Hà Nội: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục xử phạt các chủ công trình xây dựng vi phạm Pháp Luật lao động, Sở sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất.
Hà Nội: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động
Hà Nội chủ động các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động (ảnh: TL)

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, giai đoạn 2015-2020, mỗi năm, toàn TP xảy ra hơn 200 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 200 người bị nạn. Riêng năm 2020, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 388 vụ tai nạn lao động. Còn trên phạm vi cả nước, trung bình mỗi năm xảy ra gần 8.300 vụ tai nạn lao động, khiến gần 8.500 người bị nạn.

So với giai đoạn trước, số lượng các vụ việc tai nạn lao động tuy giảm nhưng tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề… Chẳng hạn như vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vào cuối tháng 7-2020, làm 4 người chết… Hay mới đây vào sáng 30-3-2021, tại công trình xây dựng ở số 170 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), một phần sàn cốt pha bị đổ, khiến một công nhân bị mắc kẹt.

Hậu quả do tai nạn lao động là không thể đo đếm, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, phía sử dụng lao động vừa phải đền bù thiệt hại cho người lao động, vừa ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của đơn vị, doanh nghiệp. Về phía người lao động, đa số họ là trụ cột trong gia đình nên khi không may gặp nạn, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính kiệt quệ...

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm hơn 40%, do người lao động chiếm hơn 20%.

Các chuyên gia cho rằng, an toàn vệ sinh lao động là công tác bắt buộc mà các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phải tuân thủ và áp dụng để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động. Công tác an toàn vệ sinh lao động là những phương pháp quản lý mối nguy và rủi ro bao gồm những nhóm giải pháp như loại bỏ, thay thế, biện pháp kỹ thuật, biện pháp hành chính, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE).

Theo đánh giá, hiện nay, người sử dụng lao động chưa quan tâm xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; Chưa tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu thiết bị bảo đảm an toàn lao động hoặc không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động. Một số người lao động cố tình không sử dụng các thiết bị bảo đảm an toàn hoặc vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.

Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách Pháp Luật (LĐLĐ TP Hà Nội) nhận định, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết; Đồng thời đa phần công nhân tại các công trình xây dựng còn thiếu hiểu biết về các quy định Pháp Luật trong lĩnh vực lao động nên bị nhiều chủ thầu lợi dụng, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Trước thực trạng này, năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động phòng ngừa tai nạn lao động bằng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi, phấn đấu giảm tần suất tai nạn lao động tối thiểu 5% mỗi năm.

Riêng tại Hà Nội, TP cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung phòng ngừa tai nạn lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Phấn đấu trong năm 2021, TP Hà Nội có ít nhất 85% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động; Có thêm ít nhất 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động...

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục xử phạt các chủ công trình xây dựng vi phạm Pháp Luật lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất.

Sở cũng sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội xem xét ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường quản lý về an toàn lao động, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân. Việc bảo đảm an toàn lao động sẽ được các bên liên quan cố gắng thực hiện bằng nhiều giải pháp, không để “mất bò mới lo làm chuồng".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật