Các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm nay, nhiều trường dành 30%, thậm chí 40-50% để tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT (xét học bạ) hoặc tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển dựa trên thành tích trong quá trình học.
Các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dành 35% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ. Ảnh: UEF.

ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) vừa kết thúc xét tuyển học bạ đợt 1. Thí sinh có thể tra cứu kết quả xét tuyển trên website trường.

Trong tháng 5 và tháng 6, một số trường đại học khác cũng công bố kết quả xét tuyển học bạ. Như vậy, nhiều thí sinh chắc suất vào đại học khi kỳ thi tốt nghiệp THPT còn chưa diễn ra.

Tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ

Năm nay, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển 2.790 chỉ tiêu cho 25 ngành học. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (chiếm 20% tổng chỉ tiêu). Trường dành 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ.

Như vậy, năm 2020, UEF xét tuyển học bạ 35% tổng chỉ tiêu, tăng mạnh so với năm ngoái.

Năm 2019, với phương thức xét tuyển này, trường dành 25% chỉ tiêu để tuyển sinh bằng điểm trung bình năm lớp 12 của ba môn trong tổ hợp môn xét tuyển.

Ngoài ra, với việc thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập 5 học kỳ, thời gian xét tuyển cũng dài hơn. UEF nhận hồ sơ từ 1/3 đến 30/9.

ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) dành 1.650 chỉ tiêu, tức 25% tổng chỉ tiêu, cho phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn hoặc theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tuyển 3.500 chỉ tiêu. Năm nay, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT từ 10% lên 40%. Bên cạnh đó, trường dành 10% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng học sinh giỏi từ kết quả học tập 3 năm THPT.

Trước tình hình thi cử năm nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng quyết định tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ. Cụ thể, trường dành tối đa 50% số chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Còn lại, trường xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dựa trên điểm trung bình chung học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12).

Nhờ xét tuyển bằng học bạ, nhiều sinh viên chắc suất vào đại học trong khi các bạn khác vất vả ôn thi. Ảnh: UEF.

Xét tuyển học bạ dần được thí sinh lựa chọn

Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm nay, trong tổng số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, 643.122 em (chiếm 71,45%) đăng ký xét tuyển, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.

Trong hơn 200.000 thí sinh không chọn lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, nhiều em lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ. Chưa kể đến, không ít thí sinh đăng ký xét tuyển bằng cả điểm thi lẫn học bạ.

Trong cuộc trao đổi với Báo trước những lo ngại về chất lượng thí sinh trúng tuyển bằng học bạ, TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Mỹ (IAE), từng khẳng định: “Tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ phù hợp xu thế và cần thiết”.

Thực tế, qua các đợt ghi xét tuyển học bạ vừa qua, các trường ghi nhận số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển. Nhiều trường nhận 5.000-7.000 hồ sơ, cả online và trực tiếp, thậm chí có trường nhận đến 9.000 hồ sơ.

Điều đó cho thấy khi có nhiều con đường để vào đại học, thí sinh dần lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ.

Phương thức này được đánh giá cao ở chỗ cho phép thí sinh chủ động hơn, không phụ thuộc vào điểm một kỳ thi. Các trường cũng căn cứ vào cả quá trình học tập để lựa chọn người học phù hợp.

Sau khi trúng tuyển vào trường, sinh viên xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (trước đây là THPT quốc gia) hay bằng học bạ đều học chung với chương trình đào tạo, giảng viên giống nhau.

Về kết quả học tập, các trường cho thấy không có sự khác biệt giữa sinh viên vào học bằng hai phương thức trên.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật