Nam Phi tiếp tục đứng đầu về chỉ số các thị trường tài chính châu Phi năm 2020

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Báo cáo “Chỉ số các thị trường tài chính châu Phi” thường niên năm 2020 cho thấy Nam Phi là quốc gia châu Phi có quy định tốt nhất, thị trường lớn nhất và thanh khoản cao nhất.
Nam Phi tiếp tục đứng đầu về chỉ số các thị trường tài chính châu Phi năm 2020
Ảnh minh họa

Diễn đàn Các định chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) phối hợp với Absa – một trong bốn ngân hàng lớn nhất Nam Phi, mới đây đã công bố báo cáo “Chỉ số các thị trường tài chính châu Phi” thường niên năm 2020 cho thấy Nam Phi là quốc gia châu Phi có quy định tốt nhất, thị trường lớn nhất và thanh khoản cao nhất, khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và khả năng tiếp cận tốt nhất với vốn đầu tư và ngoại hối, trong khi phần lớn những nước châu Phi được khảo sát có thị trường tài chính bị tụt hậu hoặc đang xấu đi.

Nam Phi tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số thị trường tài chính các quốc gia châu Phi với 89 điểm (trên thang điểm 100, điểm số càng cao cho thấy mức độ hiện đại, mạnh mẽ và minh bạch của thị trường tài chính quốc gia), tiếp theo là Mauritius với 79 điểm, Nigeria 65 điểm, Botswana 63 điểm và Namibia 61 điểm.

Hơn một nửa trong số 20 quốc gia đo lường trong cả hai năm 2019-2020 có các chỉ số cho thấy tình trạng thị trường tài chính đang xấu đi và nhiều nền kinh tế châu Phi có chỉ số xếp hạng thấp như Ethiopia chỉ đạt 27 điểm (thấp nhất trong số nhóm nước được khảo sát), Angola 30 và Malawi 37.

Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Absa Daniel Mminele cho rằng kể từ khi ra mắt vào năm 2017, chỉ số này đã trở thành một công cụ tham chiếu chính được các nhà hoạch định chính sách và những người tham gia thị trường sử dụng nhằm thúc đẩy đầu tư và hướng tới xây dựng các thị trường tài chính vững mạnh ở châu Phi.

Theo CEO Mminele, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến triển vọng ở hầu hết các thị trường vẫn không chắc chắn, rủi ro giảm giá tiếp tục hiện hữu và châu Phi dự kiến sẽ trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng đầu tiên kể từ năm 1992, gây áp lực lên tài chính công và làm xói mòn những tiến bộ mà nhiều quốc gia đã đạt được đối với các mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững.

Thị trường tài chính châu Phi đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi nỗ lực liên tục từ các bên liên quan và sự hợp tác kinh tế khu vực nhằm duy trì sự ổn định và lấy lại niềm tin.

Nghiên cứu cho thấy mặc dù điểm trung bình thấp hiện thấp hơn năm 2019, nhưng nhiều thị trường đã có sự cải thiện với khung pháp lý mạnh mẽ hơn và năng lực nhà đầu tư địa phương ngày càng tăng.

Khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào năm 2017, chỉ có ba trong số 17 quốc gia đạt điểm trên 50, so với 11 trong số 23 quốc gia khảo sát năm 2020 đạt điểm trên 50.

Các quốc gia có vị thế được cải thiện nhiều nhất so với năm ngoái là Ghana, Morocco và Seychelles.


“Chỉ số các thị trường tài chính châu Phi” đo lường trạng thái và sự phát triển của thị trường tài chính ở một quốc gia dựa trên 6 danh mục hoặc trụ cột chính với hơn 40 chỉ số nhằm làm sáng tỏ sức hấp dẫn của thị trường vốn châu Phi đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và quản lý tài sản trên khắp thế giới. Sáu trụ cột chính gồm độ sâu thị trường; tiếp cận ngoại hối; sự minh bạch của thị trường, thuế và môi trường pháp lý; năng lực của các nhà đầu tư địa phương; cơ hội kinh tế vĩ mô; tính hợp pháp và khả năng thực thi của các thỏa thuận tổng thể về thị trường tài chính tiêu chuẩn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật