‘Tôi không muốn em trai bị chết vai Ròm như An của Đất phương Nam’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đạo diễn Trần Thanh Huy thừa nhận việc đứa con tinh thần thực hiện ròng rã suốt 8 năm khởi chiếu trong giai đoạn hậu Covid-19 là một sự mạo hiểm.
‘Tôi không muốn em trai bị chết vai Ròm như An của Đất phương Nam’
Ảnh minh họa

Đạo diễn Trần Thanh Huy đi xe máy đến buổi hẹn với Báo vào chiều muộn. Mở ba lô, đạo diễn phim Ròm lấy chiếc điện thoại màn hình đen trắng nhận cuộc gọi từ trợ lý.

Nhìn vẻ ngoài đơn giản của Trần Thanh Huy, khó ai nghĩ rằng chàng trai sinh năm 1990 có thể thuyết phục được các nhà sản xuất nổi tiếng giao cho hơn 10 tỷ đồng để làm phim. Hơn thế, anh còn tạo được tác phẩm đầu tay đoạt giải tại Liên hoan phim Busan.

"Nếu ngoài 40 tuổi, tôi không làm được Ròm"

- Nhiều đạo diễn trẻ chọn tác phẩm đầu tay là phim thương mại để sản xuất nhanh, dễ có doanh thu. Nhưng anh lại quyết tâm thực hiện "Ròm" và phải trải qua 8 năm vất vả. Tại sao phải lựa chọn con đường khó khăn như thế?

- Tôi muốn làm điều gì đó cho tuổi trẻ của bản thân. Tôi ao ước một điều duy nhất là có thể chiếu phim Ròm ở rạp cho nhiều người xem. Tôi không nghĩ mình sẽ thẳng giải này giải kia, được kỳ vọng như thế nào. Tôi chỉ mong có cơ hội làm nghề, chơi hết mình với tuổi trẻ. Tuổi trẻ chỉ có một lần, không có lần thứ hai. Chúng ta có thể làm phim thương mại, kiếm tiền, nhưng cứ để sau này. Ở độ tuổi 40, chắc tôi không làm được Ròm đâu.

Đạo diễn Trần Thanh Huy mất 8 năm để hoàn thành và đưa Ròm ra rạp.

- Trong 8 năm làm phim, đâu là giai đoạn anh căng thẳng, suy sụp nhất?

- Giai đoạn nào với tôi và ê-kíp cũng khó khăn, căng thẳng. Hôm nay có tiền, ngày mai hết tiền, hôm nay có nắng, mai lại không có... Mọi trải nghiệm, tôi đều nhớ. Và chúng tôi luôn làm việc trong tâm thế sẵn sàng đối đầu với bất cứ thử thách nào.

Khi phim bị phạt 40 triệu đồng là thời điểm đen tối nhất đối với tôi. Sau này, đem phim đi duyệt lại là quá trình kiên trì, cố gắng để làm sao vừa giữ chất lượng, vừa có thể được trình chiếu. Tôi cảm thấy may mắn khi được nhà sản xuất Trinh Hoan cho những lời khuyên, sự động viên và kiên trì vớ dự án đến phút cuối cùng.

- Sau khi phim đưa đi kiểm duyệt, bản chiếu rạp lúc này khác bản từng tham gia Liên hoan phim Busan thế nào?

- Tôi nghĩ tôi nên giữ điều này cho riêng mình. Tôi đã cố gắng hết sức. Tôi không muốn nói về chuyện này và khiến mọi người có cảm giác tiếc nuối khi xem phim. Chỉ có thể nói rằng đây là bản phim với góc nhìn khác, dễ dàng hơn với khán giả đại chúng. Và cứ để sự tiếc nuối ấy dành cho riêng tôi.

- Liệu qua vòng kiểm duyệt, "Ròm" có bị thay đổi và giảm bớt giá trị?

- Đương nhiên có một số tình tiết tôi buộc phải cắt, một vài nhân vật phụ không thể giữ lại. Tuy nhiên, vai chính, câu chuyện chính vẫn còn đó. Và cũng hay và thú vị khi tôi giữ lại một số mấu nối để mọi người tưởng tượng, lý giải câu chuyện theo ý của riêng mình.

- Phải chăng do kiểm duyệt mà trong phim có một số chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi, như cái kết chẳng hạn?

- Một phần điều đó đến từ dụng ý của tôi. Đó là cách kể chuyện của tôi. Tôi muốn nhân vật của mình chân thực như cuộc sống đời thường. Mỗi nhân vật phụ có thể đến với nhân vật chính bất ngờ. Và họ có thể ra đi một cách rất đột ngột. Nhưng chính điều đó khiến một số nhân vật nếu bị gạt ra cũng không gây ảnh hưởng đến nhịp điệu bộ phim.

Trần Anh Khoa - em trai của đạo diễn Trần Thanh Huy - nhận được nhiều lời khen khi đóng vai Ròm.

- Vậy nhìn lại việc đánh đổi 8 năm làm phim, anh thấy có xứng đáng?

- Tôi không nghĩ đến chuyện có xứng đáng hay không. Tôi cho rằng đó là quãng thời gian thú vị. Tôi đã trải qua sự thú vị đó với những người bạn. Điều đó ý nghĩa hơn là chúng ta đi chơi ở đâu, hưởng thụ thế nào. Chúng tôi cùng nhau sáng tạo, ăn chung, ngủ chung. Tất cả tạo nên tuổi trẻ của tôi đáng nhớ. Sự phát triển của mối quan hệ bạn bè cũng trở nên gắn kết hơn.

Không những thế, bên cạnh tôi còn có nhiều cây đại thụ trong nghề hỗ trợ. Nhà sản xuất Trinh Hoan đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Thời điểm gia đình chú gặp khó khăn kinh tế vào cuối 2018, sau một buổi nói chuyện ba tiếng, tôi xin tiền đi làm âm thanh ở Pháp mà chú vẫn đồng ý.

Trên đường về, tôi đặt câu hỏi với chú: “Tại sao chú lại giúp con?”. Câu trả lời của chú khiến tôi vô cùng thấm thía: “Chú sống trong nghề này đã lâu, làm nhiều phim kiếm tiền, nhưng muốn làm bộ phim giúp thế hệ trẻ như con. Chú phải làm điều đó để trả lại cho điện ảnh Việt những gì mà mình đã nhận được”.

Cũng bởi tâm huyết của chú, tôi càng muốn Ròm có doanh thu. Khi có doanh thu, chú Trinh Hoan mới có thể giúp được nhiều đạo diễn trẻ làm phim hơn.

Bên cạnh đó, tôi còn được nhiều các đạo diễn gạo cội như Hàm Trần, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh... giúp đỡ, tư vấn. Phim Ròm và tôi thực sự may mắn khi chiếm được niềm tin của các anh trong nghề.

"Tôi không muốn em trai bị chết vai Ròm"

- Với một dự án quan trọng mang dấu ấn của tuổi trẻ, được đặt kỳ vọng mang lại doanh thu nhất định, tại sao anh chọn em trai đóng chính mà không phải một gương mặt đại chúng hơn?

- Trần Anh Khoa là một trong những phát hiện bất ngờ của tôi. Lúc đầu, khi xây dựng phim ngắn 16:30, tôi không nghĩ đến chuyện đưa Khoa vào phim. Khi các bạn diễn viên nhí khác bận, tôi mới mời em trai.

Từ ngày quay đầu tiên, tôi nhận ra Khoa là người rất có tiềm năng về diễn xuất. Tôi đặt niềm tin ở em trai. Sau khi bộ phim ngắn ra mắt, Khoa nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Đến khi bắt tay viết kịch bản phim Ròm, tôi biết chắc chắn em mình sẽ là nhân vật chính.

- Anh nhận định Khoa là diễn viên tiềm năng, nhưng tại sao lại không hướng em trai theo nghề diễn?

- Khoa thích làm quay phim hơn diễn viên. Và tôi ủng hộ, cảm thấy lựa chọn đó đúng đắn. Qua nhân vật Ròm, khán giả sẽ nhớ tới Khoa rất nhiều. Để đóng nhân vật khác, vượt qua Ròm sẽ hơi khó. Điều này gần giống như anh Hùng Thuận với Đất phương Nam. Sau này, anh hóa thân vào nhiều nhân vật khác, nhưng số đông vẫn nhớ anh là An của Đất phương Nam. Đó cũng là một phần lý do tôi không muốn Khoa tốn nhiều thời gian vào công việc diễn xuất, không muốn em trai chết vai với Ròm như bé An.

Khoa không cần học diễn viên, mà nên đi học nghề mình chưa biết. Sau này có thời gian, em tôi đóng phim cũng không sao. Mọi chuyện phụ thuộc vào niềm đam mê của Khoa, em ấy thích gì thì cứ theo đuổi con đường đó.

- Nhưng các nhà đầu tư bỏ tiền sản xuất luôn muốn diễn viên nổi tiếng đóng chính. Anh đã thuyết phục họ ra sao khi giao vai chính cho em trai?

- Các nhà sản xuất giống như thiên thần khi cho tôi đưa ra quyết định cuối cùng. Gần như lời đề nghị nào của tôi cũng được chấp thuận. Dựng đến bản thứ năm của Ròm, tôi hỏi chú Hoan rằng có thể tiếp tục được dựng không. Chú nói: “Với các bộ phim thương mại khác, sự quyết định của bộ phim không do đạo diễn mà nằm ở nhà sản xuất. Họ sẽ dựng theo hướng họ muốn và nghĩ có thể thành công. Nhưng với Ròm, mọi sự quyết định thuộc về đạo diễn".

Từ quay phim tới dựng phim, tôi luôn được quyết định. Những việc này được thống nhất ngay từ ban đầu. Thậm chí, đến bản dựng cuối cùng gửi đi kiểm duyệt, chú Hoan vẫn nói với tôi: “Huy có muốn sửa không? Nếu không, mình không chiếu”. Tôi rất biết ơn chú về chuyện đó. Hy vọng phim có doanh thu để không phụ lòng công sức mà chú đặt ra.

Thanh Tú đảm nhận một vai phụ trong phim.

- Anh thử lý giải vì sao lại được các nhà sản xuất tin tưởng, giao tiền tỷ cho mình cùng sự kiểm soát toàn bộ tác phẩm?

- Ngay cả với quá trình quảng bá, tôi vẫn tham gia và được làm những điều mình mong muốn. Tôi cũng không biết vì sao từ khi viết kịch bản, xin được tiền làm phim đến bây giờ, mọi người đều cho tôi làm điều mình muốn.

- Một điểm đặc biệt của "Ròm" là góc máy nghiêng. Nhưng kỹ thuật này từng bị chê, bị nhận xét là lỗi khi anh gửi phim tới Liên hoan phim Cannes. Vì sao anh vẫn kiên định giữ lựa chọn của mình?

- Đúng thế. Khi nghe các giám khảo của liên hoan phim lớn chê, tôi cũng lo lắng. Khi họ từ chối, tôi càng bối rối, hoang mang. Nhưng khi bình tâm, nhìn nhận sự việc, tôi quyết định không cần quan tâm người ngoài nói, chỉ cần biết ê-kíp mình muốn gì.

Tôi nghĩ mình kể một câu chuyện riêng biệt thì cũng cần tạo điều kiện cho những nhà chuyên môn được thể hiện tiếng nói riêng của họ, như quay phim, dựng phim, diễn viên, âm thanh… Tôi nghĩ đó là một trong những điểm mạnh của tác phẩm.

"Wowy có ánh mắt biết diễn"

- Được nhà sản xuất ưu ái, nhưng khi ngỏ lời mời diễn viên nổi tiếng vào một số vai diễn, liệu họ có tin tưởng một đạo diễn trẻ, chưa có tiếng như anh?

- Lúc đầu, tôi gọi điện cho cô Cát Phượng, chú Mai Trần, cảm giác họ rất khó tính. Tôi phải nhờ chú Trinh Hoan tạo sự kết nối. Họ tin tưởng chú nên mới gặp tôi. Khi trò chuyện xong, các cô chú đều đồng ý. Wowy cũng đồng ý ngay sau lần gặp đầu nói chuyện với tôi.

Đạo diễn khen Wowy có đôi mắt biểu cảm.

- Một Wowy ngầu, cá tính khi rap khác lúc trên phim trường thế nào?

- Với tôi, Wowy là anh em, là một người bạn. Anh ấy xúc động với những gì mà đoàn phim làm được. Điều đó xuất phát từ trái tim, nhiệt huyết của người nghệ sĩ. Tôi tin rằng mọi người sẽ bất ngờ trước diễn xuất của Wowy. Sau này, tôi tin anh ấy có thể diễn xuất chuyên nghiệp, bên cạnh vai trò là một rapper.

- Có phải anh mời Wowy đóng phim một phần vì có cảm tình với bài "Chạy" và sử dụng ca khúc làm nhạc phim?

- Tôi không nghĩ đến chuyện dùng Chạy làm ca khúc chủ đề trước khi mời Wowy đóng phim. Mãi sau này, tôi mới đi tới quyết định đó. Ban đầu, tôi nghe bài hát và cảm thấy có nguồn cảm hứng thôi. Do đó, việc chọn Wowy rất khách quan. Tôi mời anh ấy sau khi anh em ngồi nói chuyện 2-3 tiếng. Anh ấy có thần thái, đôi mắt biết diễn. Tôi không quan tâm tay chân, ngoại hình ra sao, chỉ quan tâm đôi mắt của diễn viên thế nào.

- Phim ra mắt vào thời điểm cả Wowy và chương trình anh ấy tham gia - Rap Việt - đang có hiệu ứng tốt. Và "Ròm" cũng được lợi?

- Có ai nghĩ phim bị dời lịch đâu. Chúng tôi làm phim 8 năm rồi. Đây là sự trùng hợp, may mắn. Wowy có thời điểm vàng để khán giả biết tới rất nhanh. Với phim Ròm, chúng tôi hoàn toàn không có chủ đích dựa vào Rap Việt để ra phim.

- Đánh giá cao khả năng diễn xuất của nam rapper, sau này, anh có tiếp tục mời Wowy đóng phim?

- Tôi đã mời anh ấy một vai cho dự án thứ hai. Với tôi, không có nhân vật nào phụ cả, chỉ có nhân vật vệ tinh, đứng xung quanh nhân vật trung tâm. Những nhân vật này sẽ kể câu chuyện của họ. Mỗi khi tôi viết vai cho diễn viên, chắc chắn họ sẽ có đất diễn.

"Đang cố thu hồi vốn"

- Cả chủ rạp lẫn các nhà phát hành đều kỳ vọng "Ròm" sẽ thay đổi thói quen khán giả xem phim ở nhà, kéo họ đến rạp sau dịch bệnh. Liệu đây có phải là trách nhiệm quá lớn?

- Ê-kíp đang cố hết sức để phim có thể đạt doanh thu nào đó, thu hồi vốn để các nhà sản xuất còn đầu tư dự án tiếp theo. Những kỳ vọng của mọi người như tiên phong, đi đầu trong việc kéo khán giả tới rạp, tôi đều không nghĩ tới. Với tôi, đưa được phim ra rạp đã là may mắn lắm rồi.

Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào doanh thu. Ròm là bộ phim đặc biệt, gần như chưa có tiền lệ ở Việt Nam về thời gian sản xuất, làm phim, phong cách kể chuyện, hành trình... Do đó, không thể đưa ra so sánh với các phim khác.

Nhưng tôi tin Ròm cũng có nhiều yếu tố thu hút. Về doanh thu, tôi vẫn luôn lo lắng. Thời điểm này, không có phim nào dám công chiếu, chỉ có Ròm. Điều này giống như điếc không sợ súng vậy.

Cát Phượng vào vai một phụ nữ ghi đề trong phim.

- Nhiều khán giả Việt hay định kiến rằng các phim tham dự liên hoan quốc tế khó xem, ít tính giải trí. Theo anh, đây có phải là bất lợi của "Ròm"?

- Khi phim khởi chiếu là ra khỏi vòng tay của đạo diễn. Và việc Ròm chiến thắng ở Liên hoan phim Busan là điểm mạnh. Tôi nghĩ tầm nhận thức và hiểu biết của khán giả Việt đã nâng cao. Họ chọn phim mà mình mong muốn được xem. Tôi coi giải thưởng như sự bảo chứng về chất lượng tác phẩm.

- Công bằng mà nói, sự quan tâm và tình cảm một phần xuất phát từ việc làm phim gian nan, chứ không hoàn toàn nằm ở bản thân tác phẩm?

- Đúng thế, kể cả những ngôi sao hàng đầu, nhiều người ở tầm ảnh hưởng trong giới đều có cảm tình với bộ phim. Cảm tình ấy của nhiều người thể hiện qua tiếng vỗ tay dài 20 phút sau buổi công chiếu tại TP.HCM. Tôi kỳ vọng mọi người theo dõi bộ phim và nhìn nhận Ròm một cách khách quan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật