Lạnh người câu chuyện tâm linh phía sau bản rap “Bắc Kim Thang” của Ricky Star tại “Rap Việt”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ricky Star đã mang đến cho khán giả màn trình diễn “nổi da gà“ theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen trên nền bài đồng dao “Bắc Kim Thang“.
Lạnh người câu chuyện tâm linh phía sau bản rap “Bắc Kim Thang” của Ricky Star tại “Rap Việt”
Ảnh minh họa

Tối 8/8, tập 2 của "Rap Việt" tiếp tục lên sóng với những màn trình diễn của Tage, R.I.C, AK49,... và tất nhiên không thể không nhắc đến Ricky Star. Với trang phục đậm chất miền quê Nam Bộ với áo bà ba trắng, khăn rằn, tay cầm một ngọn đèn dầu leo lét, chàng rapper từng góp giọng trong ca khúc "Sao Anh Chưa Về Nhà" khiến khán giả không khỏi "lạnh sống lưng" khi mang đến màn trình diễn trên nền bài đồng dao "Bắc Kim Thang" nhuốm màu ma mị.

Khiến khán giả "rét run" về hình thức trình diễn đã đành, ngay cả ở trong lời hát của Ricky Star, khi nghe kĩ, cũng làm chúng ta "lạnh người".

Để có thể biết được nội dung khá "rùng rợn" mà Ricky Star đã truyền tải qua bản rap "Bắc Kim Thang", trước hết phải biết được câu chuyện cổ tích đằng sau bài đồng dao quen thuộc.

Bài đồng dao "Bắc Kim Thang" thì gần như bất kì ai cũng thuộc nằm lòng bởi vì ca khúc đã gắn bó với quá nhiều thế hệ. Tuy nhiên, có vẻ như không phải ai cũng biết câu chuyện li kì ẩn đằng sau lời đồng dao có vẻ ngây ngô và tinh nghịch này. Đúng như câu rap mở đầu mà Ricky Star đã sử dụng: "Câu hát cũ nhưng khi nghe lại thì như buộc thắt tim gan".

Câu chuyện đằng sau "Bắc Kim Thang" có rất nhiều dị bản, tuy nhiên, đây vẫn là phiên bản được chia sẻ rộng rãi nhất.

"Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng.

Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau.

Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bán ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.

Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bán ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẫy của con người.

Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bán ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.

Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bán ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bán ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai.

Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bán ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.

Ban đầu anh bán ếch đem cớ sự nói anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ.

Theo lời le le và bìm bịp, anh bán ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.

Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say xỉn nhiều ngày liền nên anh bán ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ.

Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bán ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay.

Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan."

Ricky Star cũng đã kể hết toàn bộ câu chuyện cổ tích đằng sau bài đồng dao "Bắc Kim Thang", tất nhiên với một phong cách rap có ngôn từ giàu sức biểu cảm: "Tước đi ánh sáng, chú bán dầu rơi vào đêm tàn". Đây cũng là một hình tượng rất hay của Ricky Star vì chú bán dầu chính là người bán dầu để thắp đèn ngày xưa, việc mô tả cái chết của chú bán dầu là "tước đi ánh sáng" có sự liên tưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của chú bán dầu.

"Kết cục người đi ngang qua đây chỉ để lại xác thịt - Mắt buồn, người ở lại làm chi giữa cuộc đời bất hạnh" - hai câu rap chất đầy nỗi đau thương của người ở lại trước sự ra đi của người bạn thân. 

"Ai chờ ai đến mười hai giờ đêm, tay chân lạnh toát nằm bên bờ kênh" chính là ám chỉ việc chú bán ếch chờ đợi chú bán dầu đi mãi không thấy về trong khi chú đã bị con ma bắt đi và chết ở bên bờ kênh.

Không chỉ dừng lại ở mặt nội dung câu chữ, mà một số hình tượng, địa danh, tập tục truyền thống của ông cha ta ngày trước cũng được Ricky Star khéo léo vận dụng trong bản rap của mình. "Âm binh sẽ trở về vào tháng Bảy" ý chỉ theo quan niệm dân gian vào mỗi tháng Bảy âm lịch thì Quỷ Môn quan (cửa Địa Ngục) sẽ mở, và các vong hồn sẽ tràn về dương thế. Đây được xem là một tháng có nhiều "âm khí", cần phải cẩn thận trong mọi việc. Đây cũng là tháng trong quan niệm Phật giáo là dịp lễ Vu Lan, xá tội vong nhân, ở các chùa sẽ tổ chức những trai đàn, lễ cầu siêu để cầu nguyện cho những người đã khuất.

Tháng Bảy âm lịch là thời điểm mang nặng màu sắc tâm linh truyền thống theo quan niệm dân gian.

"Nổi tiếng miền Tây chính là Châu Đốc, An Giang, Thất Sơn Bảy Núi trấn giữ linh hồn lang thang" - câu rap của Ricky Star nhắc đến một địa danh tâm linh nổi tiếng ở Việt Nam: vùng Châu Đốc và Thất Sơn ở An Giang. Với Châu Đốc, đây là một nơi vô cùng linh thiêng vì có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam nổi tiếng, thu hút tín đồ thập phương về chiêm bái, cầu may mắn và "xin Lộc Bà". 

Miếu Bà Chúa Xứ nức tiếng linh thiêng.

Còn vùng Thất Sơn từ trước đến nay luôn nhuốm màu huyền bí với hàng loạt các truyền thuyết dân gian được kể từ đời này sang đời khác. Thất Sơn hay được nhắc đến trong dân gian là vùng đất nổi tiếng là nơi "tu luyện" của các "thầy pháp", đồng thời còn là nơi cự ngụ của đông đảo đồng bào dân tộc Khmer, tất cả đã tạo nên cho vùng đất này một bầu không khí huyền hoặc và đầy bí ẩn.

Vùng Thất Sơn ở An Giang.

Ricky Star là cái tên không còn quá xa lạ trong giới Rap Việt. Anh chàng là một rapper chuyên nghiệp kiêm nhà sản xuất âm nhạc. Năm 2017, Ricky Star tham gia chương trình "Người Bí Ẩn" và còn là khách mời của ca sĩ Thiều Bảo Trâm trong chương trình "The Remix" mùa 3. Anh chàng cũng chính là người thể hiện ca khúc chủ đề của "Người Ấy Là Ai" - show truyền hình ăn khách nhất nhì Việt Nam hiện nay.

"Sao Anh Chưa Về Nhà" là sản phẩm âm nhạc đánh dấu màn hợp tác lần đầu tiên giữa AMEE và Ricky Star. Sau khi lên sóng, ca khúc này đã nhanh chóng tạo hiệu ứng mạnh mẽ và được chia sẻ "rần rần" trên mạng xã hội. Ricky cũng chính là anh chàng rapper của câu rap gây bão "Cho hỏi là mấy giờ rồi vậy cà anh taxi à anh taxi ơi...", thậm chí có độ viral lấn lướt cả ca khúc chính "Sao Anh Chưa Về Nhà".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật