Ông Trump phá băng Bắc Cực để Aegis chặn tên lửa Nga

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ đang ráo riết đẩy nhanh tiến độ đóng hạm đội tàu phá băng.
Ông Trump phá băng Bắc Cực để Aegis chặn tên lửa Nga
Ảnh minh họa

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết và phỏng vấn các chuyên gia của nhà báo chuyên viết cho “Svobodnaia Pressa” Andrey Polunhin nhân có những thông tin mới nhất về kế hoạch đóng đội tàu phá băng của Mỹ. Bài đăng trên báo này ngày 12/6/2020.

I.. Phần giới thiệu của nhà báo Andrey Polunhin

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mới ra lệnh: “ Đến năm 2029, Mỹ sẽ phải thành lập xong một hạm đội tàu phá băng hoàn chỉnh để đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của Mỹ ở Bắc Cực và Nam Cực.

Trong bản ghi nhớ được đăng tải trên trang Web của Nhà Trắng về lệnh mới trên có đoạn viết:

“Để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta (Mỹ) ở khu vực Bắc Cực và Nam Cực, và để duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của lực lượng đảm bảo an ninh cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta, Mỹ cần phải có một đội tàu phá băng bảo vệ vùng Cực luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt và luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động”.

Tổng thống Mỹ cũng chỉ thị phải soạn thảo xong Bản kế hoạch thành lập hạm đội Vùng Cực trong một thời gian cực ngắn- chỉ trong vòng 60 ngày. Ngoài nhiệm vụ phải đóng xong 3 tàu phá băng hạng nặng trước năm 2029, trong bản ghi nhớ cũng ghi rõ thêm một nhiệm vụ nữa là:

phải xác định (tìm) và đánh giá, ít nhất là 2 địa điểm đóng quân thường xuyên tối ưu cho hạm đội mới này trên lãnh thổ nước Mỹ và thêm 2 địa điểm khác tương tự bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Các tờ báo chuyên ngành quân sự Mỹ như cổng thông tin Defense News đưa ra nhận định rằng rất có thể Mỹ sẽ đề nghị Canada hoặc các quốc gia Bắc Âu hợp tác đóng các tàu phá băng mới nói trên.

Lấy ví dụ cụ thể: các công ty đóng tàu Phần Lan hiện đang là nhà sản xuất tới 60% tổng số các các tàu phá băng trên thế giới và cũng đã từng nhiều năm mơ ước thâm nhập được vào thị trường (đóng tàu phá băng) Mỹ.

Rất dễ hiểu là “gió mày thổi về đâu”: Mỹ muốn giành quyền kiểm soát Bắc Cực và tiếp cận Con đường biển Phương Bắc.

Trên “chiến trường” này, không còn nghì ngờ gì nữa, Mỹ sẽ tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga, nhưng về phần mình, thì dĩ nhiên, Nga cũng sẽ không khoanh tay ngồi nhìn.

Chúng tôi xin nhắc lại một thông tin: vào tháng 5 vừa qua, Nhà máy đóng tàu “Baltic” đã khởi công đóng chiếc tàu phá băng đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ tư mang tên “Yakutia” thuộc Dự án 22220.

Tại các xưởng đóng tàu cũng của nhà máy còn có thêm 3 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc Dự án này đang được hoàn thiện- đó là các tàu “Artika”, “Siberia” và “Ural”.

Như chính trang Web của Nhà máy đóng tàu Baltic nhận định thì những tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Dự án 22220 "sẽ trở thành những tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới". Chúng sẽ tiếp tục đảm bảo cho công cuộc khai thác Con đường biển Phương Bắc của Nga.

Ngoài ra, Nga cũng đang ráo riết củng cố vị thế của mình ở Bắc Cực.

Đặc biệt, Nga đã cho xây dựng tại khu vực này các căn cứ quân sự hiện đại theo kiểu mô-đun, liên tục thao luyện các phương án đổ quân cấp tốc xuống Vùng Cực, thành lập các binh đoàn chuyên hoạt động ở Bắc Cực, và mới nhất - Hạm đội Phương Bắc đã được trao quy chế một bộ tư lệnh chiến dịch- chiến lược (Ngày 7/6/2020, Tổng thống Nga V.Putin đã ký một sắc lệnh, theo đó thì Hạm đội Phương Bắc sẽ trở thành một đơn vị hành chính - quân sự độc lập từ năm 2021- tức có quy chế là quân khu thứ năm sau các quân khu Tây, Nam, Trung tâm và Đông-ND).

Từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, Nga đã áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại trên Con đường biển Phương Bắc đối với những tàu do nước ngoài đóng chở dầu mỏ, khí đốt và than đá.

Ngoài ra, Nga cũng đã thông báo rằng các tàu quân sự nước ngoài vào năm 2019 sẽ chỉ được phép qua lại trên Con đường biển Phương Bắc sau khi đã thông báo và xin phép Nga.

Nhưng Mỹ và các đối tác của họ trong nhóm "NATO Bắc Cực" không hề có ý định nhẫn nhục cam chịu một tình cảnh như vậy. Tháng 1/2019, báo “The Wall Street Journal” đưa tin là Washington đã có kế hoạch khôi phục lại các căn cứ hải quân của mình trên Quần đảo Aleutian cách không xa biên giới Nga.

Còn trước đó, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ bờ Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Frederick Zukunft đã thẳng thừng tuyên bố rằng mục tiêu của hạm đội tàu phá băng của Mỹ tại Bắc Cực- đó là khu Yamal,- một khu vực có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh kinh tế của Nga.

Xin nhắc lại là có rất nhiều lý do khiến các cường quốc “quyết chiến” để tranh giành nhau quyền thống trị vùng phía trên Đường Vòng cực (vĩ độ 66 ’33′44″ Bắc-ND). Theo các ước tính sơ bộ, trữ lượng dầu mỏ tại khu vực Bắc Cực vào khoảng 100 tỷ tấn, khí đốt tự nhiên - 50 nghìn tỷ mét khối.

Một lý do không kém phần thuyết phục nữa là tiềm năng xây dựng cơ sở hạ tầng: cùng với quá trình tan băng, trên Bắc Băng Dương sẽ xuất hiện tuyến đường biển ngắn nhất từ Châu Á đến Thế giới mới (Châu Mỹ).

Triển vọng cuộc đối đầu ở Bắc Cực sẽ như thế nào? Liệu Mỹ có thể đánh bật được Nga ra khỏi Bắc Cực không?

II. Phần phỏng vấn chuyên gia

1/ chuyên viên chính Trung tâm Nghiên cứu quân sự- chính trị Trường Đại học quan hệ Quốc tế Matxcova (MGIMO), Tiến sỹ Khoa học chính trị Mikhail Aleksandrov

—  Mỹ đã không có các “tiền đồn” tại Bắc Cực, họ cũng không có các tàu phá băng, và đến bây giờ thì người Mỹ mới “ngộ” ra rằng họ đang gặp một số vấn đề - bị tụt lại sau (ở Bắc Cực) so với các cường quốc khác.

Tôi xin dẫn một ví dụ là thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng đang đóng tàu phá băng, cũng như các tàu (vân tải) đi sau tàu phá băng. Thêm nữa, Nga đang đẩy nhanh tiến độ khai thác Con đường biển Phương Bắc – không lâu nữa, tuyến đường này sẽ được khai thác tối đa và sẽ trở thành một tuyến giao thông huyết mạch toàn cầu.

Đến lúc đó, người Mỹ sẽ ở trong một hoàn cảnh không thể tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến tuyến giao thông này nữa.

D. Trump đã hiểu ra rằng một tình cảnh như vậy là không thể chấp nhận được đối với nước Mỹ.

Mỹ vốn đã quen với một thực tế là họ kiểm soát tất tần tật mọi thứ trên biển theo đúng nghĩa đen của từ này, thế mà giờ đây lại có một “miếng bánh” không gian biển khá lớn nằm ngoài quyền kiểm soát của họ.

“SP” - Chương trình tàu phá băng” của D.Trump nguy hiểm cho Nga đến mức độ nào?

—  Chúng ta hãy cùng chờ xem người Mỹ làm được những gì. Vì đây chính xác là một trong những trường hợp- khi mà nói dễ hơn làm rất nhiều.

Xin điểm lại rằng vào giữa tháng 5 (2020) vừa qua, tại buổi Lễ thượng lá cờ mới của Đội quân Vũ trụ Mỹ (mới thành lập), Tổng thống D.Trump đã tự hào tuyên bố rằng Mỹ đang thiết kế một kiểu "siêu siêu tên lửa” có tốc độ bay nhanh hơn 17 lần so với các tên lửa hiện có.

Mới đây nhất, tờ “Aerospace Daily” đã đưa tin: các cuộc thử nghiệm kiểu tên lửa siêu thanh mới (nói trên) đã được thực hiện tại California, tại căn cứ Andrew của Không quân Hoa Kỳ. Nhưng kiểu tên lửa mới nhất này thậm chí còn không “chờ được” đến lúc nó được phóng đi.

Tên lửa “tự tiện” tách khỏi chiếc máy bay ném bom –phương tiện mang B-52 và bay theo một quỹ đạo mà chỉ mình nó mới biết. Các quân nhân Mỹ đã buộc phải kích hoạt chế độ tự hủy của tên lửa để “chặn đứng”chuyến bay không thể kiểm soát nổi này.

Khoe thì ai cũng xứng bậc sư phụ, nhưng để đóng được những chiếc tàu phá băng tốt, đáng tin cậy – một việc không hề đơn giản chút nào.

Nó tốn tiền tốn của đã đành, nhưng quan trọng nhất- người Mỹ không có những kinh nghiệm như chúng ta (Nga) đã có trong công cuộc chinh phục và phát triển Bắc Cực.

Tôi nghĩ rằng người Mỹ sẽ mất rất nhiều công sức trước khi có được kết quả. Và sẽ không sớm có được kết quả.

“SP”: - Có nghĩa là vào năm 2029, người Mỹ sẽ vẫn chưa có tàu phá băng?

—  Chỉ có trên giấy mọi thứ mới được làm nhanh như thế được. Trên thực tế, ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ đang bị chậm tiến độ trong việc đóng mới các tàu chiến cho Hải quân Mỹ.

Mỹ không kịp thay những tàu đã đến hạn thanh lý. Đặc biệt là các tàu ngầm, và cả với các tàu mặt nước thông thường- tiến độ thay thế các tàu cũ đã đến lúc cần loại biên cũng đang gặp nhiều vấn đề.

Mỹ thực sự quan ngại trước khả năng là vào những năm 2030 họ sẽ không có đủ tàu chiến. Cùng thời gian đó, Trung Quốc đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự và cũng có ý định xâm nhập Bắc Cực.

Người Mỹ sợ bị tụt lại phía sau, và bây giờ họ vội vàng chiếm chỗ, như đã từng quen với cách làm như vậy khắp mọi nơi- lấy ví dụ, như ở Nam Cực.

Đến đây thì cần phải nhớ rằng, sau chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, người Mỹ đã tìm cách thâu tóm toàn Nam Cực, nhưng họ đã không thành công.

Với Bắc Cực- chắc chắn cũng sẽ không thành công. Nhưng bởi vì người Mỹ sẽ đóng tàu phá băng, nên khả năng xảy ra xung đột ở Bắc Cực sẽ ngày càng lớn.

"SP": - Tại sao ông lại tin chắc như vậy?

— Bắc Cực – đó còn là một khu vực cực kỳ quan trọng đối với một cuộc xung đột hạt nhân chiến lược có thể xảy ra giữa Nga và Mỹ. Bởi vì các đòn tấn công chủ yếu sẽ được tiến hành qua Bắc Cực - cả các đòn tấn công tên lửa lẫn các đòn tấn công bằng không quân.

Người Mỹ lại không thể xây dựng được một hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại đó với các tàu trang bị hệ thống Aegis, vì Bắc Cực có lớp băng dày phủ và Hạm đội Phương Bắc của Nga hiện đang thống trị tại đó.

Trên thực tế, điều duy nhất mà người Mỹ có thể làm (tại Bắc Cực)- đó là “săn” các tàu ngầm của chúng ta (Nga). Nhưng do chương trình phát triển hạm đội tàu ngầm Nga đang được đẩy nhanh tiến độ, họ sẽ mất cả lợi thế này.

Chính vì vậy xét từ quan điểm của Mỹ, Mỹ cần phải củng cố chỗ đứng của mình ở Bắc Cực, và tăng cường vị thế của họ tại đó. Một trong những việc Mỹ cần làm- cố gắng tạo ra các điều kiện nhằm đưa các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis lên các vĩ độ vùng Bắc Cực để đánh chặn tên lửa.

Nhưng về phần mình, chúng ta (Nga), sẽ bám sát tình hình, và sẽ chặn hoạt động của người Mỹ, cụ thể là: xây dựng các căn cứ tại Bắc Cực, bố trí các hệ thống phòng không, các tổ hợp tên lửa chống hạm ven biển.

Như các vị đã biết, trong năm 2019, tổ hợp tên lửa bờ chống hạm “Bastion” đã được điều đến Chukotka. Tên lửa siêu âm “Oniks” của tổ hợp này có tầm bắn tối đa 500 km.

Và như vậy, từ lãnh thổ của Chukotka, tổ hợp “Bastion” có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên toàn bộ phần phía đông của Con đường biển Phương Bắc - từ Eo biển de Long đến Eo biển Bering.

Trên thực tế, chúng ta thậm chí còn không cần phải liên tục duy trì tàu chiến ở Vùng Cực - chúng ta có thể kiểm soát tình huống từ bờ biển.

Tôi muốn nói thêm rằng Con đường biển Phương Bắc có một số đoạn đi ngang qua các đảo, qua vùng biển nội địa của chúng ta. Thành thử, người Mỹ có gồng mình cũng vô ích.

Ở một số khu vực, cứ căn cứ theo Công ước về Luật biển, chúng ta có quyền chặn các tàu nước ngoài.

Và nếu tính tới việc Nga đảm bảo khả năng hoạt động chắc chắn của Con đường biển Phương Bắc - đầu tư vào an ninh, các hành lang qua các lớp băng để tàu thuyền đi qua - chúng ta còn có quyền thu phí qua lại con đường này.

Tôi nhắc lại: người Mỹ có gây gổ cũng không được lợi lộc gì. Nếu họ cố tìm cách đi qua vùng nội thủy của chúng ta mà không được phép, mọi việc sẽ kết thúc một cách tồi tệ đối với họ.

2/ Chuyên gia quân sự, Đại tá Viktor Litovkin

—  Tham vọng của người Mỹ - đó cũng là chuyện tốt thôi, họ cũng cần một hạm đội tàu phá băng, nhưng nếu như dùng hạm đội đó để nhòm ngó Vùng Cực của chúng ta- thì thật vô ích: sẽ không ai cho họ vào khu vực đó.

Tôi không biết, lấy ví dụ, người Mỹ sẽ mua tàu phá băng hạng nặng ở đâu- ngoài Nga ra, rất ít nước đóng các tàu lớp đó. Còn để tự mình đóng một chiếc tàu phá băng như vậy, nước Mỹ sẽ cần từ năm đến bảy năm.

Cần phải hiểu rằng: với người Mỹ, việc đóng một chiếc tàu phá băng hạng nặng chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng giống như việc Nga đóng một chiếc tàu sân bay vậy. Chúng ta biết cách đóng tàu phá băng - và chúng ta đang làm việc đó, trong khi người Mỹ thì lại quá giỏi trong việc đóng các tàu sân bay.

Nhưng nếu để thay đổi “chuyên ngành” (đổi chỗ cho nhau), thì trong cả hai trường hợp, sẽ cần phải chi những khoản tiền điên rồ và một khoảng thời gian lâu không tưởng.

Tất nhiên, chương trình đóng tàu phá băng của Mỹ sẽ không đi vào bế tắc - họ chắc chắn sẽ hoàn thành chương trình đó của mình. Nhưng với những khoản chi phí cực lớn, và cũng không thực sự hiểu lắm là họ làm như vậy để làm gì.

Bởi vì phần của Mỹ tính từ Bắc Cực xuống- đó là Alaska, và đến đó là chấm hết. Còn chúng ta- chúng ta sẽ không cho người Mỹ tiến vào khu vực là phần của chúng ta, dù họ có cố đến mức nào chăng nữa:

đây là lãnh hải của Nga và không phải ngẫu nhiên mà chúng ta bố trí các đơn vị đồn trú của mình trên các đảo ở Bắc Cực. Nếu bạn khoanh một vòng tròn có bán kính 12 hải lý quanh những hòn đảo nằm đối diện nhau đó, sẽ thấy rằng người Mỹ đơn giản là không còn chỗ nào để đi qua.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật