Giá vàng giảm kỷ lục, ‘cơn ác mộng’ năm 2011 trở lại?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi giá vàng thế giới xuống dưới 2.000 USD, vàng trong nước đã giảm thêm gần 3 triệu/lượng hôm nay. Chỉ sau vài phiên, người mua vàng trong nước đã lỗ hơn 8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm kỷ lục, ‘cơn ác mộng’ năm 2011 trở lại?
Ảnh minh họa

Cuối giờ chiều 11/8 (giờ Việt Nam), vàng thế giới đang bị chốt lời mạnh, về dưới mốc 2.000 USD/ounce. Vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện đã ở mức 1.995 USD/ounce, thấp hơn 32 USD (1,6%) so với cuối phiên trước.

Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 2.000 USD đã bị xuyên thủng một cách dễ dàng dưới áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư.

Lỗ 14% sau vài phiên

Tại thị trường trong nước, sau 2 phiên giảm mạnh ngày 8/8 và 10/8, vàng miếng đã mất hơn 4 triệu đồng/lượng từ mức đỉnh 62,4 triệu đồng. Hôm nay, một lần nữa kim quý trong nước ghi nhận mức giảm kỷ lục trong một phiên khi mất gần 3 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, cuối ngày 10/8, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng khu vực TP.HCM ở mức 56,65 - 58,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm hơn 2 triệu so với phiên trước. Đến cuối giờ chiều nay, vàng miếng tại đây chỉ còn giao dịch ở mức 53,58 - 55,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 3,07 triệu đồng (mua) và 2,8 triệu (bán) so với hôm qua.

Thậm chí, so với giá mở cửa sáng nay, vàng miếng SJC cũng đã giảm hơn 2 triệu đồng.

Mức giảm tương tự cũng được SJC áp dụng tại Hà Nội, hiện bán ra ở mức 55,5 triệu/lượng, thấp nhất 2 tuần gần đây.

Đà giảm kỷ lục trong ngày 11/8 cũng kéo giá vàng SJC xuống 6,92 triệu đồng/lượng chỉ sau 3 phiên giao dịch, tương đương giảm 11,7%. Đà giảm này khiến người mua vàng trong phiên 7/8 đến nay đã chịu khoản lỗ lên tới 8,82 triệu/lượng, xấp xỉ 14,1%.

Các doanh nghiệp vàng trong nước khác cũng giảm mạnh giá mua bán vàng so với chiều qua. Trong đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay vẫn mua vào ở mức 55,5 triệu/lượng, đến chiều còn 53,5 triệu đồng. Giá bán ra buổi sáng là 57,5 triệu/lượng đến chiều đã giảm về 55,65 triệu đồng.

Nếu so với cuối phiên trước, vàng miếng tại đây đã giảm tới 3 triệu đồng giá mua và 1,95 triệu đồng giá bán.

Mức giá mua tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã giảm từ 56,5 triệu/lượng chiều qua xuống 55,5 triệu phiên sáng và về 53 triệu đồng/lượng vào chiều 11/8. Giá bán ra hiện chỉ ở mức 55 triệu/lượng, thấp hơn 2,5 triệu đồng so với buổi sáng và 2,7 triệu đồng so với chiều qua.

Cả Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Phú Quý sáng nay vẫn bán ra ở mức 56,7 triệu/lượng đến chiều đã giảm còn 55,45 triệu/lượng. Giá mua hồi sáng là 55,25 triệu thì đến chiều đã giảm về 53,6 triệu đồng. Giá vàng tại 2 doanh nghiệp này niêm yết sáng nay cũng đã giảm hơn 1 triệu so với cuối ngày hôm qua.

Việc vàng trong nước giảm mạnh 3 phiên liên tiếp đã kéo chênh lệch giá so với thế giới từ mức cao hơn 4 triệu/lượng (ngày 7/8) xuống thấp hơn 300.000 đồng hiện tại.

Lý do vàng thế giới đảo chiều

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) giải thích nguyên nhân giá vàng thế giới giảm mạnh do cuối tuần trước Tổng thống Donald Trump đã ký 3 sắc lệnh, trong đó có một sắc lệnh rất quan trọng là cắt giảm trợ cấp cho người dân Mỹ từ 600 USD/người theo đề xuất của Đảng Dân chủ xuống còn 300 USD/người, tương đương giảm một nửa khối cung tiền từ cuối tuần trước.

“Như một hệ quả tất yếu của thị trường tài chính khi lượng cung tiền theo kỳ vọng giảm một nửa, giá vàng thế giới đã đột ngột giảm từ cuối tuần trước sang đến đầu tuần này”, ông Hải nói.

 

Phân tích thêm, vị chuyên gia cho biết vàng thế giới đã giảm một mạch từ mốc trên 2.060 USD/ounce cuối tuần trước xuống còn trên 1.990 USD chiều nay, tương đương mức giảm 70 USD/ounce, xấp xỉ 3,5% tính từ ngày 8/8 đến 11/8.

Ngoài lý do nói trên, vàng thế giới giảm mạnh còn do yếu tố tâm lý khi giá đã tụt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce là mốc cực kỳ quan trọng với các nhà đầu tư.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết giá vàng thế giới đảo chiều không khó hiểu, vì kim loại quý đã tăng rất mạnh trong những ngày qua với các trợ lực sẵn có như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị, tiền tệ nới lỏng… đặc biệt là đầu cơ, yếu tố luôn luôn hiện hữu ở mọi kênh đầu tư.

Tuy nhiên, giá chỉ có thể đẩy lên một mức đó nào đó rồi sẽ phải giảm xuống và thực tế đã cho thấy vàng sau khi vượt mốc 2.060 USD đã quay đầu giảm hiện xuống dưới mốc 2.000 USD.

“Đây là hiện tượng thông thường của kinh tế và nó chỉ lặp lại diễn biến của tháng 3 đầu năm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cơn ác mộng tháng 8/2011 đang trở lại?

Ông Trần Thanh Hải cho biết điểm đáng chú ý của biến động giá vàng những ngày gần đây chính là vàng thế giới giảm khoảng 3-4% thì vàng trong nước giảm tới hơn 11% (tính từ ngày 7/8), cao gấp 3,5 lần thế giới.

Theo vị chuyên gia, việc vàng lên nhanh rồi giảm mạnh còn có yếu tố tâm lý đằng sau khi vàng trong nước trước nay chưa bao giờ vượt qua mốc 50 triệu/lượng (đỉnh cũ là 49,2 triệu hồi 2011). Thế nhưng, từ tháng 7 vừa qua, vàng miếng đã tăng một mạch vượt 50 triệu rồi vượt 60 triệu/lượng chỉ trong thời gian rất ngắn (từ 27/7 đến 7/8).

Đến khi vàng thế giới giảm, nhà đầu tư trong nước sẽ có tâm lý vàng đang thoái trào sau phiên tăng mạnh. “Tâm lý đang trên đỉnh rồi tụt xuống, ai cũng sợ ôm lỗ nên phải tranh thủ bán, càng kéo giá vàng giảm sâu”, ông Hải nói.

Giá vàng trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm như giai đoạn năm 2011. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, có một hiện tượng đặc biệt của vàng từ hôm qua đến nay là giá bán đã giảm thấp hơn hẳn so với thế giới quy đổi trong khi cuối tuần trước vẫn cao hơn 4 triệu đồng/lượng.

“Với các dữ liệu này, có thể thấy tâm lý thị trường đang lo ngại cơn ác mộng tháng 9/2011 dần tái hiện vào tháng 8/2020. Người ta sợ người ôm vàng ở giá 57-58 triệu rồi 60-62 triệu đồng, giảm sẽ phải chờ 9 năm nữa mới trở lại giá cũ nên phải bán ra. Đó là lý do thứ 2 khiến vàng trong nước giảm kỷ lục”, ông Hải phân tích.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho biết các công ty vàng lớn trên thị trường cũng buộc phải hạ tối đa giá mua vào để tránh bị thua lỗ.

Ông Hải cũng nhận định việc vàng thế giới giảm hơn 3,5% sau 2 ngày không phải chỉ gắn với yếu tố giảm trợ cấp của Mỹ và còn có liên quan tới thời gian bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11 tới.

“Tôi cho rằng giá vàng giảm trong những phiên gần đây không mang tính nhất thời mà đang bước vào chu kỳ đảo chiều. Tuy nhiên, đảo chiều tới đâu thì mức cản theo tư vấn của Singapore là xuống khoảng 1.870 USD sẽ có mức hỗ trợ cứng. Trước đó kịch bản giảm đầu tiên là mức hỗ trợ 1.980 USD/ounce”, ông Hải nói.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu khi vàng trong nước tăng lên tới 62,4 triệu đồng/lượng đã xuất hiện yếu tố đầu cơ bên trong. Khi vàng thế giới giảm, bong bóng trong nước sẽ xẹp xuống nhanh hơn thế giới, kéo vàng miếng giảm sâu gấp nhiều lần.

“Thị trường vàng luôn hiện hữu yếu tố đầu cơ và các nhà kinh doanh vàng khi thấy giá thế giới tăng trưởng đẩy giá trong nước tăng trước thể hiện qua chênh lệch giá mua bán, có thời điểm lên tới gần 3 triệu/lượng”, ông nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng đợt điều chỉnh này của vàng sẽ không mang tính chất dài hạn vì các trợ lực tăng giá thời gian qua cho mặt hàng này vẫn còn giá trị. Khi các yếu tố cơ bản này chưa được khắc phục một cách tích cực thì giá vàng vẫn tăng lên và nhà đầu tư vẫn chọn vàng là kênh trú ẩn an toàn nhất trong các loại hình đầu tư cơ bản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật