Kế hoạch thâu tóm HCV Olympic của Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập trung vào những môn thể thao như cử tạ hay bóng bàn và dựa vào hệ thống lò đào tạo, Trung Quốc từng bước thống trị các môn thi ở Olympic.
Kế hoạch thâu tóm HCV Olympic của Trung Quốc
Ảnh minh họa

Hou Zhihui của Đoàn Thể thao Trung Quốc giành HCV hạng cân 49 kg cử tạ nữ và xô đổ 3 kỷ lục Olympic. Cô chỉ là một phần của đội tuyển Trung Quốc đặt mục tiêu giành HCV mọi hạng cân thi đấu.

Đất nước tỷ dân đã và đang trở thành cường quốc thể thao ở Olympic. Vậy họ làm cách nào để vươn lên mạnh mẽ?

Thể thao Trung Quốc có chiến lược giành HCV từ rất lâu. Ảnh: Getty Images.

Chiến lược của thể thao Trung Quốc

6 ngày một tuần từ khi 12 tuổi, Hou Zhihui chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất, đó là nâng tạ nặng hơn gấp đôi trọng lượng c‌ơ th‌ể của cô lên không trung.

Tại Thế vận hội Tokyo, sự cố gắng của Hou đã được đền đáp. Cô giành HCV ở hạng cân 49 kg và phá vỡ 3 kỷ lục Olympic.

“Đội tuyển cử tạ Trung Quốc rất đoàn kết. Chúng tôi luôn hỗ trợ lẫn nhau”, Hou, 24 tuổi, nói sau khi giành HCV. "Điều duy nhất chúng tôi nghĩ đến là tập trung vào việc tập luyện và thi đấu".

Trung Quốc có hệ thống đào tạo hướng VĐV tới việc giành HCV để mang vinh quang về cho tổ quốc. Huy chương bạc và đồng hầu như không được coi trọng.

Với 413 VĐV góp mặt ở Tokyo, con số lớn nhất kể từ Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Đoàn Thể thao Trung Quốc đặt mục tiêu giành HCV nhiều nhất Olympic Tokyo. Gou Zhongwen, Chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc, cho biết trước thềm Olympic: “Chúng tôi phải đảm bảo vị trí đứng đầu về số lượng HCV giành được".

Hệ thống đào tạo VĐV của Trung Quốc tuyển chọn hàng chục nghìn tài năng trẻ để đào tạo toàn thời gian tại hơn 2.000 trường thể thao.

Để tối đa hóa kế hoạch thâu tóm vàng, thể thao Trung Quốc tập trung vào các môn thể thao vốn ít được quan tâm ở các nước phương Tây hoặc các môn thể thao có số lượng HCV Olympic nhiều nhất.

Không phải ngẫu nhiên khi gần 75% HCV Olympic Trung Quốc giành được kể từ năm 1984 nằm ở 6 bộ môn: Bóng bàn, bắn súng, thể thao dưới nước, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Hơn 2/3 HCV của Trung Quốc thuộc về các VĐV nữ, và đoàn thể thao đến Tokyo của nước này có khoảng 70% VĐV nữ.

Khi cử tạ nữ chính thức được đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic Sydney 2000, Trung Quốc coi đây là môn thể thao lý tưởng để đầu tư săn vàng. Với nhiều hạng cân, cử tạ có thể mang lại hy vọng giành 4 tấm HCV.

Những người đứng đầu thể thao Trung Quốc không quan tâm môn này có sức hút hay không. Thậm chí, ngay cả khi các cô gái tuổi mới lớn còn không biết có một môn thể thao như thế tồn tại.

Tại trung tâm huấn luyện của đội tuyển quốc gia môn cử tạ ở Bắc Kinh, lá cờ Trung Quốc phủ kín cả một bức tường, như lời nhắc nhở những VĐV rằng nhiệm vụ của họ là vì quốc gia chứ không phải cho bản thân.

"Hệ thống này rất hiệu quả”, Li Hao, người đứng đầu đội cử tạ tại Olympic Rio 2016 và hiện là giám đốc của bộ phận chống doping tại Trung tâm Cử tạ, Đấu vật và Judo ở Tổng cục Thể thao của Trung Quốc, khẳng định. “Đó là lý do tại sao đội cử tạ của chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn các quốc gia và khu vực khác".

Mọi quốc gia đều khao khát giành vinh quang Olympic. Trung Quốc đặt mục tiêu giành HCV, coi đây là cách để thể hiện sức mạnh.

Năm 1988, Trung Quốc giành 5 HCV Olympic. Hai thập niên sau, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội trên sân nhà, nước này đã vượt qua Mỹ để đứng đầu về số HCV. Tuy nhiên, Trung Quốc coi Olympic London 2012 là một thất bại và Rio 2016 là sự thất vọng lớn nhất, khi đứng thứ 3 sau Mỹ và Anh.

Hou Zhihui của Đoàn Trung Quốc giành HCV môn cử tạ nữ nội dung 49 kg. Ảnh: Getty Images.

Đào tạo khắc nghiệt

Ở quê nhà, các quan chức thể thao bắt đầu hành động. Họ nỗ lực gấp đôi, ngay cả khi ngày càng nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu không muốn giao con cái của họ để được huấn luyện trở VĐV chuyên nghiệp.

Trung Quốc thừa nhận các môn thể thao không chỉ là sân chơi của các VĐV ưu tú, mà có thể dành cho mọi trẻ em.

Nhiều phụ huynh lo sợ sự khắc nghiệt khiến con cái của họ không vượt qua được. Cuộc sống thường rất khó khăn, ít học hành, c‌ơ th‌ể mang nhiều chấn thương và ít triển vọng nghề nghiệp khác ngoài thể thao.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch đẩy mạnh đào tạo các môn taekwondo, chèo thuyền và hơn thế nữa.

"Những đứa trẻ đến từ các vùng nông thôn hoặc những gia đình không quá dư dả về kinh tế, chúng thích nghi tốt với những khó khăn gian khổ", Li, quan chức thể thao Bắc Kinh, cho biết.

Trung Quốc tập trung vào các môn thể thao có thể giành được HCV bằng cách nỗ lực tập luyện, thay vì có sự phối hợp của số lượng lớn người tham gia (từ 3 người trở lên - PV). Điều này vốn gây ra nhiều sai sót hơn. Ngoài bóng chuyền nữ, Trung Quốc chưa bao giờ giành HCV Olympic ở môn thể thao đồng đội.

Tại Tokyo, chiến lược này đã mang lại 19 HCV, cho đến hết ngày thi đấu 30/7, vượt qua Mỹ và Nhật Bản để dẫn đầu. Trung Quốc giành HCV Olympic đầu tiên ở nội dung 10 m súng trường hơi nữ.

Các môn thể thao Trung Quốc thống trị thường diễn ra trong tuần đầu tiên của Thế vận hội, trong khi những nội dung thế mạnh của Mỹ được dàn trải suốt cả giải.

Nhưng ở một số nội dung sở trường như bóng bàn, thể thao dưới nước và cử tạ, niềm hy vọng về việc quét sạch HCV đã không thành hiện thực. Có một số sự thất vọng trước khi Olympic khởi tranh. Tay bơi số 1 Sun Yang bị cấm vì doping. Các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ nam không vượt qua được vòng loại.

Sự hy sinh của VĐV Olympic Trung Quốc là rất lớn. Họ ít được học tập kiến thức phổ thông ở các trường thể thao, và một số nhà vô địch thế giới phải chia sẻ phòng ký túc xá với những VĐV khác. Họ may mắn được gặp gia đình một vài lần trong năm.

Đối với những VĐV cử tạ nữ, sự mất mát lớn hơn nhiều. Trong khi các VĐV bơi hay thể dụng dụng cụ ít nhất có thể tận dụng danh tiếng của mình để thu hút hợp đồng quảng cáo sau khi nghỉ thi đấu, những VĐV cử tạ thường ít nhận được sự chú ý từ các nhà tài trợ.

Qiuyun Liao thất bại ở hạng cân 55 kg nội dung cử tạ nữ. Ảnh: Reuters.

Sự thất vọng

Tuy nhiên, những nỗ lực nhiều năm trời và phải trải qua đầy gian nan, thử thách vẫn có thể bị hủy hoại, và không phải lúc nào cũng được đền đáp xứng đáng ở sự kiện thể thao lớn như Olympic.

Ngày 26/7, hai ngày sau khi Hou giành HCV ở hạng cân 49 kg, Qiuyun Liao, một nữ VĐV cử tạ khác của Trung Quốc, bước vào tranh tài ở hạng cân 55 kg. Cô tham dự với tư cách là nhà vô địch thế giới, nhưng thất bại trước đô cử Hidilyn Diaz của Philippines.

Liao, 26 tuổi, sau đó bật khóc, hơi thở dồn dập. HLV của Liao choàng tay quanh cô và khóc nức nở. Cuối cùng, mắt Liao đỏ hoe khi một phóng viên Trung Quốc động viên HCB cũng là thành tựu tuyệt vời. Liao thất vọng, dán mặt xuống nền nhà.

“Hôm nay, tôi đã cố hết khả năng", cô nói. Nước mắt lại chảy dài. “Những chấn thương nặng nề đã ở đó trong nhiều năm”, cô cho hay. "Cơn đau cứ lặp đi lặp lại".

Nhưng không giống như Simone Biles hay Naomi Osaka, những đồng nghiệp Olympic nổi tiếng từng chia sẻ về việc căng thẳng cảm xúc khi đối diện với quá nhiều áp lực, Liao không đề cập đến những tổn hại tinh thần, về những gì cô đã trải qua.

Liao thở dài. Cô lấy tay áo lau nước mắt. Đại hội Thể thao Quốc gia sắp đến và cô sẽ đại diện cho tỉnh Hồ Nam, quê hương của cô để tranh tài. Ở Trung Quốc, việc tài trợ thể thao cho các tỉnh phụ thuộc một phần vào thành tích của tỉnh đó đạt được trong kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc.

Thế vận hội đã kết thúc với Liao, một nhiệm vụ mới đang chờ cô ở phía trước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật