Thương cô giáo nhặt ve chai nuôi chồng bệnh nặng: Không ngại gặp phụ huynh, học sinh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ai lớn lên rồi cũng phải mưu sinh, ngành nghề nào cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng khi biết tới câu chuyện của cô giáo nhặt ve chai, chẳng màng ‘sĩ diện’ để nuôi gia đình, nuôi chồng bệnh nặng và con thơ, sẽ khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
Thương cô giáo nhặt ve chai nuôi chồng bệnh nặng: Không ngại gặp phụ huynh, học sinh
Vì gia đình, cô Thùy làm đủ thứ nghề, kể cả nhặt ve chai (Ảnh: Dân Trí)

Những ngày không lên lớp, cô Vương Thị Thùy, giáo viên dạy môn Mỹ thuật ở trường tiểu học Viên Sơn (Hà Nội), sẽ vơ vội bộ quần áo cũ, mang đôi giày ba ta, đeo khẩu trang, khoác cái nón mê lên đầu rồi đi phân loại ve chai, đồng nát.

Ở khu làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), có một cửa hàng Internet quen, cũng là nơi gia đình cô Thùy vay nợ. Nhưng ông chủ ở đó rất tốt bụng, luôn gọi cô đến hàng tuần để thu mua ve chai, phế liệu do cửa hàng tích cóp lại.

Được biết thời gian đầu đi làm nghề thu mua đồng nát, nhiều người trong gia đình mong muốn cô làm việc gì đó nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng thời điểm đó vừa chăm chồng ở viện, vừa chăm hai con nhỏ, không cố định thời gian nên có việc gì làm tử tế mà ra tiền, cô đều nhận cả.

“Hồi mới lấy nhau, tôi còn chả biết đi xe máy. Thế nhưng từ khi chồng bị trọng bệnh, có khi tôi còn đi quét sơn, vôi ve, mặc dù những việc đó tôi chưa làm bao giờ”, cô cho hay. Thương cô, các đồng nghiệp ở trường luôn tạo điều kiện để giúp đỡ.

Nhiều chị em đồng nghiệp bảo nhau, gọi Thùy đến dọn dẹp, lau chùi nhà cửa ngoài giờ để cô có thêm việc. Mỗi ngày như vậy, cô kiếm được tầm 20 đến 25 nghìn, cũng có hôm được 50 nghìn tiền đồng nát, ve chai. Còn lau nhà, người trả theo giờ, người trả trăm rưỡi, một trăm tùy tấm lòng.

(Ảnh: Dân Trí)

Khi được hỏi, chị có ngại khi phụ huynh và học sinh thấy cô giáo nhặt ve chai? Cô cười đáp: “Mỗi nghề đều có sự cao quý riêng. Trút bỏ bộ quần áo đứng lớp, tôi cũng là người mẹ, người vợ. Thế nên, làm gì ra tiền miễn là lao động chân chính giúp được gia đình, tôi đều làm cả. Từ nhặt ve chai đồng nát, đến lau nhà, quét vôi, quét sơn... tôi không nề hà. Dẫu sao tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi nhiều người còn khó khăn hơn gấp vạn”.

Ngẫm mà thương cho cô quá, một người phụ nữ nhỏ bé, tảo tần, vì gia đình, vì hoàn cảnh nên không ngại làm những công việc vất vả, dẫu cho đôi bàn tay của cô, vốn được thiên phú để vẽ vời, bay bổng. Nhưng thực tế nghiệt ngã khiến nó chai sạn dần đi.

Xót cô nhưng cũng nể cô nhiều, phục cô ở tư tưởng lạc quan, ở nụ cười thường thường trực và cả sự dũng cảm khi đối mặt với một vài lời cười chê. Đúng, như cô đã nói, trên đời này chẳng có nghề nào là thấp hèn, miễn thiện lương thì đều cao quý như nhau.

Lại nói về gia cảnh của cô giáo nhặt ve chai ở Hà Nội, Thùy cho hay mình và chồng yêu nhau hồi hai người đang học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Sau ngày tốt nghiệp, cả hai đều chọn làm giáo viên và sinh được hai người con. Rồi hai vợ chồng mua đất, cất nhà ra ở riêng.

(Ảnh: VTV)

Cứ ngỡ chăm chỉ làm ăn, vận may sẽ tới, nào ngờ cô nhận hung tin chẳng lành, chồng mình bị ung thư ác tính (với khối u trong bụng) giai đoạn cuối. Cô kể, lúc đó lo lắng lắm, liệu chồng mình có kéo dài được không? Thế nhưng cô cắn răng tự nhủ phải cố lên. Nếu mình không vững vàng, chồng cũng sẽ suy sụp.

‘’Một năm trời, tôi vừa đi dạy vừa chạy qua viện nọ, viện kia chăm chồng truyền hó‌a chấ‌t. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Thậm chí có lúc đang ở viện, ai thuê việc gì, tôi nhận làm luôn. Các con thì nhờ ông bà nội ngoại, mỗi nơi một đứa. Tôi vay chỗ nọ đập chỗ kia nhưng tôi nghĩ mình vẫn may mắn hơn người khác”, cô tâm sự.

Sau cơn trọng bệnh của chồng, cô bán nhà trả nợ và xin mẹ chồng mảnh đất nhỏ trong vườn, cất cái nhà nho nhỏ chui ra chui vào. Đồ đạc trong nhà mỗi người cho một thứ. Điều đáng ngạc nhiên là giữa bao thứ bộn bề lo toan, các con cô đều học giỏi. Cháu Phạm Trường Thành, đã đoạt giải khuyến khích cấp thị xã Olympic tiếng Anh trên Internet dành cho học sinh phổ thông.

Ngoài ra, cô vẫn dạy ngoại khóa miễn phí cho học sinh. Cô bảo, ở đây không giống thành phố, học sinh còn ít lớp học kĩ năng. Vậy nên nhiều em có niềm say mê thực sự với Mỹ thuật, cô sẵn lòng dạy cho các em ở trường vào giờ nghỉ giải lao.

(Ảnh: Dân Trí)

Biết nói gì hơn nữa đây, trước tấm gương của cô giáo nhặt ve chai nuôi chồng, hẳn chúng ta sẽ có nhiều suy ngẫm. Cuộc đời là thế, ai rồi cũng gặp những khó khăn, gian truân, vất vả. Người may mắn thì ít sóng gió, người xui rủi thì rơi vào cảnh ‘đã nghèo còn gặp eo’.

Nhưng xin hãy nhìn cô Thùy mà học tập, thay vì than vãn kêu ca, trách ông trời sao bất công đến thế, cô lại chọn cách sống tích cực và giàu năng lượng, mình còn trẻ còn khỏe thì còn lao động kiếm cơm, chồng bệnh thì mình chăm, thiếu tiền thì bán nhà, vay nợ. Tùy cơ mà ứng biến.

Cảm phục hơn, dù bận rộn và vất vả, cô vẫn nuôi các con ăn học đàng hoàng, giỏi giang và hiếu thảo. Cô vẫn tận tâm với nghề, tranh thủ thời gian đi dạy miễn phí cho những đứa trẻ yêu nghệ thật. Nói vui một chút thì cô quả thật là người phụ nữ ‘3 đầu 6 tay’ và đáng tự hào lắm.

Chỉ mong cô giữ sức khỏe, giữ tinh thần lạc quan, để tiếp tục chiến đấu và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Dẫu biết phụ nữ sinh ra có nhiều thiệt thòi, nhưng sướng hay khổ vẫn là do chính mình chọn lựa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật