Vì sao biểu tình ở Mỹ kêu gọi ‘cắt vốn’, thậm chí giải tán cảnh sát?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những lời kêu gọi ’cắt tiền’, ’cắt vốn’ đối với cảnh sát đã trở thành khẩu hiệu trên khắp nước Mỹ sau cuộc biểu tình hai tuần qua, và đang nhận được ủng hộ ngày càng tăng.
Vì sao biểu tình ở Mỹ kêu gọi ‘cắt vốn’, thậm chí giải tán cảnh sát?
Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York. Ảnh: New York Times.

Đó là những mục tiêu mà giới hoạt động hướng đến từ lâu, nhưng chưa bao giờ được ủng hộ như bây giờ. Nhiều quan chức lần đầu tiên đề xuất việc giảm ngân sách cho cảnh sát, hay chuyển tiền dành cho cảnh sát sang mục đích khác.

Theo Guardian, “cắt vốn cho cảnh sát” được các nhóm hoạt động cộng đồng vận động từ lâu, theo đó chuyển tiền dành cho cảnh sát và nhà tù sang đầu tư vào các dịch vụ công. Triết lý của điều này là tiền phục vụ “an ninh trật tự xã hội” nên ưu tiên đầu tư vào nhà ở, việc làm, y tế cộng đồng, giáo dục và các chương trình quan trọng khác, thay vì cảnh sát.

Các chính khách ủng hộ cắt vốn ngay lập tức

Các nhà vận động có những đòi hỏi khác nhau. Một số muốn giảm một phần tiền của cảnh sát, số khác muốn giảm vốn hoàn toàn, thay thế cách thức hoạt động của cảnh sát hiện tại. Họ lập luận rằng cắt vốn là cách tốt nhất, vì các nỗ lực cải cách cảnh sát trong vài năm qua đã thất bại, và họ nêu vụ George Floyd làm dẫn chứng.

Guardian dẫn một phân tích gần đây cho thấy trong bốn thập niên qua, chi phí cho cảnh sát ở Mỹ đã tăng gấp ba, đang ở mức 115 tỷ USD, dù rằng tội phạm đã giảm liên tục. Ở hầu hết thành phố, chi tiêu cho cảnh sát vượt đáng kể chi tiêu cho các dịch vụ khác, như ở Los Angeles, cảnh sát nhận 1,8 tỷ USD, chiếm hơn nửa tiền của thành phố.

dịch Covid-19 khiến các thành phố và bang phải cắt giảm nhiều khoản chi vào giáo dục, thanh thiếu niên, văn hóa - nghệ thuật, công viên, thư viện, nhà ở, nhưng ngân sách cảnh sát hầu như không bị động đến, cho đến khi có sức ép từ biểu tình hai tuần qua.

Cảnh sát dùng hơ‌i ca‌y để giải tán đám đông ở Atlanta. Ảnh: AP.

Sau vụ George Floyd, gần như ngay lập tức, nhiều thị trưởng và lãnh đạo được dân bầu ở Mỹ đã đảo ngược lập trường, ủng hộ cắt vốn của cảnh sát.

Thị trưởng Los Angeles cho biết đang muốn cắt 150 triệu USD của cảnh sát, chỉ hai ngày sau khi ủng hộ ngân sách trong đó tăng 7% tiền cho cảnh sát. Một đại biểu hội đồng thành phố New York kêu gọi chuyển 1 tỷ USD của cảnh sát New York sang mục đích khác. Các thành phố Philadelphia, Baltimore, Washington, D.C., San Francisco cũng có các động thái giảm vốn tương tự, hoặc phản đối việc tăng tiền cho cảnh sát.

Đi xa nhất là thành phố Minneapolis, nơi xảy ra vụ việc của George Floyd. Hội đồng thành phố cũng này thảo luận việc giải tán lực lượng cảnh sát.

Sự đổi ý của các chính khách là đáng kể, nhưng các nhà hoạt động thậm chí còn đòi hỏi xa hơn. Chẳng hạn, ở Los Angeles, các nhà hoạt động Black Lives Matter (tạm dịch: người da đen đáng được sống) kêu gọi chỉ cho cảnh sát 5,7% ngân sách của thành phố, thay vì 51% theo kế hoạch của thị trưởng.

Cảnh sát Orlando, Florida bắn hơ‌i ca‌y bên ngoài tòa thị chính ngày 2/6. Ảnh: AP.

Chưa từng có tiền lệ

Các nhóm lập luận rằng các thành phố không nên chỉ cắt nhỏ ở vài chỗ, mà tìm cách giảm quy mô, thậm chí giải tán hệ thống cảnh sát, và tìm “các giải pháp không liên quan đến cảnh sát cho các vấn đề mà người nghèo gặp phải”, chẳng hạn như tư vấn tâm lý hay tư vấn cho người nghiện.

Nước Mỹ chưa có ví dụ nào có thể tham chiếu về việc cắt vốn cho cảnh sát. Nhưng có một số nghiên cứu cho thấy giảm cảnh sát chưa chắc đã làm tội phạm gia tăng.

Năm 2014-2015, cảnh sát New York phản đối thị trưởng bằng cách làm ít đi, để chứng tỏ thành phố sẽ kém an toàn đi, nhưng điều ngược lại lại xảy ra. Khi cảnh sát không thực thi luật pháp kiểu “kính vỡ” (tức phạt nặng các tội nhẹ như làm vỡ kính cửa sổ), mức tội phạm giảm đi. Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng thực thi Pháp Luật quá mạnh tay có thể khiến xã hội, cộng đồng bị nhiều gián đoạn, dẫn đến nhiều tội phạm hơn.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình vì không rời khỏi phố trong lệnh giới nghiêm ở New York ngày 2/6. Ảnh: AP.

Các công đoàn của cảnh sát từ lâu đã chống đối các biện pháp cắt vốn, lập luận rằng cắt vốn sẽ làm thành phố kém an toàn. Họ chỉ ra các vụ cướp phá vừa qua làm dẫn chứng cho việc nhiều thành phố không có đủ cảnh sát.

Nhưng những bên ủng hộ cắt vốn lại chỉ ra rằng phản ứng đầy tính quân sự của cảnh sát đối với người biểu tình ôn hòa cho thấy cảnh sát mới là vấn đề, dù rằng biểu tình ôn hòa ban đầu chưa gây ra mối đe dọa.

Trên thế giới, cũng khó có ví dụ nào để các địa phương ở Mỹ nhìn theo, vì bối cảnh lịch sử phân biệt chủ‌ng tộ‌c cũng như việc cho phép sở hữu súng khiến nước Mỹ khác các nơi khác, khó so sánh.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng Mỹ chi ít tiền hơn hẳn so với các nước phát triển vào dịch vụ xã hội, và chi nhiều tiền hơn vào an ninh trật tự. Và việc Mỹ có tỷ lệ phạm nhân cao hơn hẳn có thể là hệ quả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật