Mặt trận thầm lặng Ở cửa ngõ đà nẵng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi các bệnh viện nội thành Đà Nẵng căng sức đẩy lùi dịch bệnh, một cuộc chiến thầm lặng khác đồng thời diễn ra ở cửa ngõ thành phố.
Mặt trận thầm lặng Ở cửa ngõ đà nẵng
Ảnh minh họa

Xem Video: Clip dỡ lệnh phong tỏa và gỡ các gác chắn

21h, đêm Đà Nẵng se lạnh. Chốc chốc lại có vài chiếc xe dừng trước hàng rào sắt phong tỏa theo hiệu lệnh của đại úy Thuận - nữ CSGT duy nhất tại chốt cửa ô Hòa Hải.

Đại úy Mai Thị Bích Thuận.

Đang hướng dẫn cho tài xế làm tờ khai y tế, đại úy Thuận thoáng thấy bóng người đàn ông dắt theo một bé gái lấp ló phía bên kia hàng rào, đôi mắt dáo dác tìm kiếm ai đó. Chị lập tức rảo bước qua dãy hàng rào, đi thẳng về phía người đàn ông và đứa trẻ, bước chân như có niềm vui. Khi chỉ còn cách khoảng 10 m, chị dừng lại.

Lời nói dối của mẹ

“Con ở nhà có ngoan không?”, nữ cảnh sát giao thông hỏi lớn, giọng khàn khàn, ánh mắt lấp lánh cười nhìn đứa trẻ.

“Mẹ ơi, về với con, về với con”, cô bé 5 tuổi lặp đi lặp lại, mếu máo ngay khi vừa thấy bóng mẹ lại gần rồi òa lên khóc lớn. Cánh tay bé xíu với về phía mẹ, nhưng vai thì bị níu lại bởi lực cản của cha.

“Không khóc, tối mẹ về rồi mẹ mua quà nghe chưa”, chị Thuận nịnh con, nước mắt cũng chực rơi trên khóe mắt, toàn thân đổ về phía trước nhưng đôi chân vẫn không rời vị trí.

Bé Lê Mai Trang (5 tuổi) đến chốt phong tỏa gặp mẹ nhưng em không được đến gần. Nhìn thấy chị Thuận từ xa, Trang bật khóc đòi mẹ về với mình.

Chị đã nói dối cô con gái nhỏ. Đêm nay, đại úy Mai Thị Bích Thuận sẽ không về nhà, và cả đêm sau, đêm sau nữa. dịch ập đến, CSGT Đà Nẵng “vét cạn” lực lượng, dàn đều ra 8 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ thành phố. Chị Thuận tình nguyện ra tuyến đầu.

Tại điểm chốt này, mỗi ca trực có 3 CSGT chỉ huy. Họ phối hợp với công an địa phương, cảnh sát cơ động và sinh viên tình nguyện để dừng phương tiện, xem xét từng trường hợp được phép ra vào thành phố. Do thiếu người nên mỗi cán bộ phải trực từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày.

"Thấy các chú CSGT lớn tuổi sắp về hưu vẫn ráng nhận ca trực, tôi không thể không xung phong", chị Thuận chia sẻ.

Vậy là nữ CSGT khăn gói đến chốt từ 30/7. Chồng chị cũng làm trong ngành nhưng không phải ở tuyến đầu nên thay vợ ở nhà chăm sóc con.

Những ngày đầu xa mẹ, bé Thỏ (tên gọi ở nhà của bé Lê Mai Trang - con gái chị Thuận) - được cha giải thích rằng mẹ về nhà lúc con đã ngủ và dậy đi làm từ sớm. Thỏ mới học mẫu giáo nên những lời nói dối dẫu vô lý đôi khi vẫn hiệu nghiệm.

Hai vợ chồng chị không biết sẽ còn phải nói dối con đến bao giờ. Cuộc chiến chống dịch ở Đà Nẵng ngày càng căng thẳng, lời hứa "về với con" của chị Thuận cũng ngày một trở nên khó thực hiện hơn.

Đại úy Thuận không phải người phụ nữ duy nhất trực chiến tại chốt phong tỏa này. Ngồi ở lán trại trên vỉa hè ngay cạnh chốt, chị Nguyễn Lê Ngọc Trâm (Đại học Công nghệ thông tin truyền thông Việt Hàn) trong bộ đồ bảo hộ xanh biển kiên nhẫn hướng dẫn tài xế làm tờ khai y tế.

Chị Trâm hướng dẫn tài xế làm tờ khai y tế.

“Anh có thường xuyên quay lại đây không? Nếu có thì cầm theo tờ giấy này lần sau khỏi phải viết lại”, nữ tình nguyện viên cố nói lớn từ khoảng cách 2 m dù giọng đã khản đặc.

Bằng thái độ bình tĩnh và mềm mỏng, Trâm giải thích cặn kẽ về sự nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay. Qua đó, các chủ phương tiện đều hiểu và đồng ý thực hiện khai báo y tế.

Biết các chốt phong tỏa cần người hỗ trợ, chị Ngọc Trâm thu xếp gửi con về nhà ông bà ngoại, tình nguyện đăng ký đến các chốt chặn để đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế.

Gia đình nghi ngại, bạn bè can ngăn, nhưng chừng đó không cản được quyết tâm của nữ giáo viên. “Mình may mắn vì chồng luôn hiểu, chia sẻ và giúp mình chăm sóc con để yên tâm lên đường”, Trâm bộc bạch về nguồn động lực của bản thân.

Giấu ba mẹ đi chống dịch

Mỗi khi CSGT dừng phương tiện lại trước chốt gác, một bóng áo trắng nhỏ nhắn, thoăn thoắt chạy lên đo thân nhiệt tài xế. Cô sinh viên 20 tuổi Hoàng Thị Huệ là một trong 4 nữ tình nguyện viên tại chốt phong tỏa cửa ô Hòa Phước.

“Em không nói thôi chứ không phải là giấu, tại ba mẹ cũng đâu có hỏi”, Huệ nói đùa khi được hỏi lý do không nói cho ba mẹ biết về việc đi tình nguyện ở Đà Nẵng. Khi trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược kêu gọi sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch, Huệ và các bạn trong lớp rủ nhau tình nguyện đăng ký.

Sau thời gian tập huấn một số kỹ năng cần thiết, Huệ được phân về chốt này cùng 3 cô gái khác. 4 nữ nhân chia nhau trực 4 ca trong ngày, mỗi ca 6 tiếng và cứ thế xoay vòng, không có ngày nghỉ.

Hỗ trợ ở chốt từ ngày 2/8, Huệ vẫn chưa dám nói với ba mẹ về công việc mình đang làm. Dù biết người thân luôn ủng hộ mọi quyết định của mình, cô gái quê Đắk Nông vẫn sợ ba mẹ lo lắng.

“Ba mẹ biết cũng chỉ hơi lo thôi chứ không giận đâu. Mình biết bảo hộ đúng cách nên cũng không lo lắng. Mình còn muốn vào trong bệnh viện để hỗ trợ cơ nhưng mới học năm 2, chưa đủ khả năng nên đành hỗ trợ bên ngoài vậy”, Huệ nói vội rồi nhanh chân chạy về phía chiếc xe tải vừa đỗ ở chốt.

Trong 8 chốt cửa ngõ Đà Nẵng, chốt Hòa Phước là nơi vất vả nhất vì có quốc lộ 1. Đà Nẵng cách ly với các tỉnh còn lại nhưng quốc lộ 1 đi qua thành phố này vẫn thông suốt. Dòng xe quá cảnh qua Đà Nẵng lên đến cả nghìn chiếc mỗi ngày. Tất cả phải đăng ký khi muốn chạy qua tâm dịch.

Trung tá CSGT Lê Thế Chiến - trạm trưởng cửa ô Hòa Phước - gọi đây là chốt "quá cảnh", bởi mỗi ngày có khoảng 1.000 chuyến xe đi qua. Trong đêm đầu tiên thiết lập chốt chặn, vị trung tá sắp về hưu mỏi nhừ cơ bắp vì mình ông tiếp khoảng 1.700 tài xế vào khai báo thông tin.

"Bây giờ mới đỡ chứ ban ngày hắn nắng lắm", trung tá Chiến tâm sự, chỉ tay vào hộp cháo đã nguội ngắt để ở bốt gác, chiếc quạt cây, bàn ghế… và “khoe” tất cả đều là người dân cho. Ông bảo áy náy nhất là lúc nhóm thiện nguyện mang cháo nóng đến, cả tổ công tác không ai có thời gian để ăn.

Vị chỉ huy trạm cho biết tổng quân số CSGT có 16 người nhưng đã mất 6 người đi cách ly. Số còn lại căng sức canh trực mấy hôm nay, mỗi ca trực tới hơn 10 tiếng. “Nhắm hôm tới 6 anh em về thì thời gian trực mới giãn bớt được”, anh nói.

Chưa biết ngày về

Cách đó hơn 8 km, chàng trai 22 tuổi Nguyễn Ngọc Nguyên, thành viên của nhóm SOS Đà Nẵng, cũng vừa ngả lưng xuống chiếc giường gấp, người vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, khẩu trang không rời. Cả nhóm ai cũng tiếc từng phút để… ngủ vì giấc nào cũng chỉ kéo dài tối đa 45 phút rồi lại thức dậy thay ca.

Khác với Huệ, Nguyên không phải ở quá xa gia đình nhưng cũng đã chục ngày nay chàng trai Đà Nẵng chưa về nhà.

“Tụi em đã vô chiến dịch tham gia hỗ trợ cả nước rồi nên phải ở đây chứ không dám về nhà vì tiếp xúc với nhiều người, chẳng may có chuyện gì sợ lại lây lan cho gia đình. Khi nào cả nước hết dịch, an toàn rồi thì tụi em mới về nhà”, Nguyên tâm sự.

Nhóm SOS Đà Nẵng có tất thảy 14 thành viên cùng tình nguyện ở lại canh chốt chống dịch. Suốt từ 29/7 đến nay, cả nhóm cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với các chiến sĩ cảnh sát tại chốt trong chiếc vỏ container.

Nguyên và các thành viên trong nhóm SOS Đà Nẵng, chiến sĩ trực chốt trong phút nghỉ ngơi.

Lúc Nguyên mới thông báo vắng nhà để đi tình nguyện chống dịch, ba mẹ cản ngay, nói con “ở nhà cho an toàn”. Chàng trai 22 tuổi quyết tâm thuyết phục ba mẹ để được hỗ trợ các anh công an chống dịch Covid-19. Thấy con tâm huyết, ba mẹ Nguyên đành đồng ý.

Với cá tính dễ xúc động, Nguyên nói mình đến đây trực chốt canh vì cảm mến nỗ lực của những cán bộ, chiến sĩ công an. Mọi người vì chống dịch Covid-19 không ngại gian khó, ngày ngày túc trực 24/24h.

Càng về khuya, Nguyên nói mình có mệt mỏi nhưng không dám nghỉ ngơi nhiều vì phải trực cùng các anh chiến sĩ. Em nói rằng bản thân cần nỗ lực cùng lực lượng chức năng kiểm soát tốt các trường hợp nghi nhiễm ở cửa ngõ vào thành phố.

Hai ngày trước, ba mẹ chạy 14 km từ nhà đến chốt phong tỏa thăm con. Cả nhà nhìn nhau chẳng biết nói câu chuyện gì cho trọn vẹn, chỉ biết hỏi con có mệt không, khỏe không và bảo con cố gắng lên. Nguyên biết rằng câu ba mẹ muốn hỏi nhất lúc này là khi nào con được về nhà, nhưng chẳng ai dám nhắc đến chủ đề ấy.

Cũng tại chốt, nhiều tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, sinh viên... sinh sống ở Đà Nẵng đã cùng hòa mình chống dịch tại địa phận cửa ngõ này.

Không khác những cán bộ, chiến sĩ công an, họ tận tụy làm công việc của mình như kiểm soát giấy tờ tùy thân, tiếp nhận khai báo y tế, đo thân nhiệt cho người qua lại trắng đêm không ngủ.

Các tình nguyện viên tranh thủ ngủ trong đêm khuya. Họ thỏa thuận với nhau chỉ ngủ khoảng 45 phút, sau đó thức dậy trực thay cho những bạn khác.

Giống như Nguyên, Huệ, Trâm, trung tá Chiến hay đại úy Thuận, hàng trăm cán bộ công an, tình nguyện viên của thành phố đều không biết khi nào mình sẽ được trở về nhà. Họ vẫn hăng say làm việc quên thời gian. Nhiều người bảo sẽ chiến đấu đến hết dịch mới về.

Đã hơn 0h, một ngày mới lại đến ở tâm dịch Covid-19. Tại các chốt chặn cửa ngõ, những người chiến sĩ vẫn bám trực. Đói dạ, họ ăn nhanh bữa cháo mà những người hảo tâm mang đến. Khi có chút thời gian trống thì mọi thứ đã nguội ngắt.

Nửa đêm, các chốt phong tỏa lần lượt thay ca gác, đại úy Thuận về cơ quan nghỉ. Chị bảo từ lúc gặp bé Thỏ, đầu chị cứ luẩn quẩn hình ảnh đôi mắt sưng húp của con gái nhỏ vì khóc ngày khóc đêm mong mẹ về nhà.

Ngày mai, chị sẽ đi làm thật sớm để kịp chạy qua nhà, nhìn con một cái rồi đi. Với chị, cực thì có cực nhưng như thế đã hạnh phúc hơn rất nhiều so với hàng nghìn nữ y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch phải xa chồng, xa con rồi.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 10784
  1. Dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã được kiểm soát
  2. Đà Nẵng đón ‘quân tiếp viện’ từ Nghệ An đến hỗ trợ phòng chống dịch
  3. 2 nữ điều dưỡng mắc COVID-19 từng 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2
  4. Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng mắc COVID-19 được xuất viện
  5. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tạm biệt Đà Nẵng khi dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát
  6. Cảng cá lớn nhất Đà Nẵng hoạt động thế nào giữa dịch?
  7. Đà Nẵng yêu cầu rút gọn thời gian tổ chức tang lễ
  8. Chính thức dỡ phong toả Bệnh viện Đa khoa Hải Châu sau 14 ngày cách ly
  9. Lịch trình của 4 ca Covid-19 ở Đà Nẵng: Tiểu thương chợ đầu mối tiếp xúc với hàng loạt người
  10. Công an ăn vội ổ bánh mì, trắng đêm chống dịch ở điểm nóng
  11. Đà Nẵng thiết lập thêm vùng cách ly y tế
  12. Điều dưỡng BV Đà Nẵng: ‘Tôi sốt cao trước khi phát hiện nhiễm virus’
  13. Một bệnh nhân Covid-19 nặng ‘không thua ca 91’ được chữa trị khỏi bệnh ở Đà Nẵng
  14. Ngư dân Đà Nẵng xếp hàng ‘xuyên đêm’ chờ lấy mẫu xét nghiệm
  15. Đã có 103 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đà Nẵng cho kết quả xét nghiệm âm tính
  16. Du khách mặc áo mưa lên chuyến bay rời Đà Nẵng
  17. Đà Nẵng: Đổ quân ra chợ ‘truy bắt’ COVID-19
  18. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện cách ly xã hội từ 0 giờ ngày 12-8
  19. 117 bệnh nhân Đà Nẵng hết cách ly về quê trên chuyến xe 0 đồng
  20. 4 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng xuất viện
  21. 18 ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng âm tính SARS-CoV-2 sau 10 ngày điều trị
Video và Bài nổi bật