Mẹ già giục con gái gửi tiền về báo hiếu, ân hận vì “cho nó học cao”: Con trai thì được “miễn”

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có quan điểm: Bố mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con. Sau này chúng phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Thế nhưng, xã hội ngày càng hiện đại, em chợt nhân ra tư tưởng này đã rất lỗi thời.
Mẹ già giục con gái gửi tiền về báo hiếu, ân hận vì “cho nó học cao”: Con trai thì được “miễn”
Ảnh minh họa

Sở dĩ hôm nay muốn tâm sự với các chị về khái niệm “báo hiếu” bởi dạo gần đây em đọc được một câu chuyện rất buồn, trên một trang báo, có một độc giả đã viết như thế này: “Tôi là con gái thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Nhà tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ đều làm ruộng.

Gia đình quá nghèo nên từ năm lớp 9 anh trai đầu của tôi đã bỏ học, đi làm phụ hồ. Em út của tôi cũng vậy, em học kém nên cũng sớm bỏ ngang. May mắn, trong gia đình, tôi là đứa con chịu khó học hành nhất. Bố mẹ không muốn đầu tư cho tôi ăn học bởi tôi là con gái.

Ông bà quan niệm: “Học lắm rồi cũng đi lấy chồng, vừa tốn kém lại không giúp được gì cho gia đình”. Nhưng rồi tôi học tốt và đỗ đại học nên bố mẹ bất đắc dĩ phải cho tôi theo tiếp con đường học hành.Tôi tốt nghiệp bằng giỏi và được một công ty lớn nhận vào làm.

Tháng đầu tiên khi vừa vào làm được 10 ngày, mẹ tôi đã gọi điện hỏi về mức lương và dặn dò khi nhận lương phải gửi về nhà để bố mẹ trang trải nợ nần. Cứ đều đặn hàng tháng, tôi chỉ trích một số nhỏ chi tiêu, còn lại đều gửi hết về nhà. Tôi ăn uống kham khổ, thuê một phòng trọ nhỏ và cũng hạn chế mua sắm quần áo, mỹ phẩm.

Tuy nhiên bố mẹ tôi vẫn không hài lòng. Ông bà luôn thúc giục tôi gửi về với lý do thiếu tiền sửa cái bếp, mua tủ lạnh hay tiền ma chay, hiếu hỷ… Các anh tôi đi làm thuê tiền chỉ đủ chi tiêu, hẹn hò bạn gái nên trách nhiệm lo cho gia đình đều đổ lên vai tôi.

Khi tôi đi lấy chồng cũng với hai bàn tay trắng. Thật may chồng tôi là người tử tế. Anh lo hết các khoản tiền đám cưới cho nhà trai lẫn nhà gái.. Toàn bộ số vàng và tiền mừng cưới, mẹ gợi ý để mẹ giữ hộ. Nhưng sau này, tôi biết bà dùng nó để cưới vợ cho anh trai mà không một lời hỏi ý kiến tôi. Khi tôi có gia đình riêng, sinh con nhỏ, bố mẹ vẫn liên tục gọi điện hối thúc tôi gửi tiền về.

Thậm chí gần đây nhất, mẹ tôi đánh tiếng ông bà sắp xây nhà mới. Số tiền dự tính lên đến 600 triệu đồng. Ông bà, hai anh vay mượn, tích góp được khoảng 300 triệu đồng. Số tiền còn lại bà muốn tôi bù vào. Mẹ nói cả đời bố mẹ khổ cực nuôi con ăn học, đây là cơ hội để tôi báo hiếu.

Tôi chia sẻ, tôi chỉ có thể ủng hộ bố mẹ khoảng 100 triệu đồng nhưng mẹ tôi không hài lòng. Mẹ nói tôi lương cao, lấy chồng giàu mà ki bo với cả ruột thịt. Bà ân hận vì cho tôi học cao. Mấy ngày nay tôi gọi điện, bà không nhấc máy. Tôi thực sự mệt mỏi, xin độc giả cho tôi lời khuyên.

(Ảnh: Sina)

Vâng! Chỉ là một câu chuyện rất đỗi bình thường, xảy ra nhan nhản trong đời sống hàng ngày nhưng có quá nhiều vấn đề cần tranh cãi các chị ạ! Đầu tiên, báo hiếu có phải là nghĩa vụ của con cái hay không? Theo quan điểm của em là không! Báo hiếu là tình cảm thiêng liêng mà con cái muốn hồi đáp công ơn cha mẹ, báo hiếu phải từ tâm thì hai bên mới cảm thấy hạnh phúc. Nếu dùng từ nghĩa vụ thì nặng nề lắm!

Mọi người cứ nghĩ mà xem, một đứa trẻ không tự ý bước vào cuộc đời bạn, ngược lại, bạn mới người muốn chúng ra đời. Em tin rằng bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong con cái ngoan ngoãn, trưởng thành và sống một đời bình an.

Tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn đạo hiếu vô hình chung khiến đứa trẻ vừa ra đời phải mang một gánh nặng trên vai. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn mong con hạnh phúc hay sao? Muốn con hạnh phúc, tại sao cứ phải đặt thêm hai từ trách nhiệm hay nghĩa vụ? Như hoàn cảnh của chị gái nói trên, dù có yêu thương cha mẹ thật nhiều, nhưng suốt ngày bị nhắc đi nhắc lại về bổn phận, thì làm sao duy trì được cảm xúc cho gia đình?

Vấn đề thứ 2, em muốn nói tới, chính là có nên báo hiếu cha mẹ bằng tiền? Đồng ý rằng không có tiền thì sống thật kham khổ, nhưng nếu hoàn cảnh của con cái chẳng dư dả gì, thì mẹ cha cũng không nên gây sức ép. Họ không đói ăn, không thiếu mặc, căn nhà có lụp xụp đôi chút thì với 300 triệu ở quê, vẫn đủ để xây lại khang trang, không xây lớn thì xây nhỏ, liệu cơm gắp mắm.

(Ảnh: Internet)

Vấn đề thứ 3, tại sao chuyện báo hiếu không chia đều cho tất cả mọi người, tại sao đứa con có nhiều tiền nhất phải chịu áp lực nặng nề nhất? Cùng là con trong một nhà, cùng một cha mẹ sinh ra, nhưng sự thành công và tiền bạc là do nỗ lực của bản thân mang lại. Cái mác sống ở thành phố, có công việc ngon lành đôi khi không hẳn sung sướng như nhiều người vẫn nghĩ, thu nhập cao đồng nghĩa với mức sống cao, tính ra dư dả không nhiều.

Báo hiếu, vốn không nên cào bằng, chia 50/50 rạch ròi nhưng ít nhất phải sòng phẳng, con cái đứa nào có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, không có tiền thì bù đắp bằng tình cảm yêu thương. Đằng này, như một hủ tục khó bỏ, đứa nào giàu nhất buộc phải chi trả mọi thứ, rõ ràng là bất công, vì tiền là do mồ hôi đánh đổi, không phải lá rụng mùa thu.

Lại nói, chuyện hai anh trai ích kỷ, không biết phấn đấu làm ăn, đòi em gái phải lo cho mình, đã là bất hợp lý. Đằng này mẹ cha cũng đồng tình, xem đó là nhiệm vụ của con gái thì trọng nam khinh nữ quá đà. Cuộc sống người phụ nữ, vốn dĩ đã có nhiều điều mệt mỏi rồi, nay lại thêm áp lực từ phía người thân, chịu sao thấu. Lúc này, nhà đâu còn là nơi bình yên để về, chua chát lắm thay!

Suy cho cùng, em thấy thái độ về chữ hiếu của người Việt Nam vẫn quá cứng nhắc, tới mức người ta quên luôn cả việc nuôi dưỡng lòng hiếu thảo là như thế nào. Lòng hiếu thảo phải được nuôi dưỡng bởi cha mẹ chứ không phải là thứ có sẵn trong con cái.

Hơn hết, khi cha mẹ không thương con thật lòng, suốt ngày áp đặt nhiệm vụ thì con làm sao có thể báo hiếu cho mẹ vẹn toàn. Như hoàn cảnh của chị gái trên, có lẽ chị đừng gửi tiền về nữa ạ, chẳng ai bảo chị bất hiếu đâu, người ta chỉ thấy thương cho phận đời người phụ nữ, ít nhất là con gái phải được mẹ cha ruột yêu thương… nào ngờ đâu, buồn cho chị quá!  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật