‘Làm ơn đừng để tôi chết’: Hành trình sinh con đáng sợ tại Venezuela

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh hệ thống y tế sụp đổ, việc sinh nở đối với phụ nữ Venezuela không khác nào hành trình sinh tử khi phải đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác để cầu xin sự giúp đỡ.
‘Làm ơn đừng để tôi chết’: Hành trình sinh con đáng sợ tại Venezuela
Ảnh minh họa

Những cơn gò chuyển dạ bắt đầu ở ngôi làng, trong đêm tối.

Đứa trẻ sắp chào đời và Milagros Vásquez (20 tuổi) cần sự giúp đỡ.

Với chiếc váy ngắn trùm lên c‌ơ th‌ể ngày một nặng nề, Vásquez liều lĩnh ôm bụng bầu ngồi lên xe máy băng qua 3 con sông, sau đó là 2 lần chuyển xe buýt.  

Suốt hành trình 40 giờ, Vásquez đã tìm tới bệnh viện thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4. “Chúng tôi không có dụng cụ tiệt khuẩn”, nhân viên y tế nói với cô. “Không có lồng ấp”, một nơi khác cho biết.

Vásquez bắt chuyến xe buýt khác. Thiếp đi trên băng ghế dài. Bật khóc trên đường đi.

Ngày càng ít bác sĩ thăm khám để kiểm tra độ giãn nở cổ tử cung của Vásquez, và rốt cuộc đều bảo cô rời đi.

Cô cố gắng xin vào bệnh viện thứ 5. Nhưng họ nói: “Chúng tôi không thể giúp chị”.

Tại thủ đô Caracas, cô đứng bên ngoài nhà hộ sinh lớn nhất đất nước và thốt ra lời cầu xin cuối cùng đầy tuyệt vọng.

“Chúa ơi, xin đừng để tôi chết”.

bệnh viện thứ 3 mà Vásquez tới cầu xin sự giúp đỡ không có lồng ấp cần cho trẻ sinh non. Cô vừa đi vừa khóc.

“Ở đây, phụ nữ bị đối xử như một con chó”

Từng phát triển nhất khu vực Mỹ Latinh, hệ thống y tế của Venezuela đã sụp đổ trong nhiều năm qua.

Một số thành phần của hệ thống này đã bị hư hại, trong đó có các nhà hộ sinh - nơi hàng loạt thiết bị chăm sóc sức khỏe sinh sản gồm máy theo dõi bệnh nhân, máy thở… hỏng hóc hoặc biến mất, buộc bác sĩ phải từ chối tiếp nhận thai phụ.

Khoảng 30.000 bác sĩ, tức một nửa của đất nước, đã bỏ đi trong những năm gần đây. Nhiều người trong số họ tuyệt vọng vì không thể nuôi sống gia đình, theo Liên đoàn Y tế Venezuela.

Dữ liệu gần đây nhất được ghi nhận năm 2016, khi tỷ lệ t‌ử von‌g ở thai phụ tăng 65% và tỷ lệ t‌ử von‌g ở trẻ sơ sinh tăng 30% trong một năm. Bộ trưởng công bố thông tin đó nhanh chóng bị sa thải. Kể từ đó, số liệu thống kê mới được coi là bí mật quốc gia.

Việc sinh nở ở Venezuela tiềm ẩn nguy cơ t‌ử von‌g cho cả bà mẹ và đứa trẻ.

Vásquez từng là vận động viên bóng ném ở trường trung học. Cô nổi tiếng với sức mạnh và kỹ thuật tốt đến mức được cử đại diện Venezuela đi thi đấu khắp Mỹ Latinh.

Nhưng vào một ngày tháng 1 vừa qua, trên bậc thềm Nhà hộ sinh Concepción Palacios ở Caracas, cô vật vã, khóc nức nở, vòng tay qua eo mẹ là bà Cristina - người đang đập cửa, cầu xin bệnh viện tiếp nhận con gái mình.

Bám vào eo mẹ, khóc nức nở và kinh hoàng, Vásquez không chịu rời đi. Chỉ sau khi cô ngất lịm, bệnh viện mới cho phép cô vào.

Vásquez ngất lịm đi. Rồi cánh cửa bất ngờ được mở ra. Khoảng 48 giờ sau khi cơn gò chuyển dạ bắt đầu, cô hạ sinh bé Cristal.

Tuy nhiên, đứa trẻ đáng thương sinh thiếu tháng, chỉ nặng 1,5 kg này không thể sống sót qua buổi sáng.

Quan chức bệnh viện từ chối cấp cho Vásquez giấy chứng tử. Không có tiền chôn cất Cristal, cô đành để th‌i th‌ể con trong nhà xác.

“Ở đây, phụ nữ bị đối xử như một con chó”, cô nói.

Đối với nhiều phụ nữ Venezuela hiện nay, từ dùng để mô tả việc sinh con là “ruleta” hay “roulette”. Đó là hành trình mệt mỏi đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, cố gắng tìm nơi có đủ trang thiết bị y tế để cầu xin sự giúp đỡ.

Thai phụ đôi khi phải xin quá giang, cuốc bộ hàng cây số hoặc ngồi xe buýt đi trên con đường gồ ghề như tr‌a tấ‌n thể xác. Nhiều trường hợp, họ bị hết bệnh viện này tới bệnh viện khác từ chối tiếp nhận, cho đến khi sinh con ngay trên đường, bậc thềm hoặc sảnh bệnh viện.

Aydimar Alvarado (26 tuổi) đi đến 12 bệnh viện trước khi hạ sinh con trai vào tháng 12 năm ngoái. Cậu bé xấu số qua đời 10 ngày sau đó do sinh non, chảy máu quanh não và một số nguyên nhân khác.

Thiếu hụt nguồn cung y tế

Trong nhiều bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố hệ thống y tế của đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhìn chung vẫn hoạt động tốt. Hồi tháng 3, ông thậm chí khuyến khích phụ nữ sinh nở, kêu gọi mỗi người “nên có 6 đứa con” vì lợi ích của đất nước.

Phụ nữ mới sinh con ở trại do cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc điều hành dọc biên giới Venezuela và Colombia.

Trong thời kỳ đất nước suy thoái, ngày càng nhiều thai phụ vật lộn với các vấn đề liên quan đến khủng hoảng, như suy dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ sinh nở phức tạp và cần sự giúp đỡ của chuyên gia.

Trong khi đó, các bác sĩ sản khoa và nhi khoa gần như không thể làm công việc của họ.

Bác sĩ trưởng khoa sản Beatriz Ticon (52 tuổi) - làm việc tại một bệnh viện công ở thành phố La Victoria - cho biết hàng chục nhân viên của bà đã nghỉ việc do không chấp nổi điều kiện làm việc hoặc mong muốn được trả lương cao hơn.

Hầu hết bác sĩ tại các bệnh viện công đều kiếm được dưới 10 USD/tháng - một mức lương không thể sống được.

Liều lĩnh vượt biên để con được chào đời

Ngày càng nhiều phụ nữ mang thai rời khỏi Venezuela sang nước láng giềng Colombia - nơi chính phủ hứa chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của họ.

Những người phụ nữ này - một số chứng kiến chị em và hàng xóm chết khi sinh con ở quê nhà - là một phần ngày càng tăng của cuộc di cư khỏi Venezuela.

5 năm trước, các bác sĩ tại bệnh viện San José ở Maicao (Colombia) - chỉ cách biên giới Venezuela vài phút đi bộ - đã đón 70 trẻ em sơ sinh Venezuela. Năm ngoái, con số đã tăng lên 2.700.

“Dòng người di cư đã đẩy bệnh viện đến giới hạn tài chính”, bác sĩ Guillermo Villamil - người điều hành bệnh viện - cho biết.

Mặc dù các cửa khẩu biên giới chính thức bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, phụ nữ mang thai vẫn liều mình vượt biên bằng những con đường nguy hiểm, được gọi là “trochas”.

Tháng 1 vừa qua, Neryelín González (25 tuổi) - người từ bỏ việc học đại học ở Venezuela - vượt biên sang Colombia 10 ngày trước bằng con đường bất hợp pháp để tìm nơi an toàn sinh con.

Trong phòng sinh, cô nằm trên một chiếc ghế tựa có đệm bằng nhựa vệ sinh. Một chiếc cũi sạch sẽ chờ đón em bé. 2 bác sĩ và 3 y tá chăm sóc cô trong suốt quá trình.

“Rặn nào. Hít thở đều”, bác sĩ Acuña nói.

Con trai của González , Jhonei, được sinh ra khỏe mạnh, nặng 3 kg.

“Chúa ơi, con tôi chào đời rồi”, khuôn mặt đau đớn của González nhếch lên thành một nụ cười khi trông thấy con nằm trong vòng tay bác sĩ.

Sau đó, cô được chuyển đến một căn phòng sạch sẽ có máy lạnh và vòi sen. Cô thay bộ váy trắng mà mình mang theo. Rất nhanh chóng, các y tá bế em bé bước vào cùng một đĩa thức ăn nóng.

Với bà mẹ trẻ vừa vượt cạn, cuộc hành trình mạo hiểm nhưng rất đáng giá.

Đứa trẻ đã được an toàn. Và cô ấy không bao giờ quay trở lại quê hương mình.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật