Bị bố ‘bán’ ở cổng chợ vì đói nghèo, cụ bà Hà Nội ròng rã 75 năm nuốt nước mắt tìm cội nguồn

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kể từ khi mất dấu với gia đình của mình từ 75 năm trước, trong hồi ức của “cô bé bị bán ở cổng chợ“ chỉ nhớ lời dặn của bố mình rằng: “Con đi thì được sướng, không phải lo cái ăn, không phải đói khổ nữa“. Suốt thời gian qua, bà luôn đau đáu muốn tìm lại cội nguồn, nhưng ngặt nỗi, đến tên làng của mình bà còn chẳng biết là gì...
Bị bố ‘bán’ ở cổng chợ vì đói nghèo, cụ bà Hà Nội ròng rã 75 năm nuốt nước mắt tìm cội nguồn
Ảnh minh họa

Xem Video: Nghèo đói đeo bám dai dẳng ở xã biên giới

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hoè (83 tuổi) nằm sâu trong ngõ nhỏ ở tổ dân phố Văn Trì 4, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Suốt nhiều năm qua, dù cuộc sống của bà Hoè sung túc, con cháu quây quần thế nhưng chưa lúc nào khoảng trống kí ức của bà được lấp đầy. 

Từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945, khắp các tỉnh miền Bắc nạn đói lịch sử. Trong tâm trí bà Hoè ngày đó thật kinh hoàng, đâu đâu cũng thấy có người chết, ai nấy đều gầy còm đến trơ xương… 

Chia sẻ với VNE, bà Hoè chỉ nhớ tên mình là Hải, bà là con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em (trên có 2 chị gái tên Phú - Phí tầm 14-15 tuổi, dưới có em trai 3 tuổi tên Tám). 

Suốt 75 năm qua, điều khiến bà Hòe ân hận là chưa từng hỏi thầy, bu tên làng mình là gì, để bây giờ mất cội nguồn, quê hương. Ảnh: Phạm Nga (VNE)

Thời bấy giờ không có gì ăn, cái đói khổ cứ thế vây bám lên gia đình. Nhà không có cám mà ăn nói gì đến gạo. Bà Hoè hằng ngày đi nhặt rau sam luộc ăn. Nỗi khao khát một bữa cơm luôn hiện hữu trong đầu cô bé chưa đầy 5 tuổi khi ấy. 

Bà Hòe vẫn nhớ cái đêm cả gia đình bỏ đi khỏi làng. Bố bà vác theo hộp đồ nghề làm mộc rất lớn. Hai chị gái lúc đó khoảng 12- 14 tuổi gánh xoong nồi, quần áo của cả nhà. Mẹ bà một tay bế em út, một tay dắt bà đi bộ theo đường tàu suốt mấy ngày đêm liên tục.

Đi bộ không có cái ăn. Bà Hòe đói cứ nhìn thấy hàng quán là sà vào đòi bố mẹ mua đồ. Thương con nhưng bố mẹ buộc lòng kéo con đi tiếp vì không có tiền. “Lúc đó tôi thấy đói thì cứ đòi ăn, đâu biết là bố mẹ không có tiền. Nếu biết tôi đã không đòi ăn như thế”, bà Hòe nói với giọng buồn rầu.

Bao năm qua bà Hòe luôn buồn rầu vì chưa tìm được tung tích người thân - Ảnh: thoidai+

Đến chợ Nhổn (Từ Liêm - Hà Nội) bà Hòe không thể bước tiếp được, lúc đó cả nhà dừng ở cổng chợ. Đứa em út khi đó khóc lả trên tay mẹ vì đói và khát sữa. Tại đây, bà Hòe được một người phụ nữ tên Thịnh ở làng Kiều Mai hỏi mua. Lúc đó, bà gào khóc không muốn rời xa bố mẹ và các chị em. “Tôi cố níu lấy tay bố, nhưng bố tôi gạt nước mắt và nói: “Về với người ta con sẽ được ăn cơm”. Kéo tôi đi, người phụ nữ tên Thịnh nhét vào tay bố tôi hai hào màu xanh. Đến giờ câu nói của bố tôi vẫn luôn văng vẳng trong đầu”, bà Hòe kể.

Khu vực đường nơi trước đây bà Hoè bị bán đi - Ảnh: Saostar

Được mua về, bà Hòe còn nhỏ nên công việc chủ yếu là quét sân, quét nhà. Sau hơn tháng, bà Hòe bị bệnh kiết lỵ, nhà chủ sợ quá nên đã đem cho một nhà địa chủ ở làng Văn Trì. Bà sống và làm việc tại đây cho đến năm 20 tuổi thì được gả chồng cho một người ở cùng làng. Kể từ đó đến nay bà sống ở làng Văn Trì, công việc chính là làm ruộng và sinh được tất cả 5 người con.

Lập gia đình rồi sinh con, dù bộn bề cuộc sống nhưng lúc nào bà Hòe cũng nghĩ về bố mẹ. “Không biết họ còn sống hay đã chết? Tôi cứ đặt câu hỏi trong đầu như vậy", bà nói.

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Hòe lại càng nhớ về gia đình nhiều hơn. “Có lẽ họ đã chết cả rồi. Năm đó đói lắm, sợ họ không qua được”, bà Hòe nghẹn giọng nói.

Khi các con bà Hòe trưởng thành, nghe mẹ kể câu chuyện ngày xưa, họ thay mẹ tiếp tục hành trình đi tìm người thân. Anh Vương Duy Sáng (con trai út của bà Hòe) chia sẻ: "Mẹ thương các con vất vả nên bảo không đi tìm nữa, nhưng ánh mắt buồn rầu của mẹ đã thôi thúc chúng tôi lên đường".

Anh Sáng - con trai bà vẫn mong muốn chắp nối những ký ức của mẹ với hy vọng tìm được nhà ngoại - Ảnh: VNE

Bao năm qua, anh Sáng đi đến nơi có chợ Cầu, các vùng quê có củ ấu, con rươi… để tìm kiếm tung tích quê ngoại, cũng như những người thân nhưng đều không có thông tin gì. Gia đình còn in cả tờ rơi, nhờ loa phát thanh ở các địa phương thông tin nhưng chưa có được kết quả.

“Cũng có nhiều cuộc điện thoại gọi đến nhận, nhưng các thông tin lại không khớp nhau. Mẹ tôi vẫn còn nhớ lắm, hàng trăm lần bà kể câu chuyện này mà không lệch chút thông tin nào cả.

Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm. Biết đâu ở nơi nào đó nhưng người thân cũng đang đau đáu tìm mẹ tôi, giống như chúng tôi đang đi tìm họ”, anh Sáng nói.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật