăn bệnh lý), tiền tã… Sau khi chữa khỏi bệnh, chúng tôi sẽ tìm các trung tâm dưỡng lão, hoặc liên hệ với chính quyền địa phương để đưa họ vào ở tại các cơ sở bảo trợ xã hội” - chị Như Giao cho hay.

Dù vậy, cũng theo chị Như Giao, các trung tâm xã hội thường nhận những trường hợp có thể tự sinh hoạt. Còn những trường hợp không tự chăm sóc cá nhân được, bệnh viện phải chăm lo cho đến khi tìm được nơi ở cho họ và quá trình đó không phải một sớm, một chiều. Việc tìm nhà cho bệnh nhân sau điều trị (thường là các nhà chùa, nhà thờ…) cũng không đơn giản vì còn tùy thuộc vào tình hình của mỗi cơ sở. Những nơi đó hoạt động thường dựa vào sự đóng góp của các mạnh thường quân là chính.

Chị Như Giao tâm sự: “Có nhiều lần, các mái ấm cũng quá đông người đến ở nên họ không thể nhận ngay. Chúng tôi gọi điện hằng tuần để “canh” khi nào có giường, phòng trống là xin cho bệnh nhân đến ở. Tìm được “nhà” cho họ, chúng tôi mới thực sự yên tâm”.         

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật