Lưu giữ hồn dân tộc qua sách tranh dân gian

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc ra mắt những tác phẩm nghiên cứu về dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ góp phần lưu giữ di sản văn hóa dân tộc qua tranh, cũng như phục hồi nghề tranh.
Lưu giữ hồn dân tộc qua sách tranh dân gian
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa so sánh màu tranh thực tế với màu tranh trong sách về tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand. Ảnh: NVCC.

Hai ấn phẩm Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa và hai cộng sự Trịnh Sinh, Lê Bích thực hiện là một sự cố gắng lớn trong nỗ lực lưu giữ, phục hồi các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Trao đổi với Zing, chị Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, đại diện nhóm tác giả của hai ấn phẩm trên - cho biết cuốn Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ nằm trong dự án về 30 dòng tranh dân gian của Việt Nam, nhằm lưu giữ nét đặc sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

"Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

- Cơ duyên, động lực nào đưa chị đến với việc nghiên cứu, tìm hiểu về tranh dân gian?

- Tôi là nhà sưu tập gốm sứ, vì thích tranh dân gian nên tìm hiểu. Khi nghiên cứu các tài liệu, sách vở, thấy nhiều thứ còn thiếu, tôi quyết tâm có những ấn bản đầy đủ, chi tiết nhất có thể trong khả năng của mình.

Mục đích là đưa tranh dân gian về đúng những giá trị mà nó vốn có, để mọi người hiểu, gìn giữ giúp tranh dân gian có thể tồn tại và phát triển tốt hơn.

Trong quá trình nghiên cứu về các dòng tranh dân gian Việt Nam, hai nhà nghiên cứu người Pháp đã truyền cảm hứng cho chúng tôi là Maurice Durand và Henri Oger. Các ông là người nước ngoài, kỳ công nghiên cứu di sản quý báu của Việt Nam, thì tại sao chúng ta là lại không làm được?

Nếu không có sách của Duarand, tôi và đồng nghiệp không thể phục hồi tranh dân gian Kim Hoàng. Sách của ông ấy có khoảng 100 mẫu tranh Kim Hoàng. Khi nghiên cứu về tín ngưỡng, tranh dân gian, các nghề thủ công, không thể không tham khảo sách của Henri Oger.

- Theo chị, nét đặc sắc riêng của tranh dân gian Việt Nam là gì?

- Chính là tính dân tộc và tính lịch sử, thể hiện trong cách làm tranh, vẽ tranh, màu sắc, nội dung. Đó là tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân Việt vào những thời điểm lịch sử nhất định.

Mỗi nước đều có những sản phẩm tranh đặc trưng, khác biệt. Nhiều nước làm rất tốt việc bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công. Chẳng hạn, Ấn Độ cho các nghệ nhân tranh dân gian, hoặc nghề làm con rối biểu diễn ở các khu du lịch nổi tiếng. Tranh dân gian của Ấn Độ là tranh màu trên giấy thường, vẽ tích truyện về Hinđu giáo, hoặc sử thi Ramayana.

Tranh của Ai Cập làm bằng giấy từ cây cói (giấy papyrus) in những hình có nội dung từ quyển sách Ai Cập sinh tử kỳ thư hoặc hình ảnh các vị Pharaoh, hoàng hậu, cũng như các vị thần Ai Cập cổ đại.

Tranh dân gian Đông Hồ đa dạng về chủ đề. Ảnh: NVCC.

- Tranh dân gian thể hiện rất đa dạng, gần gũi các chủ đề về sinh hoạt xã hội, nhưng cũng thâm thúy với ẩn ý trong thông điệp truyền tải?

- Các tranh sinh hoạt xã hội của dòng tranh dân gian Đông Hồ thời Pháp thuộc là minh chứng rõ nét. Đó chính là văn hóa của dân tộc ta. Nhiều bức phản ánh sinh hoạt xã hội thời đó (như các bức Nhảy đầm, Phong tục cải lương - văn minh tiến bộ, Trai tứ khoái - gái bảy nghề... ), cũng như đả kích, phê phán những lai căng, Âu hóa dởm.

Bất kể tranh dân gian nào của Việt Nam, bên cạnh giá trị về mỹ thuật, cũng có những lớp nghĩa ẩn sâu trong nó, chứa đựng giá trị văn hóa nhất định.

- Vì sao các dòng tranh dân gian với lịch sử lâu đời, vẫn tồn tại được giữa xã hội hiện đại?

- Vì tranh dân gian có tính dân tộc. Hơn nữa, tranh dân gian có lịch sử lâu dài hàng trăm năm. Người dân có truyền thống chơi tranh vào dịp Tết hay trang trí ở các không gian thờ tự như tranh bích họa...

Bên cạnh đó, tranh dân gian còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Còn các nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh thì vẫn còn tranh dân gian. Ở đây có thể dẫn chứng đến tranh Thập vật, tranh đồ thế làng Sình, tranh thờ Hàng Trống, tranh đồ thế Trung Bộ và Nam Bộ, tranh kính Nam Bộ...

- Mỗi dòng tranh dân gian chắc chắn có điểm chung và cũng có những điểm khác biệt?

- Điểm chung dễ nhận thấy của tranh dân gian là mang tính dân tộc, được làm theo phương pháp thủ công và đều do nhân dân sáng tác. Đây là mẫu số xuyên suốt của các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Tuy nhiên, mỗi dòng tranh lại có sự khác biệt, đặc trưng cho văn hóa từng vùng miền, cũng chính là phục vụ những đối tượng khách hàng riêng biệt.

Ví dụ, cùng là tranh đồ thế, miền Bắc lại dùng tranh Thập vật trong các lễ cúng phát tấu, miền Trung và miền Nam lại không dùng. Miền Trung thì có tranh làng Sình chịu ảnh hưởng của Thiên Tiên Thánh giáo nên nội dung rất phong phú, đặc sắc. Tranh vùng Nam Trung Bộ lại có nội dung thiên về thờ cúng ghe thuyền...

Hai ấn phẩm về dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng của Nguyễn Thị Thu Hòa và các cộng sự. Ảnh: NVCC.

Sách góp phần lưu giữ, phục hồi dòng tranh dân gian

- Hiện nay, các dòng tranh dân gian đang đối mặt thuận lợi và khó khăn gì?

- Có ba dòng tranh dân gian vẫn tồn tại và duy trì là tranh dân gian Đông Hồ, tranh làng Sình và tranh kính Nam bộ. Tranh dân gian Đông Hồ được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền tỉnh Bắc Ninh nên phát triển rất tốt.

Tranh làng Sình và tranh kính Nam Bộ tồn tại vì đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Tranh làng Sình là tranh đồ thế nên gần như mỗi dịp Tết, lễ, nhà nào cũng dùng. Nhà nào ở Nam Bộ cũng có ít nhất một bức tranh kính trong không gian thờ tự.

Các dòng tranh khác đều không có người nối nghiệp hoặc mất dần thị trường, thu nhập giảm sút, cũng như không phải ai cũng theo nghề được, vì phải có năng khiếu, cần cù, tỉ mỉ. Giới trẻ cũng không mặn mà với tranh.

Tranh cũng giống như các nghề thủ công khác, thường cha truyền con nối nên việc dạy vẽ cho người ngoài là điều rất khó xảy ra. Cần phải có sự hỗ trợ quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước đối với ngành nghề thủ công đặc thù này.

- Phản hồi của độc giả về các ấn phẩm tranh dân gian của chị và các cộng sự như thế nào?

- Đa số đều thích vì các ấn phẩm thực hiện với hình ảnh được in ấn đẹp, nội dung chi tiết, tỉ mỉ cùng một số nghiên cứu mới.

Sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng nằm trong dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Đây là sách tranh đầu tiên của tôi và cộng sự.

Với những ấn phẩm tranh đã thực hiện, chúng tôi mong độc giả biết nhiều hơn về tranh dân gian Việt và mua tranh của các làng nghề để góp phần giữ hồn dân tộc qua tranh.

Nguyễn Thị Thu Hòa

Sách được xuất bản đã giúp dự án khôi phục tranh Kim Hoàng có một bệ đỡ vững chắc, tự tin sánh vai cùng các dòng tranh dân gian khác để có thể tiếp cận khách hàng tốt hơn, được đón nhận nhiều hơn.

Sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ có nhưng nội dung mới liên quan tranh Đông Hồ như quy trình làm điệp, bia ở đình làng Đông Hồ, thời điểm tranh dân gian Đông Hồ ra đời...

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm tác giả, cũng như của nghệ nhân tranh dân gian Nguyễn Hữu Quả, còn thiếu một số nội dung, hình ảnh một số tranh xưa, tương đối quý hiếm của các nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm, Nguyễn Đăng Sần chưa đưa được vào sách. Chúng tôi hy vọng là lần tái bản có thể thêm các phần còn thiếu vào sách.

Bộ tranh "tứ nghệ" - bốn nghề sĩ, nông, công, thương - của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Ảnh: NVCC.

- Mong muốn của các tác giả đối với công chúng qua việc thực hiện những ấn phẩm này?

- Với những ấn phẩm tranh đã thực hiện, chúng tôi mong độc giả biết nhiều hơn về tranh dân gian Việt và mua tranh của các làng nghề để góp phần giữ hồn dân tộc qua tranh.

Mỗi một bức tranh, cụ thể như tranh Đông Hồ, với giá chỉ 30.000 đồng nhưng nó mang một phần văn hóa dân tộc, chứa đựng bao nhọc nhằn, vất vả của nghệ nhân trong quá khứ, cũng như hiện tại.

Chúng ta hiểu, yêu tranh để trân trọng hơn, sử dụng tranh nhiều hơn trong không gian nhà đương đại, giúp tranh có thể tồn tại và phát triển giữa đời sống công nghệ hiện đại.

- Các ấn phẩm tranh thường được in với số lượng rất khiêm tốn. Có khó khăn gì về kinh phí đầu tư hoặc phát hành hay có dụng ý nào khác?

- Hai quyển sách này và các sách tranh dân gian tiếp theo chỉ có số lượng in ấn từ 300 đến 600 quyển. Đây đều là sách nghiên cứu nên chúng tôi xác định kén độc giả. Thông thường, chúng tôi sẽ bán hết sách trong khoảng 2 tháng.

Hiện nay, phong trào chơi sách bản hạn chế, bản đặc biệt đang được chú ý. Do đó, mỗi quyển sách đều phải được chăm chút từ nội dung đến hình thức, và điều này tốn thời gian.

Vì thế, chúng tôi chủ trương in ít và có đầu tư kỹ lưỡng để phù hợp một lượng độc giả nhất định quan tâm tranh dân gian, cũng như rút ngắn thời gian phát hành để đầu tư cho những tác phẩm tiếp theo.

- Sau hai tác phẩm về tranh dân gian, các tác giả sẽ chưa dừng lại? Dự án cụ thể tiếp theo về tranh dân gian là gì?

- Chúng tôi muốn làm một bộ sách về tranh dân gian Việt Nam với hơn 30 dòng tranh trải dài từ Bắc vào Nam. Dự định ban đầu là viết ba tập sách, khoảng hơn 1.000 trang.

Tuy nhiên, bắt tay vào viết sách mới thấy đó là công việc khổng lồ. Quyển sách tổng hợp đó sẽ để sau cùng, sau khi hoàn thành thêm các sách về những dòng tranh Hàng Trống, tranh dân gian Huế, tranh dân gian kính Việt Nam, tranh đồ thế Việt Nam…

Còn kế hoạch gần nhất, chính là sách về dòng tranh dân gian Hàng Trống sẽ ra mắt vào khoảng tháng 11/2020.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật