Đèn thông minh dùng kết nối Bluetooth Mesh

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lumi SmartLighting là một trong những hệ thống đèn thông minh đầu tiên sử dụng chuẩn kết nối nhà thông minh Bluetooth Mesh.
Đèn thông minh dùng kết nối Bluetooth Mesh
Ảnh minh họa

Trong khi Zigbee - chuẩn kết nối phổ biến nhất với các thiết bị nhà thông minh có từ năm 1998, Bluetooth Mesh mới ra mắt từ năm 2017 và được thương mại hóa nhiều trong khoảng một năm trở lại đây. So với chuẩn cũ, Bluetooth Mesh có một số ưu điểm, như cho phép điều khiển trực tiếp từ điện thoại, ít nhiễu và đặc biệt là khả năng truyền tín hiệu giữa các thiết bị con (giống Wi-Fi Mesh). Điều này cho phép người dùng thiết lập mạng với số thiết bị lớn, độ phủ cao và ổn định.

Bluetooth Mesh hiện được dùng nhiều nhất với hệ thống đèn thông minh, do phù hợp với nhu cầu sử dụng mạng đèn trong công sở, gia đình.

Trước khi ra mắt hệ thống đèn thông minh, Lumi chủ yếu sản xuất công tắc, ổ cắm thông minh, cảm biến chuyển động, mô-tơ rèm. Loạt sản phẩm về đèn Smart Lighting bao gồm đèn trần downlight, đèn chiếu sáng tranh spotlight, dây LED và đèn tấm panel. Tất cả đều tích hợp một chip điều khiển Bluetooth Mesh.

Bộ điều khiển trung tâm (HC) tương tự thế hệ cũ của hãng nhưng có thêm kết nối Bluetooth Mesh, bên cạnh Zigbee và Wi-Fi. Thông qua HC, các trạng thái của thiết bị sẽ được đồng bộ lên máy chủ, người dùng có thể điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh do Bluetooth Mesh không thể tự kết nối Internet như Wi-Fi.

Thiết kế của Lumi HC phiên bản mới khá gọn nhẹ, cắm trực tiếp vào ổ điện 220V.

Ngoài kết nối Wi-Fi đến bộ phát để gửi dữ liệu qua Internet, Lumi HC có thêm một cổng LAN để đảm bảo kết nối ổn định. Các bộ điều khiển trung tâm như của Xiaomi, Tuya hay Broadlink đều chỉ có lựa chọn kết nối qua Wi-Fi băng tần 2,4 GHz.

Đèn spotlight xoay góc của Lumi sử dụng mạch điều khiển rời, dễ thay thế khi cần thiết hơn so với các loại đèn được tích hợp tất cả trong một như của Phillips hay Yeelight. Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và có hai phiên bản 8 W, 12 W - giá tương ứng 1,1 và 1,4 triệu đồng.

Đèn downlight tích hợp chip Bluetooth Mesh cũng đưa mạch điều khiển tách rời so với thân đèn. Hai phiên bản công suất 7 W và 12 W có giá 570.000 đồng và 750.000 đồng.

Các mẫu đèn spotlight có tản nhiệt bằng kim loại với kiểu dáng không khác nhiều các mẫu đèn thông thường. Với một bộ điều khiển trung tâm Lumi HC, người dùng có thể kết nối đồng bộ khoảng 300 thiết bị cùng lúc khi sử dụng cả Zigbee và Bluetooth Mesh.

Lumi cũng giới thiệu module với hai cổng vào ra và bộ dimmer 5 kênh cùng kiểu dáng sử dụng công nghệ Bluetooth Mesh với giá khoảng hơn 700.000 đồng.

Các hệ đèn đều có thể thay đổi cường độ ánh sáng, màu sắc (với một số phiên bản hỗ trợ đèn RGB) và nhiệt độ màu qua ứng dụng trên điện thoại. Do có bộ điều khiển trung tâm, người dùng có thể tạo các ngữ cảnh điều khiển từng bóng đèn riêng biệt, thay đổi nhiệt độ màu theo thời gian trong ngày và nhu cầu sử dụng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật