Tủ bánh mì tình thương không bao giờ ‘ế’, mỗi ngày phát hơn 200 ổ giúp người nghèo khó

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tủ bánh mì được đặt ngay ngắn trên vỉa hè cạnh thùng trà đá, ai cũng có thể tự lấy cho mình một phần lúc đói bụng, nhỡ bữa.
Tủ bánh mì tình thương không bao giờ ‘ế’, mỗi ngày phát hơn 200 ổ giúp người nghèo khó
Tủ bánh tình thương đặt ngay ngắn bên đường Tân Hương làm nhiều người chú ý

Clip: Chị Ngọc Loan kể về cơ duyên làm tủ bánh mì tình thương

Hơn 2 tháng nay, trên con đường Tân Hương (Quận Tân Phú, TP.HCM) xuất hiện một tủ bánh mì miễn phí cho những người nghèo do chị Phạm Ngọc Loan mở.

Tủ bánh mì không bao giờ ’ế’

Sau hơn 2 năm mở thùng trà đá miễn phí, chứng kiến nhiều cảnh đời thiếu ăn thiếu mặc, chị Loan ấp ủ cho mình một dự án giúp đỡ những bữa ăn cho người nghèo. Trước đây, chị thường tặng cho mọi người gạo, mì gói với gia vị nhưng rồi nhận ra có nhiều người không có điều kiện để nấu vì nhiều người sống vô gia cư.

Vậy là chị nghĩ đến bánh mì, một món ăn không cần nấu mà vẫn đủ để mọi người ấm bụng. Nghĩ là làm, chị mở ngay một tủ bánh tình thương. Đều đặn mỗi ngày, chị mua bánh mì để vào tủ và đặt kèm bên trên sữa đặc với nước tương cho mọi người ăn đỡ ngán.

Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến để ’lót dạ’ trong cơn đói

Ngày đầu tiên, chị Loan chỉ mua 50 ổ bánh mì vì sợ người ta không biết để ghé lấy. Thế nhưng, không ngờ 50 ổ bánh mì hết rất nhanh chóng. Càng ngày, tủ bánh mì tình thương càng được đón nhận nhiều hơn. Từ 50 ổ bánh ban đầu, giờ đây đã tăng lên 200 ổ bánh mì mỗi ngày.

Sợ mọi người ngại không dám đến lấy bánh khi thấy mình ở ngoài, chị Loan tinh ý chỉ ở trong nhà quan sát qua camera. Khi thấy hết đồ ăn thức uống hay có người cần hỗ trợ chị mới ra ngoài để giúp đỡ. ’Chứng kiến mọi người tới ăn bánh mì rồi uống trà đá của mình, tôi thấy rất hạnh phúc và ấm lòng’ - chị Loan bộc bạch.

Nhìn những nụ cười của người được giúp đỡ, chị Loan càng quyết tâm duy trì tủ bánh

Nhiều người chỉ lấy đúng 1 ổ bánh, không có tình trạng chen lấn, lấy nhiều rồi bỏ

Để duy trì được tủ bánh tình thương, mỗi tháng chị Loan phải tốn ít nhất là 3 - 4 triệu đồng để mua bánh mì, sữa và nước tương. Ngoài ra nhiều bạn bè của chị hay những mạnh thường quân cũng biết đến tủ bánh và góp vốn ủng hộ.

’Thay vì ăn sáng bằng tô hủ tiếu hay ly cà phê, tôi chỉ cần bớt lại là đã có thể giúp thêm nhiều người cũng có bữa sáng như mình. Bớt đi một bữa ăn nhưng tôi có thể giúp người khác bớt đi gánh nặng mưu sinh. Vì yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi’ - chị Loan chia sẻ.

Nhiều người vẫn đội mưa đến để nhận giúp đỡ

Không chỉ dừng lại ở những ổ bánh mì không, nhiều hôm, tủ bánh của chị Loan còn có thêm cơm, thêm sữa, thêm những ổ bánh mì thịt do những mạnh thường quân khác giúp đỡ. Đặc biệt, dù là phần quà gì khi tới với chị Loan thì cũng không bao giờ bị ’ế’.

Làm từ thiện từ cái tâm

Ngoài tủ bánh mì tình thương và trà đá miễn phí hằng ngày, chị Loan còn tham gia vào rất nhiều các hoạt động từ thiện ở cả TP.HCM và các tỉnh thành khác như: phát cháo ở bệnh viện Nhi đồng, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn ở Bình Phước,...

Chị Loan cũng thường cùng bạn bè góp tiền để phát cơm, phát sữa từ thiện vào dịp lễ, rằm, ngày nghỉ

’Tôi thường không quan tâm tới những bình luận trái chiều của cư dân mạng rằng đang làm từ thiện để PR cho công việc kinh doanh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là bản thân đã rất may mắn hơn người khác khi không phải tần tảo nắng mưa như những người khó khăn. Mình có để giúp người khác còn tốt hơn là chờ để người khác giúp mình’ - chị Loan chia sẻ.

’Làm thiện nguyện thực ra cũng khổ lắm. Vừa áp lực từ phía mạnh thường quân khi liên quan tới vấn đề tiền bạc vừa áp lực cả phía những người được giúp khi họ đặt hy vọng vào tôi quá nhiều là có thể giúp họ thoát khỏi khó khăn’ - chị Loan kể.

Mặc kệ dư luận trái chiều và nhiều lần bị ném đá, chị Loan vẫn quyết tâm làm thiện nguyện, giúp đỡ người kém may mắn, đặc biệt là trẻ em

Trong khoảng thời gian dài làm thiện nguyện, chị Loan có nhiều kỷ niệm khó quên: ’Có người lại ăn bánh mì rồi xin thêm 5 ngàn để đi tắm ở nhà vệ sinh trong khu chợ vì đã nhiều ngày không được tắm.

Có hôm, một bác chạy xe ôm đến mà hết bánh mì, tôi cũng chạy đi mua cơm về tặng bác. Nhìn bác ăn ngon lành đến nỗi tiếc một giọt nước mắm cuối cùng tôi cũng chạnh lòng’.

Người khó khăn ghé lại tủ bánh như một ’quán quen’ để tiết kiệm tiền ăn uống, thêm được tiền sinh hoạt

Mỗi ổ bánh mì tuy không nhiều giá trị nhưng nó là cả một tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Khi được hỏi về những dự tính cho tủ bánh mì tình thương trong tương lai, chị Loan cũng chỉ cười và nói rằng: ’Khi nào còn sức, còn tiền thì tôi vẫn làm’.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật