Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong tháng 5, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại một số địa phương trong tỉnh. Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định các tình huống diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tới. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc-xin cho lợn tại huyện Mường Khương.

Xem Video: dịch tả lợn Châu Phi: Nỗ lực không để dịch bùng phát

//

Phóng viên: Thưa ông, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, số lợn mắc bệnh tiêu hủy không nhiều nhưng dịch bệnh phát tán, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch, xâm nhiễm vào các trang trại chăn nuôi lợn, ngành nông nghiệp đã xây dựng phương án xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá diễn biến của dịch bệnh, trong đó tập trung kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch cũ, những khu vực chăn nuôi nhiều lợn, những điểm thường xuyên mua bán, vận chuyển lợn trên địa bàn, lấy mẫu xác định mầm bệnh. Đồng thời, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Ban hành kèm theo kế hoạch là những hướng dẫn chi tiết về chuyên môn để các huyện, thị xã, thành phố triển khai chống dịch, như hướng dẫn vệ sinh; giám sát, mổ khám, lấy mẫu để xác định mầm bệnh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy lợn mắc bệnh; kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh đối với lợn, sản phẩm từ lợn tại chốt kiểm soát tạm thời, các tổ kiểm soát cơ động; vận chuyển lợn để giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn; mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi lợn; hướng dẫn một số biện pháp tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi; lập hồ sơ tiêu hủy, xử lý vi phạm hành chính trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống dịch; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch…

Phóng viên: Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, các biện pháp về phòng, chống dịch sẽ được tăng cường ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây bệnh tăng lên 3% số hộ, sở tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch theo Kế hoạch số 148 ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh, tạm dừng những công việc chưa cấp bách để ưu tiên thời gian cho công tác phòng, chống dịch. Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện, thị xã, thành phố được phân công và ngành phụ trách. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp hằng tuần với ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Phóng viên: Theo ông, thời gian tới, người chăn nuôi và các cơ quan chuyên môn cần có lưu ý gì để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Chính quyền các cấp thực hiện triệt để Kế hoạch số 148 của UBND tỉnh về khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Tổ chức tập huấn cho chính quyền cấp xã, trưởng thôn, bản và người chăn nuôi biết cách nhận biết dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi lợn cải tạo cơ sở chăn nuôi, áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tại các hộ chăn nuôi không thể cải tạo để áp dụng các biện pháp cách ly an toàn dịch bệnh thì chuyển đổi sang vật nuôi khác. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi các vật nuôi khác như gia cầm, trâu, bò, ngựa, dê, thỏ, chim cút, bồ câu, thủy sản… UBND cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, vận chuyển lợn ra, vào địa bàn, không hỗ trợ các hộ tự ý mua con giống từ nơi khác về tái đàn trong khi trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi.

Ngành chuyên môn cũng cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, từ đó tích cực chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là không tham gia giết mổ, vận chuyển, sử dụng lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Khi phát hiện lợn có biểu hiện chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, không vứt xác lợn chết ra môi trường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật