Việt Nam đủ thiết bị y tế cho tình huống 10.000 ca nhiễm Covid-19

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ... đã sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân mắc Covid-19.
Việt Nam đủ thiết bị y tế cho tình huống 10.000 ca nhiễm Covid-19
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác bảo đảm trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch. Ảnh: VGP.

Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan.

Nâng cấp các biện pháp chống dịch tại bệnh viện

Liên quan đến công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết bộ đã ban hành công điện yêu cầu tất cả bệnh viện nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Theo đó, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng

Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố dịch tễ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm.

Với người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo trước khi đi khám bệnh nên liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… bảo đảm giãn cách xã hội.

Về tình hình dịch bệnh, thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã bước sang ngày thứ 6 thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và liên tiếp 2 buổi sáng (5-6/4) không có trường hợp mắc Covid-19 mới. Điều đó cho thấy các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam đang có hiệu quả.

Tính đến 7h30 ngày 6/4, Việt Nam đã ghi nhận 241 trường hợp mắc Covid-19, hiện chưa có người t‌ử von‌g.

Trong số các ca mắc được điều trị, có 91 bệnh nhân đã khỏi bệnh (16 người giai đoạn 1 và 75 người giai đoạn 2); 150 người đang được điều trị tại 21 cơ sở y tế, trong đó số ca âm tính từ 1 lần trở lên là 52 người. Dự kiến trong ngày hôm nay sẽ có thêm một số ca được xuất viện.

Trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan ra 209 quốc gia/vùng lãnh thổ, với hơn 1,2 triệu người mắc, hơn 69.000 người t‌ử von‌g.

Những tín hiệu đáng mừng

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị trong thời gian tới các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch.

Trước thực tế số người bị phát hiện lây nhiễm ít, số trường hợp được chữa khỏi tăng lên, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận định đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm.

Người dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương không được chủ quan mà phải tiếp tục hiệp đồng chặt chẽ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam được nhận định là có hiệu quả. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Pháp Luật, bảo đảm tốt về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, thông tin thêm tuần qua số lượng người nhập cảnh từ Lào, Campuchia về Việt Nam đã giảm tới 55%. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở một số Đông Nam Á rất phức tạp, dự báo số công dân Việt Nam về nước thời gian tới sẽ tăng lên.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tiếp tục quản lý chặt đường biên giới; giao các quân khu ở phía nam bố trí khu vực tạm cư cho công dân về nước; tiếp tục tổ chức tốt công tác cách ly tập trung; đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội.

Về công tác hậu cần, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang y tế và trang phục phòng hộ cho y bác sĩ từ nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Về máy thở, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập, không xâm nhập, sắp tới sẽ có máy thở thay thế nguồn nhập khẩu.

"Hiện số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ... đã sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân mắc Covid-19. Đồng thời, Tiểu ban Hậu cần đang lên phương án chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế... cho các tình huống xấu hơn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả", ông Cường thông tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật