Dịch bệnh thời Trần trong Chuyện tướng Dạ Xoa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyện tướng Dạ Xoa kể về dịch bệnh thời nhà Trần, người chết nhiều. Câu chuyện cho thấy dường như lúc này, dịch bệnh hoành hoành, không có thuốc chữa.
Dịch bệnh thời Trần trong Chuyện tướng Dạ Xoa
Việt Nam một thời. Ảnh Dân Việt

Chuyện tướng Dạ Xoa nằm trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện kể về Văn Sĩ Thành ở hạt Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội). Được biết, hiện ở làng Gối, huyện Đan Phượng (Hà Nội) còn có đền thờ Văn Dĩ Thành.

Văn Dĩ Thành được nhắc đến là kẻ kỳ sĩ, có tính hào hiệp, không sợ ma quỷ. “Cuối đời Trùng Quang nhà Trần, người chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ tựa nương, thường họp lại thành từng đàn lũ, hoặc gõ cửa hàng cơm để kiếm miếng ăn, hoặc đón cô gái chơi để kết duyên tạm, ai va chạm thì bệnh nguy khốn, ai cầu cúng thì thấy hết phép hay, hoành hành ở đồng nội không biết kiêng sợ gì cả”.

Theo sử sách, Trùng Quang, tức Trùng Quang Đế là vị hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Trần - triều đại khởi phát ở miền nam Đại Việt.

Triều đại này dựng lên để chống lại sự đô hộ của quân Minh sau năm 1407. Tên huý của Trùng Quang Đế là Trần Quý Khoáng hay Trần Quý Khoách. Vua Trần Nghệ Tông là ông nội của Trùng Quang Đế.

Sau này, nhiều người vẫn coi Trùng Quang Đế là vị vua chính thống nối nghiệp nhà Trần, được thờ trong đền Trần. Trùng Quang Đế được đánh giá là “quốc quân chết vì xã tắc”. Như vậy, vào thời Trùng Quang Đế, giặc Minh đã đô hộ nước ta. Có lẽ do sự tàn ác của giặc Minh mà nhân dân khốn khổ trăm bề.

Văn Dĩ Thành nhân lúc say rượu, cưỡi ngựa đi nói chuyện khuyên răn ma quỷ không nên làm hại con người. “Các người muốn cho thêm quân nhưng tổn hại người sống thì sao! Quân thêm thì ăn uống phải thiếu, người bớt thì cung cấp phải thưa, lợi gì cho các người mà cứ thích làm như vậy? Lòng dục thả ra thì khe ngòi không đủ lấp, thói ác giở ra thì hùm sói chưa là dữ. Hễ lợi mình được, dù tấm áo mảnh giấy cũng không từ, hễ no lòng được, dù ống giập chậu vỡ cũng không thẹn. Hì hục đi tìm chai lọ, hăm hở đi kiếm cháo cơm.

Gieo tai rắc vạ, trộm quyền của Hóa công, kêu nóc dòm buồng, rối lòng của dân chúng. Lũ người lấy thế làm thích nhưng mà ta lấy thế làm thẹn. Huống chi trời dùng đức chứ không dùng uy, người ưa sinh chứ không ưa giết. Vậy mà lũ người tự làm họa phúc, quá thả kiêu dâ‌m. Thượng đế không dong, hình phạt tất đến, lũ người định trốn đi đàng nào để khỏi tru lục”.

Lũ ma quỷ trả lời: “Đó là chúng tôi bất đắc dĩ chứ không phải là muốn như thế. Sống chẳng gặp thời, chết không phải số. Đói không có thứ gì cấp dưỡng, lui không có chốn nào tựa nương. Trong gò xương trắng, rầu rĩ cỏ rêu, trên đống cát vàng, lạnh lùng sương gió. Bởi vậy không khỏi rủ rê bè bạn, xoay xở miếng ăn. Phương chi vận sắp đến lúc đổi thay, nhà người sẽ đến cơ tan tác. Bởi vậy minh ty không cấm đoán, lũ tôi đã có lời xin. E rằng sang năm lại còn tệ hơn năm nay nữa”. Qua đoạn này cho thấy, thời thế lúc bấy giờ bất ổn.

Sau bọn ma quỷ tôn Văn Dĩ Thành làm tướng lãnh đạo chúng. Rồi nhân việc Diêm Vương mời làm quan ở âm ty, Văn Dĩ Thành đã sắp xếp công việc nhà rồi chết. Sau khi được làm quan ở âm ty, Văn Dĩ Thành về gặp bạn là Lê Ngộ, và mách cho Lê Ngộ giải trừ nạn.

Văn Dĩ Thành nói: “Mỗi một soái bộ đêm sai hàng hơn một nghìn tên quân, chia đi làm ôn dịch các nơi. Bác nên sắm nhiều cỗ bàn bày sẵn ở sân. Bọn chúng từ xa đến tất là đói khát, thấy cỗ liền ăn mà không suy nghĩ gì. Bác núp ở một chỗ tối, đợi khi thấy ăn uống gần xong, bấy giờ mới ra sụp lạy, nhưng cũng đừng kêu nài gì cả. Như thế họa may có cứu vãn được phần nào chăng”.

“Lê Ngộ về quê nhà, thì bệnh dịch đương nổi rất dữ, vợ con đều mắc rất nặng, hầu không thể nhận được nhau nữa. Bèn theo lời Dĩ Thành, đêm hôm ấy làm cỗ rất hậu bầy ra sân”.

Qua đoạn này thấy rằng, người xưa cho rằng nguyên nhân của dịch bệnh là do ma quỷ gây ra. Trong trận ôn dịch này, Nguyễn Dữ không nói là dịch bệnh gì, nhưng nếu mắc nặng, thì không thể nhận được nhau. Có lẽ đây là loại dịch bệnh rất nguy hiểm. Sau Lê Ngộ nghe lời Văn Dĩ Thành mà làm, nên đã cứu được gia đình. Người nhà họ Lê ai nấy đều tự khỏi bệnh dịch.

Từ thời Hậu Trần đến thời Nguyễn Dữ không xa, và mặc dù đây là câu chuyện huyền hoặc. Nhưng qua chuyện này, ta cũng có thêm một cứ liệu, dù là mơ hồ để hiểu về cuộc sống đất nước ta khi đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật