Giá vàng hôm nay 23-1: Giá vàng tuần tới bứt phá hay mắc kẹt?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với giá vàng thế giới sáng ngày 23-1 vẫn neo ở mức 1.835,6 USD/ounce, tương đương 50,1 triệu đồng/ lượng, và vàng trong nước tăng mạnh, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước được nới rộng.
Giá vàng hôm nay 23-1: Giá vàng tuần tới bứt phá hay mắc kẹt?
Tuần qua chứng kiến sự bứt phá của thị trường vàng. (Ảnh: kitco)

Nhận định giá vàng thế giới

Thị trường vàng đã gây bất ngờ khi bứt phá lên trên mức 1.830 USD / ounce trong tuần này. Các nhà phân tích cho rằng tuần tới sẽ có ý nghĩa then chốt để xem liệu vàng có bứt phá được hay không hay vẫn bị mắc kẹt ở mức hiện tại (ít thay đổi).

Theo chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures Frank Cholly, có nhiều nguyên nhân khiến giá vàng tăng đột biến trong tuần qua, trong đó có sự sụt giảm của thị trưởng chứng khoán. Để giá vàng có thể đạt được mức mới trên 1.850 USD/ounce thì điều quan trọng là kim loại này phải đạt và giữ được mức trên 1.830 USD trong tuần tới. 

Everett Millman, chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins, cho rằng biến động tăng giá của vàng trong tuần qua đã khiến các nhà phân tích ngạc nhiên vì ít ai nghĩ vàng có thể bứt phá nhanh chóng như thế.

"Thị trường vàng không mấy biến động trong nhiều tháng qua, nên việc nó bứt phá ở cả hai chiều là điều tương đối ngạc nhiên. Khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần này, nhiều người không mấy lạc quan. Nhiều ngân hàng lớn dự báo giá vàng sẽ đi xuống. Thế nhưng tâm lý tiêu cực lại có lợi cho thị trường vàng khi nó khiến cho thị trường kim loại quý diễn biến theo chiều ngược lại" Millman nói thêm. 

Theo ông, giá dầu tăng cùng với nhu cầu bán lẻ tăng mạnh cũng đã góp phần đẩy giá vàng lên cao trong tuần qua. 

Hiện nay, tất cả đang chờ đợi xem phản ứng của các thị trường trước cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra vào thứ Tư tuần sau của Cục Dự trữ Liên bang. Chiến lược gia thị trường Frank Cholly dự đoán sẽ có một đợt bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ và sức mạnh của vàng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này.  

Chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures cho rằng nếu vàng vượt qua mức 1.850 USD, nó sẽ tạo tiền đề cho việc tăng giá kim loại quý này lên mức 1.870-1.880 USD và cuối cùng là 1.900 USD.

Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 23-1 (giờ Việt Nam) vẫn neo ở mức 1.835,6 USD/ounce, tương đương 50,1 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng trong nước

Giá vàng hôm nay rạng sáng ngày 23-1 tăng từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng/ lượng, đưa giá vàng bán ra lên ngưỡng xấp xỉ 62 triệu đồng/ lượng. Tăng mạnh nhất là vàng DOJI TP Hồ Chí Minh với mức tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra, đưa giá vàng DOJI mua vào và bán ra lên lần lượt 61,2 triệu đồng/lượng và 61,85 triệu đồng/lượng.

Tương tự, DOJI Hà Nội cũng điều chỉnh giá vàng tăng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Theo đó, giá vàng mua vào tăng 50.000 đồng/ lượng lên ngưỡng 61,15 triệu đồng/ lượng; giá vàng bán ra tăng 100.000 đồng/lượng lên ngưỡng 61,8 triệu đồng/ lượng.

Công ty SJC ở cả ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh đều điều chỉnh giá vàng tăng 80.000 đồng/lượng mua vào; 180.000 đồng/lượng bán ra. Hiện tại, SJC Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết giá vàng ở ngưỡng 61,23 triệu đồng/ lượng mua vào; 61,95 triệu đồng/ lượng bán ra. SJC Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng mua vào tương tự; giá vàng bán ra ở ngưỡng 61,93 triệu đồng/lượng.

Ngoài ra, PNJ và Phú Quý SJC cũng điều chỉnh tăng giá vào rạng sáng ngày 23-1. Maritime Bank là cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý duy nhất giảm giá vàng cả hai chiều mua vào và bán ra.  

Với giá vàng thế giới vẫn neo ở mức 1.835,6 USD/ounce, tương đương 50,1 triệu đồng/lượng, và giá vàng trong nước tăng mạnh, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước được nới rộng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật