Bắc Ninh: Nỗ lực bảo tồn dòng tranh quý

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới đây về thăm làng Mái-Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành), thấy bà con địa phương râm ran niềm vui mừng vì một Trung tâm bảo tồn tranh quy mô bề thế sắp hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Bắc Ninh: Nỗ lực bảo tồn dòng tranh quý
Du khách tham quan Đình Tranh

Công trình tọa lạc trên nền đất năm xưa chợ Tranh vẫn họp, đối diện với di tích đình Tranh cổ kính. Với không gian này, công chúng yêu mến di sản, nhất là người dân Đông Hồ đang thắp sáng niềm hi vọng vào một ngày không xa những phiên chợ tranh rực rỡ sẽ lại tấp nập, giống như thuở nào thi sĩ Đoàn Văn Cừ từng miêu tả -“

Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ có tổng diện tích hơn 19 nghìn m2,  được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, bố cục đăng đối theo trục thần đạo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Công trình gồm khu nhà chính 7 gian, một tầng, mái đao là không gian trưng bày triển lãm; hai bên là hai ngôi nhà 5 gian làm không gian chế tác, trải nghiệm và dịch vụ. Bên cạnh đó còn có các hạng mục khác như hồ nước, chòi nghỉ, nhà thường trực, nhà vệ sinh, tường rào… Đây là dự án do UBND tỉnh đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12-2020. Nghĩa là chỉ một thời gian ngắn nữa, Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ sẽ được đưa vào vận hành.


Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang khẩn trương triển khai các phương án trưng bày nội thất, tạo không gian cảnh quan, đồng thời tham mưu cơ chế để vận hành, phát huy hiệu quả công trình. Nếu vận hành tốt, kết nối, phát huy được trách nhiệm của cộng đồng, để các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản thực sự trở thành “linh hồn” của khu bảo tồn thì nơi đây không chỉ là địa điểm tổ chức các hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn về di sản và là không gian để các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ sau mà còn như một bảo tàng thu nhỏ, tái hiện sinh động nghề làm tranh điệp độc đáo của làng Mái-Đông Hồ, bởi ngoài chức năng triển lãm trưng bày, giới thiệu quảng bá, du khách tới đây còn có không gian để tìm hiểu và trải nghiệm thực hành quy trình làm tranh dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân...

Đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ góp phầnthiết thực bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghề làm tranh độc đáo, đặc sắc của làng Mái-Đông Hồ

Thực tiễn cho thấy, nếu Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tích hợp được các ứng dụng công nghệ thông minh, hiện đại sẽ tạo ra sức hấp dẫn, vừa phát huy vẻ đẹp kiến trúc công trình, xứng đáng với giá trị đầu tư, vừa phục vụ tốt nhu cầu của đa dạng đối tượng du khách, nhất là giới trẻ và khách quốc tế. Theo TS. Dương Viết Huy, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Song song với bảo tồn cách thức sản xuất thủ công truyền thống cần phải ứng dụng thành tựu của công nghệ để thiết lập “Bảo tàng ảo” về dòng tranh Đông Hồ bao gồm các ứng dụng công nghệ về quản trị với nhiều dạng dữ liệu như: Văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, ảnh 3D, video 3D, mô phỏng 3D... các phần mềm hỗ trợ hiển thị dữ liệu và tương tác với người sử dụng qua internet. Đó là một sự kết hợp hài hòa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn vừa phát huy giá trị di sản vừa bắt nhịp với xu hướng xã hội hiện đại.

Vượt thời gian từ buổi bình minh, tranh dân gian Đông Hồ chứng tỏ có sức sống mãnh liệt, kinh qua mọi thăng trầm để tồn tại đến ngày nay. Dẫu không còn phát triển hưng thịnh như xưa nhưng dòng tranh điệp vẫn ngấm trong huyết quản người Đông Hồ như một niềm tự hào. Bao thăng trầm lịch sử đi qua đời người đều hiện lên trong mỗi bức tranh quê hồn nhiên mà trân quý...
Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, làm nên giá trị và sự lôi cuốn của những bức tranh Đông Hồ, ngoài chất liệu, màu sắc từ thiên nhiên còn bởi có nội dung đa dạng phong phú, sâu sắc, giàu triết lý. Với cách phối màu độc đáo, phương pháp in nét, in mảng đặc trưng, các nghệ nhân Đông Hồ chẳng những vẽ ra tiếng nói từ tâm hồn bằng màu sắc mà mỗi bức tranh còn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự với sự kết hợp hài hòa của thi họa quấn quýt cùng nhau. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để hiểu tại sao tranh dân gian Đông Hồ không chỉ có sức sống bền lâu qua hàng trăm thế hệ người dân Việt Nam mà còn có sức hút đặc biệt đối với du khách quốc tế.

Năm 2012, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được Nhà nước đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đang được đệ trình hồ sơ lên tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc-UNESCO để đưa vào Danh mục di sản văn hóa thế giới.
Hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ cũng đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực hội họa, điêu khắc, gốm sứ, thời trang. Các nhà thiết kế tận dụng sự phổ biến của tranh Đông Hồ, khéo léo kết hợp với hình ảnh mang hơi thở hiện đại để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đậm bản sắc dân tộc. Hình tượng trong tranh Đông Hồ xuất hiện ngày càng nhiều trên những dự án quảng cáo, áp phích thương mại hay ứng dụng trên trang phục, đồ sinh hoạt, đồ lưu niệm, nội thất, quà tặng... Như vậy, dòng tranh điệp làng Mái chẳng những không mai một mà còn chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong đời sống đương đại, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng cho ngành công nghiệp sáng tạo.


Các bậc cao niên ở Đông Hồ bảo rằng: “Làm quan có bốn lọng vàng. Không bằng ngày Tết về làng bán tranh!” Trước đây, vào thời kỳ phát triển rực rỡ của nghề tranh, cứ đến tháng Chạp là cả khu đình làng rực rỡ sắc màu. Tranh trải trên chiếu, tranh vắt trên tường, tranh treo trên dây... Khách từ khắp nơi đổ về mua tranh, trên bến dưới sông tấp nập những con thuyền nối đuôi nhau đến “ăn tranh”. Hàng vạn tờ, hàng trăm kiện tranh chất chồng, theo những con thuyền rong ruổi từ Bắc vào Nam... Ngay cả Tết năm Ất Dậu 1945, giữa lúc nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp nơi, chợ tranh làng Đông Hồ vẫn tấp nập. Nhưng cũng từ đó đến nay, chợ tranh chưa một lần được mở lại...


Hi vọng, trong tương lai gần, cùng với sự đầu tư, vào cuộc của các cấp, các ngành và lòng yêu nghề, tâm huyết giữ gìn di sản của các nghệ nhân, làng tranh Đông Hồ sẽ sớm tìm lại được vị trí vốn có của mình, ngày càng phát triển, làm giàu đẹp thêm nền văn hoá đậm bản sắc của quê hương, dân tộc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật