“Lạnh gáy” những nhịp cầu treo giữa xóm Sống, nhiều “kình ngư” bất đắc dĩ vượt sông

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ đến mùa mưa lũ, người dân xóm Sống (xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) luôn nơm nớp lo sợ cầu treo dân sinh sẽ đổ sập vì cầu đã xuống cấp trầm trọng từ lâu.
“Lạnh gáy” những nhịp cầu treo giữa xóm Sống, nhiều “kình ngư” bất đắc dĩ vượt sông
Ảnh minh họa

Xem Video: NHỊP CẦU NÔNG THÔN phần 1

//

Câu cầu treo dân sinh là con đường duy nhất dẫn vào xóm Sống. Hằng ngày, cây cầu này phải oằn mình “cõng” người dân khi có hàng trăm lượt đi lại mỗi ngày. Qua nhiều năm, phần trụ cầu đã bị hoen gỉ, còn mặt cầu bằng ván gỗ đã nhanh chóng bị mục nát. Mỗi năm 2 lần, bà con phải dùng tre nứa chắp vá tạm bợ để sử dụng.

Vì đã xuống cấp trầm trọng nên nguy hiểm luôn rình rập thường trực nhưng người dân không có sự lựa chọn nào khác. Để đến trường đi học, các em học sinh cũng phải nhờ bố mẹ hoặc anh chị đưa đi, đón về qua cây cầu chứ không thể tự đi do mặt cầu đã mục nát, nhiều đoạn xuất hiện các khoảng trống lớn.

Vì nhà nằm ngay sát chân cầu nên cứ 6h15 hàng ngày, em Bùi Tuyết Nhung – học sinh lớp 1 Trường tiểu học Do Nhân phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, dắt xe đạp đi theo chị gái đến trường. Em không thể tự đi nếu không có người lớn bên cạnh do mỗi lần có xe cộ đi lại, cây cầu sẽ chao đảo, lắc lư khiến bất cứ ai đi qua cũng phải run sợ.

Không những vậy, lớp tre này sẽ xô lại với nhau tạo lỗ hổng rất nguy hiểm. Do đó, nếu không có chị gái đi cùng, Tuyết Nhung sẽ được mẹ dắt qua cầu khi đi học và đón về.

“Nếu không có ai đưa qua cầu, em sẽ chẳng dám đến trường hay đi đâu khác. Đều đặn mỗi ngày, em phải đi học qua đây 4 lần nên rất sợ nếu phải đi một mình” – Tuyết Nhung nói.

Mỗi năm 2 lần, người dân xóm Sống lại cùng nhau gom tiền, lên rừng tìm tre, nứa để tu sửa cây cầu treo dân sinh độc đạo duy nhất của bản làng. Nhưng cầu cứ sửa rồi lại hỏng, không ít người vẫn phải mình trần vượt suối để đi làm.

Là người phải vác cày và dắt trâu lội qua suối đi làm, ông Bùi Văn Bỉnh – Bí thư chi bộ xóm Sống cho biết, qua nhiều năm sử dụng, dây cáp, gầm cầu, rào chắn hai bên đều đã hoen gỉ, trụ cầu cũng đang bong tróc lớp bêtông để lộ sắt bên trong. Nguy hiểm là thế, nhưng người dân xóm Sống hàng ngày vẫn phải “đánh cược” với mạng sống vì không còn con đường nào khác.

Theo ông Bỉnh, cây cầu xuống cấp không chỉ gây khó khăn cho học sinh tới trường mà còn ảnh hưởng đến việc làm nương của người dân, bởi ruộng vườn của bà con nông dân đều ở bên kia suối. Không những vậy, mỗi khi thôn xóm có đám hiếu, người dân lại khổ sở lội qua suối để đưa linh cữu người đã mất đi an táng.

“Với lưu lượng lớn người và phương tiện qua lại mỗi ngày, mặt cầu treo nhanh bị hư hỏng, để lộ những khoảng trống. Do đó, người dân xóm Sống chúng tôi rất mong mỏi sớm có một cây cầu mới chắc chắn và an toàn hơn” – ông Bỉnh đề nghị.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Đinh Anh Tuấn cho biết, chính quyền địa phương đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình về việc xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, cải tạo và nâng cấp công trình. Dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận nên huyện đang giao cho các cơ quan chuyên môn hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật