ULA nhận động cơ tên lửa BE-4: Mỹ thở phào thoát Nga?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc Mỹ nhận động cơ BE-4 đầu tiên của công ty Blue Origin được cho là mở ra cánh cửa “thoát Nga” về động cơ tên lửa đẩy vũ trụ.
ULA nhận động cơ tên lửa BE-4: Mỹ thở phào thoát Nga?
Mỹ vẫn chưa thể ngừng mua động cơ tên lửa đẩy của Nga

ULA nhận động cơ tên lửa BE-4 đầu tiên

Vào ngày 4 tháng 7 vừa qua, nhà thầu của NASA là công ty United Launch Alliance (ULA) tuyên bố đã nhận được động cơ tên lửa BE-4 đầu tiên từ công ty Blue Origin, để thay thế cho loại động cơ RD-180 từ trước đến nay ULA vẫn phải mua của Công ty Energomash - Nga.

Từ trước đến nay, tên lửa vận tải vũ trụ của Mỹ thuộc dòng Atlas-5 được trang bị động cơ RD-180 của Nga. Loại tên lửa này đang chuẩn bị được thay thế bằng tên lửa đẩy Vulcan. Dự kiến động cơ BE-4 sẽ hoạt động ở tầng đẩy thứ nhất.

Tuy nhiên, công ty United Launch Alliance của Mỹ cũng nói rõ là đã nhận động cơ tên lửa BE-4 nhưng động cơ này chưa được sản xuất hàng loạt mà chỉ được chế tạo để thử nghiệm tên lửa đẩy. Như vậy, từ nay đến khi Mỹ chính thức “thoát Nga”, vẫn còn một khoảng thời gian rất dài.

bình luận về vấn đề này, ông Vladimir Evseev, chuyên gia quân sự từ viện các nước SNG phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo Vechernyaya Moskva rằng, việc Mỹ cố gắng loại bỏ động cơ tên lửa RD-180 của Nga là một quá trình dự kiến sẽ xảy ra, liên quan đến chính sách từ chối hàng nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi.

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho tình huống này, khi tính đến chính sách mà ông Trump đang theo đuổi. Quan điểm của ông ấy là từ chối các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác càng nhiều càng tốt và trong tất cả các lĩnh vực" - ông Evseev giải thích.

Theo chuyên gia này, mặc dù Hoa Kỳ có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới về công nghệ, nhưng cũng có những công nghệ mà họ chưa làm chủ được, đặc biệt là vấn đề an toàn của loại động cơ mới mà Blue Origin đang chế tạo vẫn còn bỏ ngỏ.

"Chính tuổi thọ của động cơ sẽ quyết định thời hạn sử dụng và xác suất hỏng hóc động cơ. Nếu phóng tên lửa với một động cơ không đáng tin cậy thì có thể dẫn đến cái chết của cả phi hành đoàn" – vị chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, mặc dù như vậy nhưng có thể nhắm mắt làm ngơ về độ tin cậy của động cơ vì lý do chính trị.

Mỹ liệu đã thoát động cơ Nga?

Chuyên gia Nga Vladimir Evseev khẳng định rằng, ở thời điểm hiện nay, Washington vẫn chưa thể hoàn toàn tự lập được trước ngành chế tạo tên lửa của Nga. "Mỹ chưa thể hoàn toàn thay thế được tên lửa của Nga, do vậy những tuyên bố của Washington ở thời điểm này không có gì khác hơn là để mị dân", - ông Evseev giải thích.

Trước khi vị chuyên gia Nga đưa ra nhận định này, Tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (National Interest - NI) của Mỹ cũng đã có bài viết bày tỏ sự lo ngại về việc Mỹ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào mặt hàng động cơ tên lửa của Nga để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của mình.

NI cho biết, bất chấp việc Hoa Kỳ đã ồ ạt đầu tư cho cả các công ty nhà nước và tư nhân để phát triển các động cơ tên lửa đẩy vũ trụ trong 10 năm qua, nhưng cho đến nay, Washington chưa khi nào cho thấy họ có đủ tiềm năng trong lĩnh vực này, để không cần phải mua RD-180 hay RD-181 của Nga nữa.

Mới đây nhất, chính Quốc hội Mỹ đã buộc phải thừa nhận rằng, họ không thể thay thế động cơ RD-180 của Nga ít nhất thêm 10 năm nữa. Báo cáo của các nhà phân tích gửi Quốc hội Mỹ cho biết, Hoa Kỳ sẽ không thể tìm được sự thay thế cho động cơ tên lửa RD-180 ít nhất là cho đến năm 2030.

"Ngay cả khi quá trình chuyển đổi từ RD-180 sang các động cơ hoặc phương tiện phóng khác diễn ra suôn sẻ và được thực hiện chính xác theo lịch trình, có khả năng các chỉ số hiệu suất và độ tin cậy tương tự khi sử dụng RD-180, chỉ có thể đạt được sau năm 2030" - nội dung tài liệu của các nhà phân tích tại cơ quan lập pháp Mỹ nêu rõ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho các động cơ của Nga đã bắt đầu năm 2015, sau khi Moscow đáp trả các lệnh trừng phạt chống Nga của Washington, liên quan đến tình hình ở Ukraine. Tuy nhiên, tiến triển của các kế hoạch này là rất chậm, chưa mang lại hiệu quả trong khoảng thời gian trung hạn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật